Huyền thoại và sự thật về chuyện tình Romeo - Juliet

Thực ra câu chuyện không phải kết thúc như chúng ta vẫn biết, mà với đám cưới có tính toán của Luchina (tên thật của Juliette); còn anh chàng Luiji (tên thật của Romeo) thất tình đã kể lại câu chuyện này…

Màn tang tóc phủ lên khắp thành phố Verona - nơi xảy ra “tấn bi kịch tình yêu bết hủ” theo nguyên tác của Shakespeare, sau khi một nhà bác học Anh công bố với thế giới giả thuyết mới: Juliette và Romeo, mà mọi người thường tưởng là một huyền thoại của văn học, thực ra là những người có thật và họ không phải là dân Verona. Romeo là người Vichensa, còn Juliette là dân Friuli. Như thể vậy vẫn chưa đủ, vị học giả người Anh còn cho biết thêm: câu chuyện kết thúc không phải như W. Shakespeare từng hư cấu.

“Người ta đã phá nát giấc mơ tuyệt diệu và trữ tình nhất của chúng ta” - người Verona bất bình nói. Bởi Juliette hầu như là biểu tượng của thành phố này! Vẫn còn đây chiếc ban-công và ngôi mộ (cho dù hiển nhiên là của “rởm” theo giả thuyết mới) - hàng năm vẫn lôi cuốn hàng chục nghìn lượt du khách đến với Verona và đem lại cho chốn này một nguồn lợi tức không nhỏ. Trong biên chế hiện hữu của Hội đồng thành phố, thậm chí còn có cả một cơ quan chuyên trả lời hàng trăm lá thư mỗi ngày - bày tỏ nỗi đau tình ái với “biểu tượng” Juliette - từ khắp nơi trên thế giới gửi đến. Nhưng cũng như trong một vài trường hợp, lịch sử và huyền thoại thường bị trộn lẫn.

Chuyện tình Romeo và Juliet đã trở thành huyền thoại cho các cặp đôi
Chuyện tình Romeo và Juliet đã trở thành huyền thoại cho các cặp đôi

Đó là Sesil Cliff, giáo sư Trưởng bộ môn Lịch sử Phục hưng thuộc Đại học Tổng hợp Liverpool, người đã dày công nghiên cứu hơn ba thập niên về nhân vật Luiji Da Porto, tác giả của câu chuyện mà Shakespeare dựa vào đó dựng nên vở kịch - có thể nói là nổi tiếng nhất của ông. Qua một thời gian đi sâu nghiên cứu, S. Cliff đã rút ra kết luận đó là dạng tự truyện. Giáo sư - học giả Sesil Cliff đã kiên nhẫn đợi dịp chính thức công bố giả thuyết mới tại Viện hàn lâm Olympic ở Vichensa, nhân dịp 522 năm ngày sinh của Luiji Da Porto - tác giả chính thức của “Chuyện tình Romeo & Juliette” làm xúc động nhiều thế hệ trong suốt hơn 5 thế kỷ qua. “Ban-công tòa lâu đài và ngôi mộ của Juliette đều là những thứ bịa đặt, cũng như việc tồn tại các gia đình Capuleti và Monteci!” - vị giáo sư Anh khẳng định trong thuyết trình của mình. Vậy sự thật về câu chuyện ra sao?

Như đã nói ở trên. Romeo thật ra chính là Luiji Da Porto, sinh tại Vichensa vào năm 1485 trong một gia đình quý tộc. Sau đó được xung vào quân đội và trở thành một đại úy kỵ binh, phục vụ ở Friuli trong thời kỳ có căng thẳng giữa xứ Cộng hòa Venice và Hoàng đế Áo Maksimilian. Còn Juliette là em họ của Luiji (theo đường bên ngoại), với tên thật là Luchina và thuộc một gia đình có thế lực ảnh hưởng lâu đời nhất tại Friuli - dòng tộc Savornian. Gia đình Savronian xuất thân từ một dòng họ quân sự Phổ, tới định cư ở Friuli từ đầu thế kỷ XII. Trong nhiều thế kỷ người của dòng họ này nổi tiếng như là những nhà thao lược quân sự tài ba, “Đó là một hạng người rất đẹp, phụ nữ cũng như đàn ông. Họ đẹp dáng, cao thượng cùng với những phong tục nghiêm khắc. Họ mạnh đến nỗi tự xứ Venice cũng phải cầu cạnh” - giáo sư S. Cliff cho biết.

Chiếc ban-công huyền thoại thực ra là… “đồ rởm”
Chiếc ban-công huyền thoại thực ra là… “đồ rởm”

Trong những năm có “Chuyện tình Romeo - Juliette”, nghĩa là vào khoảng năm 1500, dòng họ Savronian bắt đầu phân rã làm đôi: phái Cựu hoàng và phái Cộng hòa. Kế đó mỗi lần đụng độ giữa hai phái này là xảy ra cự cãi, xô xát, đấu súng và chém giết. Luiji lần đầu thấy Luchina trong một vũ hội tại gia đình Savronian. Anh đã 26 tuổi, còn “nàng” mới 15, đủ để họ cảm mến nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng tình yêu mới chớm nở của họ vấp ngay phải sự đối kháng giữa hai gia đình: Da Porto thuộc tầng lớp quý tộc ủng hộ hoàng đế, còn gia đình Luchina lại cuồng nhiệt với nền cộng hòa. Việc đính ước và kết hôn giữa hai người trẻ là điều không tưởng. Do vậy họ bắt đầu gặp nhau một cách lén lút trong vườn tòa lâu đài, những hơi thở nén dưới ban-công, những bức thư tình qua đám người hầu tin cẩn…

Mọi việc bắt đầu từ năm 1511 “đen tối” đó. Ngay từ đầu năm đã có những tín hiệu của một “năm xui”, với “những tai nạn khủng khiếp” - do giới chiêm tinh tiên đoán, khi họ thấy mặt trời bị “vạch bởi những vệt máu”; rồi nhiều nhà thờ bị sét đánh; những đàn sói điên cuồng tấn công xé xác người lớn và trẻ em… Cũng trong thời gian này đang có cuộc chiến tàn khốc giữa xứ Venice và Áo quốc - kéo dài đã được 3 năm, kể từ năm 1518. Và như thể chưa đủ, dân chúng ở Friuli còn gặp phải nạn đói, dịch bệnh cùng trận động đất đáng sợ nữa. Mùa vũ hội năm ấy kết thúc bằng một cuộc “tắm máu”, với hậu quả đã cướp đi mạng sống của nhiều người trong cả hai phe phái đối nghịch. Antonio Savronian bị buộc tội gây ra vụ chém giết trên. Để khỏi bị kết án và tống vô ngục tối, Antonio đã phản bội xứ Cộng hòa Venice và cùng với đám cận thần của mình quy phục ngưới Áo. Nhưng Hội đồng Mười (cơ quan quyền lực tối cao) của Venice không nhân nhượng: người ta đã thuê kẻ giết Antonio. Sau đó để chấm dứt cuộc chiến giữa các phe nhóm kình địch, Hội đồng Mười ra lệnh tổ chức “đám cưới dàn hòa chính trị” giữa Luchina và một thành viên trong gia đình của “kẻ thù”: Franchesco. Với cô gái Friuli xinh đẹp này không có gì là bi kịch cả, bởi cô được giáo dục theo truyền thống Phổ: luôn có nghĩa vụ phải tuân theo lệnh bề trên.

Và anh chàng Luiji bất hạnh trở thành kẻ cô đơn thất tình. Để tự an ủi, chàng quay qua văn học và viết truyện về mình, với những tên người và địa danh khác cùng tựa đề Truyện vui - tuy rằng có rất ít đoạn vui trong đó. Rồi được xuất bản lần đầu năm 1531 tại Venice với lời đề tặng: “Cho Luchina Savronian kiều diễm và bất hạnh”. Trong lời tựa Luiji cũng phân tích sâu sắc tính nhẹ dạ và lòng không chung thủy của phụ nữ thuộc thời đại mình, cũng như lên án sự ép đặt trong hôn nhân.

THU HỒNG theo Domenica Del Couriere, Milan

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast