Nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu

(Baohatinh.vn) - Thờ Mẫu là tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa, xuất hiện từ xa xưa, trở thành dòng chảy liên tục trong văn hóa dân tộc...

Xuất phát từ thờ nữ thần, qua hiện tượng cung đình hóa, lịch sử hóa và việc phong thần của nhà nước phong kiến, các Mẫu thần, Mẫu Tam phủ, Tứ phủ dần dần hình thành rộng rãi. Hà Tĩnh cũng như nhiều tỉnh, thành khác còn duy trì hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy trong thời kỳ hiện đại.

Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) là nơi thờ Vương Nương Thánh mẫu đệ nhị thượng ngàn, người có công giúp Lê Lợi chiêu mộ binh lính đánh đuổi giặc Minh. Ảnh: Mạnh Hà

Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) là nơi thờ Vương Nương Thánh mẫu đệ nhị thượng ngàn, người có công giúp Lê Lợi chiêu mộ binh lính đánh đuổi giặc Minh. Ảnh: Mạnh Hà

Thờ Mẫu - nét đẹp văn hóa

Mẫu có nghĩa là mẹ. Thờ Mẫu nghĩa là thờ mẹ. Đây là điểm rất đáng chú ý, bởi con người Việt Nam từ rất sớm đã lựa chọn hình tượng mẹ để tôn vinh, thờ phụng và ký thác niềm tin. Điều này cũng giải thích tại sao chúng ta lại có Phật Bà trong khi Phật nguyên thủy chỉ có “ông”. Cùng với giá trị nhân bản, đạo đức, hình thức thờ tự này đã chuyển tải những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Ban đầu, người Việt Nam coi tự nhiên như người mẹ và tôn thờ, trải qua thời gian với xu hướng “lịch sử hóa”, “địa phương hóa” và “nhân hóa”, nhân vật Mẫu đã được gắn với nhiều huyền tích có công với nước, thương yêu người dân, thậm chí, gắn với những nhân vật có thật. Vì thế, xuất hiện việc thờ Mẫu thần là các Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu như Ỷ Lan, Mẹ Gióng, Thiên Ya Na, Linh sơn Thánh Mẫu - Bà Đen, Bà Chúa Xứ… Tiếp đó, với sự ảnh hưởng của đạo giáo Trung Hoa, tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện thờ Tam phủ, Tứ phủ (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Địa cai quản vùng đất, Mẫu Thoải cai quản vùng sông biển, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi), vì thế, hình ảnh Mẫu còn có ý nghĩa chở che, mang lại những điều tốt lành.

Trong văn hóa Việt, kết tinh đẹp nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu là hình ảnh Liễu Hạnh vừa uy nghiêm, vừa nhân từ, trong tư cách là tiên, là người, là thánh. PGS. TS Ngô Đức Thịnh - người đã có công lớn trong nghiên cứu đạo Mẫu Việt Nam đã cho rằng: “Đạo Mẫu chính là một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tôn thờ đạo Mẫu tức là tôn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước”.

Điều đặc biệt ở đạo Mẫu là hướng về trần thế, thực tại, chứ không phải kiếp sau, phần linh hồn của con người. Đến với đạo Mẫu là đến với thực tại để cầu mong phúc - lộc - thọ. Đến với đạo Mẫu, con người còn tìm đến hình thức diễn xướng độc đáo, tiêu biểu là nghi lễ lên đồng. Nghi lễ này nguyên hợp nhiều hình thức nghệ thuật, trong đó, nổi bật là lối hát văn độc đáo. Lối hát này làm cho nghi lễ lên đồng sôi động và hấp dẫn nhờ tiếng đàn, trống, nhạc đệm cùng với lời văn gợi lại sự tích, công trạng của các vị thánh và cách trang trí nhân vật, khung cảnh tác động trực tiếp đến người xem, chuyển tải những giá trị văn hóa cổ truyền rất độc đáo của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Tĩnh

Nằm trong không gian tín ngưỡng của vùng Bắc Trung bộ nói riêng, người Hà Tĩnh từ rất sớm đã coi trọng tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo trục dọc và ngang của địa hình, từ Nghi Xuân tới Kỳ Anh hay từ Lộc Hà đến Hương Sơn, Vũ Quang… nơi nơi đều có các điểm thờ Mẫu. Cũng như nhiều tỉnh khác như Thanh Hóa, Nghệ An, người dân Hà Tĩnh rất coi trọng hình ảnh vị thần chủ là Liễu Hạnh, nữ thần trong hệ thống “tứ bất tử” của thần linh Việt Nam.

Thờ Mẫu là đạo lý, thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống, là dòng chảy tiếp biến hướng về cội nguồn. Trong ảnh: Lễ hội ở đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh – Kỳ Anh). Ảnh tư liệu

Thờ Mẫu là đạo lý, thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống, là dòng chảy tiếp biến hướng về cội nguồn. Trong ảnh: Lễ hội ở đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh – Kỳ Anh). Ảnh tư liệu

Liễu Hạnh tuy xuất hiện muộn vào khoảng thế kỷ XVI, nhưng hội tụ đủ phẩm hạnh của thần, tiên và phật. Trong tinh thần Folklore, người ta có thể bắt gặp Liễu Hạnh khi là một cô gái, một người vợ, khi là nhà văn, nữ tướng. Liễu Hạnh có hiếu nghĩa theo Nho giáo, có pháp thuật theo Đạo giáo, có quy y theo Phật giáo. Điều đặc biệt là ở đâu, lúc nào, Liễu Hạnh cũng tỏ ra tha thiết với cuộc sống. Trên thực tế, đấy là tâm thức, ước vọng của dân gian dồn tụ trong hình ảnh tối thượng.

Về bà chúa Liễu trên đất Hà Tĩnh cũng có nhiều câu chuyện. Tại đền Nhị Nguyễn Đại vương ở xã Thuần Thiện (Can Lộc) có lưu lại sự tích: Người học trò trong làng là Nguyễn Phán gặp Liễu Hạnh công chúa giữa vùng núi biếc, cùng xướng họa rồi thành vợ chồng. Ông bà sinh được hai người con là Nguyễn Cả và Nguyễn Hai. Với tư chất thông tuệ, hai chàng sau này được vua Lê Thánh Tôn phong tướng trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành, lúc này tiên mẫu đã về trời. Khi thắng trận trở về, hai chàng được phong Đại tướng quân. Lúc này, tiên mẫu trở lại ban cho các con mỗi người một thanh kiếm và một bộ binh thư.

Một câu chuyện khác trong Can Lộc huyện phong thổ ký có nói, chúa Liễu đêm đêm thường xuất hiện bên án thư của Phan Kính, người thi hội hai lần không đậu, giúp ông học tập rồi vinh hiển. Như vậy, có thể thấy, trên địa bàn Hà Tĩnh, vị “Mẫu nghi thiên hạ” Liễu Hạnh cũng có huyền tích khác với sự tích chung của cả nước. Đặc điểm này tương tự như việc thờ Diệu Thiện tại chùa Hương (Can Lộc) với sự tích đượm màu không gian Phật giáo – trần thế, trong khi lại có giả thuyết cho rằng, Thánh mẫu Diệu Thiện, tức Nam Hải quan âm gắn với sự tích chùa Hương ở Hà Tây. Sự riêng biệt hóa, địa phương hóa các Mẫu đã nói lên rằng, tín ngưỡng dân gian đã trở thành thứ tài sản trong tâm thức của cư dân trọng Mẫu, tin vào Mẫu để thỏa nguyện những ước mong trần thế, có khi là chở che việc dùi mài kinh sử, luyện tập võ nghệ, có khi là phiêu diêu trong cõi thiêng thoát tục ở thời đại Phật giáo đồng trần.

Điều đáng nói là trên địa bàn Hà Tĩnh, nhân dân còn lập điện thờ các vị Thánh mẫu chính gốc Hà Tĩnh hoặc liên quan mật thiết với mảnh đất này như Thánh mẫu Bích Châu (Kỳ Anh), Ngọc Trần Thánh mẫu (Nghi Xuân), Bạch Ngọc Thánh mẫu (Đức Thọ)… Theo dõi các sự tích, chúng ta thấy rõ, các vị Thánh mẫu được thờ trên đất Hà Tĩnh đều có những đặc điểm tiêu biểu như: lòng yêu nước, thương dân, chí căm thù giặc; sự phù trợ, che chở cho người lương thiện; tình cảm nồng hậu và nhân từ… Cái chết của Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu dầu là bị trúng tên độc hay làm vật tế thần đều được nhân gian coi là hành động xả thân, hy sinh vì lòng trung với nước, với vua.

Ngoài cái chết đã thành bất tử, người dân muôn đời còn biết đến bà với tài kinh bang hội tụ trong Kê minh thập sách, vừa nói lên lòng ái quốc ưu dân, vừa là những trăn trở về thiên triều. Kê minh - gà báo sáng như một sự thức tỉnh, tránh u muội tối tăm, âu đấy cũng là bài học muôn đời trong thuật trị nước từ xưa đến nay. Cũng như hình ảnh Bích Châu, Trần Thị Ngọc Hào, vợ vua Trần Duệ Tông (được phong là Bạch Ngọc hoàng hậu) cũng bất tử trong lòng người Hà Tĩnh. Ngọc Hào là con gái của Trần Công Nhu, quê ở Đức Thọ, khi nhà Minh tiêu diệt nhà Hồ, Bạch Ngọc đã về quê cha lánh giặc, lập nên chùa Diên Quang. Bà đã lo lắng khai dân, lập ấp, góp công lớn trong việc xây dựng ấp Trung Phạm và Kính Kỳ thuộc huyện Hương Sơn. Khi Lê Lợi dấy binh, quý trọng đấng anh hùng, bà Bạch Ngọc gả công chúa Huy Chân cho Lê Lợi. Nhờ đó, nhà vua thu nạp được nhiều con cháu, bề tôi nhà Trần cùng nhân dân. Nhận thấy công lao to lớn của bà, sau khi mất, nhân dân đã tôn thờ bà ở đền Ngũ Long và nhiều đền khác trong khu vực.

Ngoài những Mẫu trên, nhiều địa phương còn thờ những Thánh mẫu là nhiên thần. Điều này phản ánh sự phong phú về mặt tín ngưỡng, nhất là vùng bãi ngang từ Nghi Xuân tới Kỳ Anh. Điều đáng nói, đây thường là những nơi hợp tự, thờ đa thần. Đền Đại Hải ở Thạch Hải (Thạch Hà) thờ Tướng quân Hoàng Tá Thốn có công lớn trong đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 2 (1284) và lần thứ 3 (1287), thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi và tứ vị thánh nương. Tương tự là đền Hòa Thắng (Thạch Thắng) thờ 15 vị thần, trong đó có tứ vị thánh nương - thượng đẳng thần.

Cùng nằm trong không gian tiểu vùng văn hóa, đền Nước Lạt (Thạch Bàn), Miếu Chai (Thạch Đài), đền Văn Sơn (Thạch Đỉnh) cũng thờ Thánh mẫu. Hầu hết ở những nơi thờ Mẫu này là sự biểu lộ niềm tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh các vị Thánh mẫu, những nhân vật có chức năng sáng tạo, chở che cho sự sống, có công với nước, luôn hiển linh phù trợ cho nhân an, vật thịnh.

Cùng với sự ngưỡng vọng, tôn thờ các “bà chúa”, nhân dân đã sáng tạo nên các hình thức tín ngưỡng dân gian đậm sắc màu văn hóa. Ở đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu đó là tục dâng bánh chưng; ở chùa Diên Quang thờ Thánh mẫu Bạch Ngọc (Đức Thọ) có lễ hội hát ghẹo và ăn cá gỏi; ở chùa Hương, hướng đến ngày Diệu Thiện hóa Phật, 18/2 âm lịch được chọn làm ngày hội chính, người dân tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí và tâm linh. Mặc dù, thờ Mẫu là phổ biến, song tại Hà Tĩnh, không xuất hiện việc hầu đồng, hát văn, có chăng chỉ là một số nhân vật con nhang đệ tử mới du nhập từ nơi khác đến như tại Đền Củi (Nghi Xuân). Xét ở góc độ văn hóa với tính phong phú, hỗn dung, việc thiếu vắng hát văn là một điều đáng tiếc trong tín ngưỡng thờ Mẫu, song lại phản ánh phần nào sự đơn giản trong thực hành lễ nghi tín ngưỡng của người miền Trung so với người miền Bắc.

Thờ Mẫu là đạo lý, thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống, là dòng chảy tiếp biến hướng về cội nguồn. Trong xu thế mới, nhân dân vẫn chăm lo hương khói cho Mẫu và vẫn tiếp tục gửi gắm niềm tin về sự phò trợ phúc - lộc - thọ để hướng tới cuộc sống trần thế an vui, đề huề. Tuy vậy, một số nơi đã xuất hiện nhiều hiện tượng lệch lạc, nhất là cảnh chen lấn cầu phước, đốt nhiều vàng mã, thiếu quy định cụ thể trong quản lý… ảnh hưởng xấu đến nét đẹp văn hóa bản địa mang đặc điểm, phong vị làng xã xưa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast