“Lùm xùm” tuyển chọn VĐV dự SEA Games: Bao giờ mới hết tranh cãi?

Đến hẹn lại lên, cứ trước mỗi kỳ SEA Games, chuyện tranh cãi chọn hay loại VĐV nào ở đội tuyển quốc gia luôn là đề tài “nóng hổi”.

Đây là câu chuyện chẳng có gì mới, có khác chăng là những vụ “lùm xùm” năm nay đến sớm hơn thường lệ, bởi SEA Games 28 trên đất Singapore được tổ chức vào tháng 6.

Tuyển nào cũng “xáo xào” nội bộ

Ngay từ đầu năm, điền kinh Việt Nam xôn xao chuyện Nguyễn Thị Thúy, một trong những VĐV được đầu tư trọng điểm nhiều năm qua bị loại khỏi danh sách tập trung ĐTQG năm 2015 chuẩn bị cho SEA Games 28.

“Lùm xùm” tuyển chọn VĐV dự SEA Games: Bao giờ mới hết tranh cãi? ảnh 1

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Thúy (Ảnh: Hanoimoi)

Trong tổ chạy tiếp sức 4x400m nữ, Thuý là VĐV có thành tích tốt và đóng vai trò chủ lực, nên cô không khỏi “sốc” khi biết mình bị loại. Lý do Thuý không có tên trong danh sách tập trung cũng đã được phía bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) đưa ra, đó là “không có đạo đức tốt và cần trao cơ hội cho lớp trẻ”.

Chưa ai biết Nguyễn Thị Thúy có vấn đề gì về “đạo đức” thì tới lượt một VĐV trọng điểm khác là “nữ hoàng judo” Văn Ngọc Tú cũng bị loại vì SEA Games sắp tới không có hạng cân 48kg mà cô thi đấu nhiều năm qua.

Điều đáng nói là ở môn judo, việc các VĐV được chỉ thị ép cân hay đôn lên thi đấu hạng cân lớn hơn là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng một VĐV đẳng cấp châu lục, từng giành vé tham dự Olympic cũng như 5 HCV trong 6 kỳ SEA Games liên tiếp như Ngọc Tú lại bị “đuổi khéo”.

“Lùm xùm” tuyển chọn VĐV dự SEA Games: Bao giờ mới hết tranh cãi? ảnh 2

Nữ hoàng Judo Văn Ngọc Tú không được tham dự SEA Games 28

Ở môn đua thuyền, dù có thành tích áp đảo tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, thế nhưng đội tuyển đua thuyền Hà Nội chỉ có vỏn vẹn 3 gương mặt (trong tổng số 13 VĐV) lọt vào danh sách tập huấn của Đội tuyển quốc gia. Tương tự ở đội tuyển quần vợt, vụ việc lộn xộn, tố cáo lẫn nhau giữa các tay vợt của đội tuyển với Liên đoàn quần vợt sau Davis Cup mới đây khiến nhiều người ngao ngán.

“Lùm xùm” nhất và năm nào cũng “xáo xào” chuyện nội bộ là môn bóng bàn. Sau khi biết mình không có tên trong thành phần tuyển bóng bàn Việt Nam dự tranh SEA Games 28, tay vợt Đào Duy Hoàng (CLB Petrosetco TP.HCM) cho rằng BHL đã tự ý tuyển chọn lực lượng mà không có tiêu chí rõ ràng và còn muốn gửi đơn kiện lên Tổng cục TDTT.

Mập mờ tiêu chí tuyển chọn

Mọi chuyện hoàn toàn có thể giải quyết êm đẹp, nếu khi ra quyết định, các bộ môn, Liên đoàn lý giải cặn kẽ tiêu chí tuyển chọn, cũng như đưa ra lý do thuyết phục vì sao chọn người này, loại người kia để những VĐV bị loại không vì quá ấm ức dẫn đến phản ứng mạnh mẽ.

“Lùm xùm” tuyển chọn VĐV dự SEA Games: Bao giờ mới hết tranh cãi? ảnh 3

Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam tự làm khó mình trước thềm ngày hội thể thao khu vực (Ảnh: ThethaoVietNam)

Sau tất cả những câu chuyện “lùm xùm” ở các đội tuyển, câu hỏi được đặt ra là thể thao Việt Nam có nguyên tắc nào trong việc đưa ra tiêu chí tuyển chọn VĐV hay không?

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, tiêu chí tuyển chọn VĐV luôn rõ ràng: “Việc tuyển chọn tuân thủ theo nguyên tắc thứ nhất là các HLV chỉ đạo trực tiếp giới thiệu VĐV. Sau đó Hội đồng HLV sẽ họp, thảo luận và ra quyết định, trình danh sách lên bộ môn, các vụ liên quan và cao nhất là lãnh đạo Tổng cục TDTT. Như vậy, việc tuyển chọn VĐV luôn phải có quy trình, với vai trò nổi bật nhất là HLV trưởng”.

Theo ông Hồng Minh, có thể thấy rõ vai trò quan trọng và mang tính quyết định của HLV trưởng trong việc cử ra những VĐV tài năng, có thể không phải là xuất sắc nhất nhưng phù hợp nhất với chiến thuật để đạt được hiệu quả cao nhất trong thi đấu.

Chính vì vậy, HLV trưởng các môn phải là người công bằng, vì lợi ích chung. Tuy nhiên, với thể thao Việt Nam, HLV trưởng thường ưu ái “người nhà”, chọn VĐV theo kiểu “quân anh, quân tôi”. Lý do trẻ hoá lực lượng được đưa ra như cách phổ biến nhất để giải quyết vấn đề nhưng nghịch lý ở chỗ việc trẻ hóa để tìm thêm gương mặt chất lượng nhưng tiêu chí cụ thể chưa thật rõ.

Có thể lấy ví dụ điển hình ở môn đua thuyền, những VĐV như Nguyễn Thành Quang (Bình Thuận), Trương Văn Hoài (Thanh Hóa), Trần Văn Vũ (Bến Tre)… đều cùng lứa với nhóm VĐV Hà Nội nhưng thành tích kém hơn, nên nếu tất cả số này được gọi tập trung với lý do “trẻ hóa” như trên là thiếu thuyết phục và không thỏa đáng.

“Lùm xùm” tuyển chọn VĐV dự SEA Games: Bao giờ mới hết tranh cãi? ảnh 4

HLV Nguyễn Thị Nhung môn bắn súng (Ảnh: Dân Trí)

HLV Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng cho rằng, việc chọn VĐV phải thực sự công khai, minh bạch để những ai không có tên lên tuyển đều “tâm phục, khẩu phục”. Cá nhân bà Nhung thừa nhận, việc HLV trưởng quý mến một số VĐV là chuyện rất đỗi bình thường nhưng khi lên danh sách, những cá nhân có chuyên môn tốt nhất phải được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, ngoài các quyết định thiếu công tâm của các HLV trưởng bộ môn thì thì việc xưa nay bộ môn (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn mâu thuẫn với nhau khiến xảy ra tình trạng lộn xộn, kiện cáo ầm ĩ, “xáo xào” nội bộ các đội tuyển.

Được tham dự những giải đấu lớn là mong ước của mọi VĐV, nhưng việc họ không được gọi lên tuyển cũng cần phải có lý do thoả đáng. Những tranh cãi, bức xúc của VĐV sẽ không xảy ra nếu như quy chế tuyển chọn được áp dụng một cách nghiêm túc.

Nói cách khác, trách nhiệm của những người tuyển dụng là tìm ra những tài năng sáng giá nhất của thể thao Việt Nam để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Sẽ không có tranh cãi và bất đồng, nếu những người cầm cân này mực này dứt khoát, khéo léo, công tâm.

Theo Ngọc Duy/VOV

Chủ đề Tuyển Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast