Họa sĩ trẻ ở Hà Tĩnh: Thiếu và yếu!

(Baohatinh.vn) - Nói đến họa sĩ trẻ, người ta thường nghĩ đến sự táo bạo, đột phá và luôn mang đến sự tươi mới. Ở những thành phố có nền mỹ thuật phát triển, lực lượng họa sĩ trẻ thường nhận được sự quan tâm đáng kể để phát huy tối đa sự tìm tòi, sáng tạo. Tại Hà Tĩnh, với chưa đến 5 họa sĩ dưới 40 tuổi và một vài cộng tác viên tham gia “phập phù” thì có thể nói rằng: lực lượng họa sĩ kế cận của tỉnh nhà đang bị hẫng hụt thế hệ.

Trần Vinh, giáo viên Trường THCS Phúc Đồng - Hương Khê và Dương Hải, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (người thứ 2 và thứ 4 từ trái sang) là hai trong số ít họa sĩ trẻ Hà Tĩnh thường xuyên có tác phẩm tham gia triển lãm khu vực Bắc miền Trung.

Trần Vinh, giáo viên Trường THCS Phúc Đồng - Hương Khê và Dương Hải, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (người thứ 2 và thứ 4 từ trái sang) là hai trong số ít họa sĩ trẻ Hà Tĩnh thường xuyên có tác phẩm tham gia triển lãm khu vực Bắc miền Trung.

Hoạt động mỹ thuật trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là về con người. Các họa sĩ trong tỉnh không là giáo viên phổ thông thì cũng là công chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, không có ai hoạt động chuyên nghiệp. Mỗi năm một lần tham gia triển lãm khu vực, tay nghề không được rèn luyện thường xuyên, trực quan không được tiếp cận với các tác phẩm có tầm, ý tưởng chưa thể bắt kịp với sự phát triển của nền mỹ thuật đương đại thì thật khó để các họa sĩ trẻ tỉnh nhà đột phá. Còn một lực lượng khá đông người trẻ được đào tạo tại Đại học Hà Tĩnh và Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du đang giảng dạy mỹ thuật ở các trường phổ thông thì yếu về chuyên môn sáng tác, hoặc chưa có động lực để tham gia.

Với những người trong ngành, không khó để nhận ra giữa các họa sĩ đang hoạt động trong tỉnh với các họa sĩ ở các thành phố lớn có một khoảng cách khá lớn. Thứ nhất, các họa sĩ tỉnh lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về hoạt động nghệ thuật. Thứ hai, môi trường hoạt động nghệ thuật còn bị giới hạn nhiều. Trong tỉnh, các họa sĩ trẻ chủ yếu hoạt động trong Chi hội Mỹ thuật - thuộc Hội Liên hiệp VHNT chứ chưa có sự giao lưu. Thậm chí, các xu hướng, trào lưu mới, các tiêu chí hoặc những thay đổi của ngành, các họa sĩ ở các trung tâm lớn có thể cập nhật được ngay trong khi họa sĩ trong tỉnh không có điều kiện.

“Thiền No1” - màu nước giấy dó của Huy Tùng.

“Thiền No1” - màu nước giấy dó của Huy Tùng.

Cũng vì những nguyên nhân đó, các họa sĩ trẻ Hà Tĩnh chưa có sự đột phá về nội dung, hình thức thể hiện cũng như chất liệu sáng tạo. Các tác phẩm chỉ mới dừng lại ở bố cục cơ bản về tạo hình, hay nói cách khác, vẫn chưa thoát khỏi căn bản trường lớp. Nội dung, đề tài đơn điệu, chưa có những ý tưởng đột phá. Các họa sĩ trẻ khi tìm đề tài sáng tác vẫn chủ yếu khai thác những đề tài “an toàn”, tránh vấn đề nhạy cảm, chưa có góc nhìn mới lạ, độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người xem.

Tâm sự với họa sĩ trẻ Quang Lĩnh, tôi nhận thấy tâm lý thiếu tự tin khi anh tiết lộ kế hoạch triển lãm cá nhân trong tỉnh và sau đó sẽ tổ chức ở Hà Nội. Theo anh, kinh phí tổ chức triển lãm đã được tài trợ một phần, nhưng e ngại lớn nhất vẫn là chất lượng tác phẩm. Qua đó để thấy rằng, chất lượng tác phẩm đang là một rào cản lớn trên con đường khẳng định mình của các họa sĩ trẻ.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của họa sĩ Lê Anh Ngọc (Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh) thì đời sống kinh tế của các họa sĩ nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức sáng tạo. Nhiều họa sĩ sáng tác được tác phẩm tốt nhưng không có điều kiện gửi tham dự các giải thưởng hoặc không thể tự tổ chức triển lãm. Trong khi đó, sân chơi cho các họa sĩ trong tỉnh gần như không có, kinh phí hỗ trợ cho anh em cũng không đáng kể, chưa động viên được họa sĩ trẻ làm nghề, trong khi chi phí để hoàn thành một tác phẩm không phải là ít. Chưa kể gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền luôn thường trực, họa sỹ khó mà “vị nghệ thuật” được.

Để thay đổi diện mạo mới cho mỹ thuật tỉnh nhà, thời gian tới, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh cần phát động sáng tác và mỗi năm nên tổ chức một cuộc triển lãm dành cho các họa sĩ trong tỉnh; có chính sách khuyến khích hợp lý. Ngoài các hội viên, cần phổ biến rộng rãi cũng như tạo sự hấp dẫn hơn nữa để thu hút các họa sĩ trẻ mạnh dạn tham gia, góp phần tạo sức bật cho hội họa Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast