Nét đẹp báo hiếu

(Baohatinh.vn) - Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều: “Thanh Minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Đấy là chỉ dẫn về phong tục của người Trung Hoa. Theo quan niệm của người phương Bắc, vào tiết Thanh Minh (tháng ba), khí hậu chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt tươi, trùm kín lăng mộ, có thể làm cho mộ sụt lở, cần phải cắt cỏ và đắp thêm đất vào mộ. Việc cắt cỏ và đắp đất lên mộ gọi là tảo mộ. Mặt khác, vào thời gian này, đẹp trời, nhân đi tảo mộ, người ta có thể đi chơi ở ngoại thành ngắm cảnh, nên còn gọi là đạp thanh.

Tết Nguyên đán là thời khắc đẹp, khép lại năm cũ, mở ra năm mới. Vào thời điểm chuyển giao, tục ta tin rằng, có một ông Hành Khiển trông coi việc nhân gian về lại Thiên Đình và thay bằng một ông Hành Khiển khác. Thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới cũng là thời khắc người Việt thể hiện nhiều nhất lòng biết ơn công lao sinh thành, tưởng nhớ người đã khuất.

Tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi đã trở thành nét đẹp truyền thống ở mọi miền quê. Ảnh: Bá Tân

Tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi đã trở thành nét đẹp truyền thống ở mọi miền quê. Ảnh: Bá Tân

Không chỉ cúng tổ tiên, người Việt quan niệm, mộ phần của người đã mất cũng như ngôi nhà người đang sống. Dịp ấy, nhân gian quét tước nhà cửa, dán câu đối, treo tranh, sửa sang vườn tược để đón năm mới với niềm mong mỏi sung túc, khang ninh. Vậy nên, người Việt cũng mong ngôi nhà của người đã khuất phải sạch sẽ, không hiu quạnh. Vào dịp gần cuối năm theo lịch âm, người dân sắp xếp việc gia đình, đi thăm viếng và sửa sang mồ mả (tảo mộ). Có cỏ cây che lấp thì dọn dẹp; mộ phần bị hao tổn do thiên tai, súc vật, hay chuột, mối làm tổ thì tu bổ, sửa sang.

Ngày trước, đời sống khó khăn nên mộ phần của người mất chủ yếu đắp bằng đất, vì thế mới gọi là nấm mồ. Lúc này, việc đi tảo mộ có ý nghĩa về nhiều mặt. Mộ phần đơn sơ nên dễ bị tác động của ngoại cảnh, bởi thế, con cháu phải đi sửa sang để những người đã mất đỡ tủi, trông vào đỡ xót xa. Dĩ nhiên, con cháu có khi phải lao động nhiều như: chở đất, cát tu sửa cho mới, cho đẹp.

Tôi còn nhớ, lúc nhỏ, thường theo ông và cha đi tảo mộ vào độ ngoài 25 tháng chạp. Chúng tôi vừa đắp đất, nhặt cỏ rác, vừa vốc những mớ bùn có màu vàng để không lẫn uế tạp đắp lên chóp mộ. Chính bàn tay tôi đã rất nhiều lần tô từng ngôi mộ, ngắm đi, ngắm lại xem thế nào là đẹp. Xong thì cùng ông, cha thắp hương và thấy lòng tràn ngập niềm vui khó tả.

Ngày nay, hầu hết mộ phần đã được xây bằng vật liệu kiên cố. Nơi người mất an nghỉ trông sạch sẽ. Nhưng, cũng vì thế, lễ tảo mộ không đem đến đầy đủ ý nghĩa như trước kia. Những gia đình đã có mộ phần được xây cất khang trang, đa phần chỉ đến thắp hương, nhặt nhạnh cỏ rác, các vật uế tạp xung quanh. Những gia đình mộ phần đơn giản thì quét vôi, làm mới cho đẹp. Nhìn chung, chẳng phải làm gì nhiều. Đáng nói trong số này, có rất nhiều người con đi xa, không thể coi tảo mộ là một “lễ” dầu không cúng bái, chỉ thắp hương tại phần mộ.

Có nhiều người là trực hệ với người mất, song những ngày ấy cũng không sắp xếp về tảo mộ cho gia tiên, thay vào đó, có khi họ để mặc, có khi họ nhờ con cháu xa ngái hơn đến làm. Ngoài ra, một bộ phận giới trẻ, nhất là ở thành phố, hầu như chỉ chăm lo làm ăn, theo đuổi học hành và cũng vì xa quê quán nên không chú trọng việc tảo mộ. Những biểu hiện này đã ít nhiều tác động đến nét đẹp của sự báo hiếu vào những ngày cuối cùng của năm.

Báo hiếu trả nghĩa sinh thành là việc cần làm thường xuyên. Khi các bậc tiền nhân còn thì săn sóc, phụng dưỡng, khi khuất núi thì làm lễ tưởng vọng và chọn thời điểm có ý nghĩa nhất để sửa sang lại mộ phần. Đó cũng là việc làm bồi đắp cho tâm hồn mỗi người thêm ấm áp, thêm thanh cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast