Lễ hội văn hoá tâm linh đậm chất cộng đồng

Đại lễ Phật Đản từ vài năm nay đã diễn ra quy mô và hoành tráng dưới sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự chú tâm của Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh, sự hỗ trợ, động viên của các cấp chính quyền và tấm lòng thành kính của các tầng lớp nhân dân. Lễ hội Phật Đản 2010, Phật lịch 2554 năm thêm một lần nữa bồi đắp tình đoàn kết dân tộc vốn đã được khởi thuỷ từ hàng nghìn năm trước.

Ngày 13 và 14-4 (AL) năm nay, tại chùa Ầm Ầm, một ngôi chùa nằm bên dòng sông Ngàn Phố thuộc xã Sơn Giang (Hương Sơn), hàng ngàn người dân đã cùng tề tựu làm lễ kỷ niệm Đản sinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và thả hoa đăng trên sông. Đó thực sự là một đêm hội đậm đặc không khí văn hoá của cư dân một vùng non nước hàng ngày lặng lẽ với việc mưu sinh, với những lo toan cơm áo. Họ hướng về Đức Phật như đã từng hướng lòng về tổ tiên nguồn cội, về vong linh các anh hùng liệt sĩ, về Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Nam mô a di đà phật! - Ảnh: Quang Sáng.

Nam mô a di đà phật! - Ảnh: Quang Sáng.

Ngày 15 (AL), những chiếc xe hoa lộng lẫy từ Hương Sơn đã di chuyển về xuôi để nhập vào dòng người từ bốn phương về dự đại lễ ở chùa Phong Phạn (Nghi Xuân) bên bờ sông Lam, Bến Thuỷ thơ mộng. Cùng ngày hôm đó, tại chùa Cảm Sơn trên núi Nài, mặc dầu công trình còn dang dở, hàng trăm người dân của các huyện lân cận thành phố Hà Tĩnh cũng đã trang nghiêm làm lễ tưởng niệm, cúng dường, thực hiện nghi thức tắm Phật và rước xe hoa về chùa Phong Phạn. Điều đáng nói là lễ hội Phật Đản năm nay không chỉ dành riêng cho các Đại đức, tăng ni, Phật tử mà còn thu hút sự tham gia hành lễ và vui hội của hàng ngàn người dân với những ứng xử rất văn hoá và thái độ hướng thiện sâu sắc. Ông Trần Kim Sáu, 83 tuổi ở xã Xuân Hải-Nghi Xuân nói: “Năm nào tôi cũng đến đây để được thể hiện lòng thành kính với Đức Phật và để tâm hồn được thanh tịnh, an lạc”

Đêm ấy, dưới ánh đèn lung linh toả sáng từ đài tháp nhiều tầng lộng lẫy được dựng lên giữa trời xanh, trên bãi bồi của con sông Lam, đối diện với núi Lam Thành xa mờ trong ánh hoàng hôn, chùa Phong Phạn mang một vẻ khác thường, rộn ràng tưng bừng nhưng vẫn trang nghiêm huyền ảo. Hoà vào màu áo vàng của các đại đức, cao tăng, hàng nghìn phật tử và du khách trong sắc phục áo lam, áo nâu và áo dài truyền thống từ các huyện thị trong tỉnh và từ tỉnh Nghệ An đã về chiêm bái và thực hiện các nghi lễ kỷ niệm Đản sinh Đức Phật.

Những chiếc xe hoa lộng lẫy từ các ngả đường hội tụ về, những lẵng hoa tươi thắm góp thêm vẻ lộng lẫy và tươi vui cho lễ hội. Hàng nghìn hoa đăng đã được các phật tử giúp lễ chuẩn bị đầy đủ cho du khách. Trăng thanh gió mát. Không tiếng ồn ào cười nói, không khói hương mù mịt và rất ít rác rưởi. Hình như đến đây, ai cũng muốn mình đẹp hơn, lịch sự văn minh hơn. Những nam thanh nữ tú, cô cậu học trò theo chân bố mẹ đi hành lễ hoặc thưởng ngoạn náo nức chờ đợi màn biểu diễn văn nghệ rộn ràng và màn hoa đăng huyền ảo.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tặng hoa chúc mừng Ban trị sự Phật giáo tỉnh nhân đại lễ Phật Đản 2010 - Ảnh: Quang Sáng.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tặng hoa chúc mừng Ban trị sự Phật giáo tỉnh nhân đại lễ Phật Đản 2010 - Ảnh: Quang Sáng.

Với họ, có thể kinh Phật, tuyên ngôn của Đức Phật cũng như triết lý nhân sinh của nhà Phật còn rất xa vời nhưng qua lời đọc trầm ấm vang xa của Đại đức Thích Hạnh Nhẫn, họ đều hiểu rằng gần gũi nhất, thiết thực nhất là phải có hiếu với mẹ cha, làm việc thiện, tránh xa cái ác, giữ tâm hồn cho thanh sạch, biết cảm thông với nỗi khổ của nhân quần.

Dòng chảy văn hoá Phật giáo hàng ngàn năm nay đã được nhân dân ta tiếp nhận như một lẽ tự nhiên, như một sự hoà hợp đại đồng. Thời nhà Lý, Phật giáo trở thành quốc đạo. Các nhà vua đều ít nhiều đi tu tại các chùa. Tương truyền vua Lý Công Uẩn được sinh ra và nuôi dưỡng ở một ngôi chùa của tỉnh Bắc Ninh. Nhiều tác phẩm văn học của các nhà sư đã ghi dấu nét rực rỡ trên văn đàn với tên tuổi Khổng Lộ Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư…Thời Trần, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đi tu trên núi Yên Tử, đặt nền móng cho vương quốc Phật giáo Việt Nam và môn phái Trúc Lâm Yên Tử để muôn đời sau tiếp nối hành đạo.

Trong chiều dài lịch sử của đất nước, Phật giáo đã đóng góp một phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh vì hoà bình của dân tộc, vì hạnh phúc của chúng sinh. Tên tuổi Đại đức Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu ở Huế để phản đổi chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã thêm một lần nữa làm sáng ngời tinh thần của Phật tổ: Cứu khổ cứu nạn, cứu chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân.

Những giá trị tư tưởng, đạo đức của Phật tổ Thich Ca Mâu Ni đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là ý thức tu dưỡng, rèn mình: Không tham, sân, si, chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, bố thí với tấm lòng rộng mở, nói lời nhân ái và chân thật, không nên nhìn lỗi người… Xét về một phương diện nào đó, những lời dạy của Phật cũng chính là những điều mà Bác Hồ của chúng ta căn dặn cán bố đảng viên: “Nêu cao đạo đức cách mạng, xóa sạch chủ nghĩa cá nhân”, phải biết thương yêu đồng chí, đồng bào…

Lễ hội Phật đản năm nay còn mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn là hướng tới đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội và chuẩn bị cho Đại hội Phật Giáo thế giới lần thứ VI. Tinh thần: Đạo pháp-dân tộc, chủ nghĩa xã hội, vì sự hoà bình và hoà hợp dân tộc của đạo Phật mãi sáng ngời như những ánh nến lung linh trong lòng người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast