Ngày xuân đánh trận cờ người

(Baohatinh.vn) - Cờ người là một trong những trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Trò chơi này không đơn thuần giải trí mà còn mang đầy tinh thần thể thao trong một cuộc đấu trí tuệ đậm bản sắc dân tộc Việt.

Ngày xuân đánh trận cờ người ảnh 1
Ảnh minh họa từ internet

Cờ người thực chất là môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ được chọn là sân đất rộng. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ. Đây là những nam thanh, nữ tú của các gia đình nền nếp, được dân làng quý trọng và đồng tình. Ngoài 32 người chơi trong sân cờ, cờ người không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu.

Cờ người diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội. Tiếng chiêng, trống khua liên hồi. Cờ xí, võng lọng bay phấp phới trong nắng xuân hồng, cùng với áo mão của “ba quân tướng sĩ” làm sống lại hình ảnh triều đình thời phong kiến. Các quân cờ người thường mặc trang phục chỉnh tề, thống nhất. Hai đội mặc hai màu áo khác nhau, có thêu biểu tượng quân cờ mình thủ vai trước ngực và sau áo để người xem dễ theo dõi.

Trước khi vào vị trí, cả đội cờ múa theo tiếng trống, đàn, phách. Sau một hồi trống dài, hai đấu thủ mặc áo dài, khăn xếp xuất hiện giới thiệu danh tính; mỗi người cầm một cây cờ đuôi nheo ngũ sắc nhỏ để chỉ huy trận đấu. Cứ thế, cuộc đấu diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội.

Ngày trước, hội cờ người phổ biến ở nhiều làng quê. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, hội cờ người đã bị mai một. Gần đây, cùng với chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được khôi phục, trong đó có hội cờ người. Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang khôi phục lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa này như: Thịnh Lộc (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Tân Giang (TP Hà Tĩnh), Tiên Điền (Nghi Xuân), Kỳ Châu (Kỳ Anh), Thạch Bằng (Lộc Hà)...

Cờ người góp phần tô điểm thêm cho các lễ hội ngày xuân. Qua bao thế kỷ, cờ người dù có phong phú hơn về hình thức tổ chức thi đấu nhưng vẫn giữ được tinh thần, khí thế, không chỉ là những cuộc đấu trí mà cũng là dịp mỗi người chơi được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những thú chơi dân gian trong mỗi dịp tết đến, xuân về cũng khiến cho con người và trời đất giao hòa, gắn kết với hy vọng bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast