Mùa bóng chuyền 2011: Tư duy thời vụ

Mùa bóng chuyền 2011 đã tới. Một số CLB đang chiêu binh mãi mã và quyết giành cơ hội lớn tại sân chơi đang ngày càng xã hội hóa này, trong khi đó, trên bình diện vĩ mô lại xuất hiện thứ tư duy lỗi thời khiến nhiều người hâm mộ bàng hoàng.

Khơi nguồn

Có gì đó na ná ở bên bóng đá, là việc các CLB bóng chuyền Việt Nam bây giờ cũng ham ngoại binh lắm. Bắt đầu là anh chàng người Thái xin nhập tịch Việt Nam ở CLB Ninh Bình với cái tên Đinh Hoàng Chai (!), sau đó là hàng loạt ngoại binh được mua về, từ thợ đến thầy.

“Mạnh vì gạo” trong chuyện này là các CLB thuộc ngành dầu khí, không những tại CLB nam mà ở CLB nữ cũng có thêm nhiều ngoại binh, đã nhập tịch là cô gái Nga Ira nay mang tên Việt là Kim Nhung và đồng đội Katya, rồi hàng loạt nữ binh Thái Lan tại các CLB khác đang làm đầy đặn thêm danh sách ngày một dài lên ở giải bóng chuyền đội mạnh toàn quốc đúng vào năm có SEA Games và điều đó là tích cực hay chưa, lại cần thời gian để có câu trả lời chính xác. Tuy thế, mùa giải này, dư luận đang bức xúc một vấn đề khác, đó là sự lạ lùng của luật chơi do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) đưa ra.

Irina (trái), cầu thủ Nga vừa nhập tịch của Vietsovpetro
Irina (trái), cầu thủ Nga vừa nhập tịch của Vietsovpetro

Một thời, ở xã Ninh Hiệp và mấy làng lân cận Hà Nội hay tổ chức các giải bóng chuyền bên lề những dịp hội hè, mời các đội bóng tứ xứ đến thi đấu vui vẻ trong vài ngày và giải thưởng thường là những chú gà thiến, thành thử hồi chống Mỹ có cụm từ “đánh bóng chuyền ăn gà”, ghi dấu một thời xa xưa với niềm vui của giới bóng chuyền trong sân chơi nghiệp dư mang tính văn hóa lễ hội ở cấp làng xã.

Ít ai ngờ, thứ tư duy mang tính thời vụ của quá khứ lại được một bộ phận làm quản lý ở giới thể thao Việt Nam đem vận dụng vào thể thao đỉnh cao ở thời kỳ mới và chắc chắn là không mang tính tích cực. Mà không chỉ có bóng chuyền, ở một số môn thể thao khác cũng có sự “vui vẻ” theo kiểu này như vật, đua bơi chải, bóng đá mini... nhưng không mấy ai nghĩ rằng thứ tư duy xa xưa ấy đã lại xuất hiện khi thể thao Việt Nam đang đứng trước bài toán “ra biển” với một đòi hỏi rất cao về tính chuyên nghiệp.

Lạ lùng luật chơi

Tại cuộc họp báo giới thiệu giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm nay, diễn ra hôm 27/3 vừa qua tại Hà Nội, vị đại diện VFV đã có cuộc trao đổi với báo chí và câu chuyện xem ra chưa có hồi kết. Theo vị quan chức này, liên đoàn cho phép các cầu thủ ở trong một mùa giải có thể thi đấu tại các hạng khác nhau, với “thiện ý” là giúp họ có cơ hội cọ xát để nâng cao trình độ, lại có điều kiện tăng thu nhập. Đây là một luận điểm hoàn toàn có hại cho phong trào bóng chuyền, nếu có thể nói thế.

Xin được nói ngay, chắc chắn trên thế giới chỉ có Việt Nam mới có luật chơi kiểu này. Luật chơi ở các môn thể thao đỉnh cao, thường có nhiều cấp độ, đó là sự phân biệt về hạng cân (với các môn võ đối kháng), lứa tuổi (bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn...), rõ hơn nữa là cấp đội tuyển quốc gia và đội tuyển Olympic. Một vận động viên đang ở hạng đấu thấp hơn có thể thi đấu ở hạng cao hơn song trường hợp ngược lại là không có, trừ khi người này không còn đủ tiêu chuẩn chơi ở hạng cao hơn. Nói chung, với mỗi mùa giải, một vận động viên chỉ được khoác áo ở một CLB và điều này là bất di bất dịch.

Tuy nhiên, ở ta và cụ thể là với môn bóng chuyền, các cầu thủ xuất sắc ở CLB X lại được quyền xuống thi đấu ở CLB Y là đàn em của CLB X, giúp họ đạt thành tích nào đó hoặc được lên hạng và sau đó ít ngày lại trở về CLB cũ để đánh hạng cao? Rõ ràng, thứ tư duy thời vụ như thế đã làm chết bóng chuyền vì nhiều lẽ.

Nguyễn Hữu Hà (giữa) kịp về đầu quân cho Đức Long - QK5 sau vụ chuyển nhượng ồn ào từ Ninh Bình
Nguyễn Hữu Hà (giữa) kịp về đầu quân cho Đức Long - QK5 sau vụ chuyển nhượng ồn ào từ Ninh Bình

Thứ nhất, cuộc chơi sẽ thiếu trung thực vì dấu hiệu đánh thuê, kẻ đi đánh thuê chỉ chơi ít ngày để lấy tiền và đem thành tích “ảo” cho CLB kia, hoặc thỏa mãn bệnh thành tích của ai đó mà thôi.

Thứ hai, cách làm ấy sẽ làm nhiều vận động viên trẻ mất đi cơ hội phấn đấu để trưởng thành đồng thời tạo tâm lý bỏ qua việc đào tạo, nếu có tiền cứ việc thuê vài cầu thủ đấu mấy trận cho xong, chưa nói đến việc nếu đội bóng kia được lên hạng và khi các “lính đánh thuê” ai về nhà nấy, họ sẽ thi đấu với đội hình thế nào, đội hình ấy đâu còn là đội đã được lên hạng?

Thứ ba, tư duy ấy sẽ phát sinh tiêu cực, làm nhiều cầu thủ sẵn sàng đi đánh thuê kiếm tiền và ảnh hưởng đến nhiệm vụ tại chính CLB của họ và điều này đã thấy ở ta.

Chừng mực nào đó, chuyện này giống như các đội bóng đá ở V-League toàn tiền đạo ngoại và khi đi dự SEA Games, số này đâu có thể góp mặt?

Giải năm nay có gì mới?

Với những băn khoăn, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2011 cũng khai cuộc ngày 1/4 này tại 2 bảng A (diễn ra ở Nhà thi đấu tỉnh Thái Nguyên) và B (Nhà thi đấu Gia Lâm, Hà Nội), với sự góp mặt của 12 đội bóng nam và 12 đội bóng nữ. Số lượng ngoại binh có tăng lên rõ rệt, 11 ở các CLB nữ và 10 ở các CLB nam, kể cả việc xuất hiện 2 HLV ở CLB nữ là Hà Nội BIDV và Vietsopetro.

Giải nam, gay cấn hơn là bảng B với 3 đội mạnh hơn là Tràng An Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa và Đức Long - Quân khu 5, kể cả Sacombank Biên phòng. Người ta chờ đợi “pháo 2 nòng” Wanchai và Hữu Hà có thể làm được điều gì mới mẻ sau gói đầu tư ồn ào của bầu Pháp. Tại bảng A, Long An và Thể Công nhẹ nhõm hơn và chỉ có Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam là đối thủ có thể gây khó cho họ.

Giải nữ, bảng A xem như Thông tin LienvietBank là bá chủ, còn Truyền hình Vĩnh Long sẽ là đối trọng với Bình Điền Long An một mình Ngọc Hoa là đáng kể. Còn tại bảng B, 3 đội PV Oil Thái Bình, Ngân hàng Công thương và Vietsopetro xem như ngang cơ khi tranh 2 suất tham dự Cúp Hùng Vương ngay sau vòng 1.

Những người hâm mộ chỉ biết cầu mong, nếu các vận động viên chủ lực của đội tuyển phát huy tốt và không dính chấn thương, may ra bóng chuyền Việt Nam sẽ có cơ hội giữ ngôi á hậu tại SEA Games 26 với điều kiện đội tuyển có huấn luyện viên xứng tầm.

Giải bóng chuyền VĐQG 2011

Năm nay, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Oil - 2011 thu hút 12 đội nam và 12 đội nữ tham gia, chia thành 2 bảng thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt chọn 4 đội vào vòng chung kết, 4 đội vào vòng xếp hạng và 4 đội vào vòng tranh quyền trụ hạng. Giai đoạn lượt đi diễn ra từ ngày 1/4 đến 8/4, bảng A thi đấu ở Nhà thi đấu tỉnh Thái Nguyên, bảng B thi đấu ở Nhà thi đấu Gia Lâm, Hà Nội. Sau vòng 1, 2 đội xếp thứ nhất và nhì mỗi bảng ở cả 2 nội dung nam và nữ sẽ thi đấu Cúp Hùng Vương, diễn ra từ ngày 12/4 đến 16/4 tại Phú Thọ.

Giai đoạn lượt về diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày 17/12, bảng A thi đấu tại Khánh Hòa, bảng B thi đấu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Căn cứ vào tổng điểm sau cả 2 vòng đấu, các đội nhất và nhì mỗi bảng sẽ thi đấu vòng chung kết; các đội xếp thứ 3 và 4, 5 và 6 sẽ chia nhóm thi đấu xếp hạng. Đội xếp hạng thứ 11 và 12 chung cuộc phải xuống chơi hạng A mùa giải 2012. Vòng chung kết nam và xếp hạng nữ diễn ra ở Khánh Hòa, vòng chung kết nữ và xếp hạng nam diễn ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 22/12 đến ngày 25/12. Bên cạnh giải thưởng của Tổng cục Thể dục thể thao, tổng số tiền thưởng mà nhà tài trợ PV Oil trao cho các đội bóng và vận động viên xuất sắc ở mùa giải 2011 là 642 triệu đồng.

Theo Thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast