Kiên quyết dẹp bỏ các tệ nạn mê tín, dị đoan

(Baohatinh.vn) - Tết đến, xuân sang cũng là lúc các lễ hội vào mùa. Hà Tĩnh có nhiều di tích, danh thắng gắn với nhiều lễ hội mang tính truyền thống, hàng năm thu hút đông đảo du khách gần xa. Phóng viên Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Hạnh – Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn, văn hóa, phù hợp với tín ngưỡng của nhân dân tại các lễ hội.

- Ông có thể cho biết, những năm gần đây, hoạt động lễ hội đã có những chuyển biến như thế nào?

Năm 2013, công tác quản lý về tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cộng đồng dân cư, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, góp phần phát triển du lịch, nhất là trong dịp đón Tết Nguyên đán, mừng xuân. Các lễ hội diễn ra trước và sau tết như lễ hội đền Chợ Củi (Xuân Hồng – Nghi Xuân), chùa Hương Tích (Thiên Lộc – Can Lộc), đến đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh – Kỳ Anh), Miếu Ao (Thạch Trị – Thạch Hà), đền Tam Lang (Hậu Lộc – Lộc Hà)... ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Những hành vi lạm dụng tín ngưỡng cần được xử lý, bài trừ trong mùa lễ hội năm nay
Những hành vi lạm dụng tín ngưỡng cần được xử lý, bài trừ trong mùa lễ hội năm nay

Các lễ hội lịch sử cách mạng ở khắp các địa phương được tổ chức trang nghiêm, thành kính, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Lễ hội mùa xuân không chỉ là dịp vui chơi, giải trí, giải tỏa mệt nhọc sau một năm lao động sản xuất, mà còn nhằm thực hành các nghi lễ bày tỏ mong ước về một năm mới mưa thuận gió hòa, đất nước thanh bình, mùa màng tươi tốt, cuộc sống đủ đầy, con cháu trưởng thành... Ðó là nhu cầu và khát vọng chính đáng, vì thế, lễ hội trở thành hoạt động văn hóa tín ngưỡng được Nhà nước và chính quyền các cấp tôn trọng, tạo điều kiện để nhân dân được thỏa mãn.

- Bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề tồn tại, thưa ông?

Những năm qua, đã nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội mà dư luận và báo chí đã nhiều lần phê phán, các cơ quan chức năng đã có biện pháp chấn chỉnh. Trong đó phải kể đến tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, ANTT không đảm bảo; đặt hòm công đức tràn lan và tình trạng khấn thuê.

Những năm qua, đã nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội
Những năm qua, đã nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội

Bên cạnh đó, trong không gian lễ hội vẫn tồn tại nhiều quán ăn, quầy hàng gây mất mỹ quan, phản cảm. Hiện nay, khi đến các cơ sở tôn giáo không khó bắt gặp những hành vi kém văn hóa của người đi lễ như xả rác nơi công cộng, chen lấn, xô đẩy nơi thờ cúng linh thiêng, mua sắm đồ mã quá nhiều, nói năng bỗ bã, múa cô đồng và ném tiền vung vãi trong điện thờ... không hợp với không khí tôn nghiêm của đền, chùa.

- Trước mùa lễ hội năm nay, ngành VH-TT&DL đã có những biện pháp chấn chỉnh như thế nào để hoạt động lễ hội thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa?

Ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh và các địa phương đang tăng cường công tác quản lý lễ hội; phân cấp, hướng dẫn cụ thể trong công tác quản lý, kiên quyết không làm biến tướng các hoạt động lễ hội, mai một giá trị văn hóa truyền thống; bảo đảm ANTT, an toàn cho du khách, người hành hương. Ngành VH-TT&DL đang tập trung xây dựng các BQL lễ hội ngày càng chuyên nghiệp hơn, đồng thời với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các lực lượng chức năng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý vi phạm, góp phần đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp.

Tôn trọng nhu cầu văn hóa của nhân dân khi tham gia lễ hội, nhưng phải xử lý nghiêm khắc các biểu hiện tiêu cực gây tốn phí tiền bạc, lãng phí thời gian, tạo tiền đề cho nạn "buôn thần bán thánh", tạo cơ hội cho một số cá nhân đầu cơ, trục lợi...; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân tham gia hoạt động tín ngưỡng lành mạnh, chống mê tín, dị đoan.

Việc tăng cường đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực để mùa lễ hội 2014 vui tươi và lành mạnh, vừa tôn vinh được các giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân là việc làm hết sức cấp thiết. Con người thông qua các hoạt động văn hóa lễ hội để hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Các hoạt động này cũng tạo ra được môi trường du lịch lành mạnh, thu hút du khách, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà. Để gìn giữ không gian thanh tịnh, thiêng liêng cho các đền, chùa, các BQL cần tăng cường chấn chỉnh công tác lễ hội ngay từ bây giờ theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW và Chỉ thị 20-CT/TU. Và mong rằng, những người đi lễ cũng tìm thấy sự siêu linh, tĩnh độ và không khí ngày xuân qua cái tâm thành kính của mình, chứ không phải là ở sự nhiều ít của lễ vật hay bất cứ hình thức cúng bái mê tín dị đoan nào.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast