Nhà báo Việt Nam triển lãm ảnh ở Australia

Nhiều năm viết báo, cầm máy ảnh rong ruổi khắp nơi trong và ngoài nước, nhà báo Trung Nghĩa sắp tổ chức triển lãm ảnh đầu tiên tại Australia để giới thiệu với bạn bè những trải nghiệm của anh.


- Từ niềm cảm hứng nào, anh chọn xứ sở chuột túi để tổ chức triển lãm?

- Triển lãm này đánh dấu chặng đường mười năm kể từ khi tôi đi tác nghiệp ở các nước trên thế giới.10 năm đó cũng chính là thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, giai đoạn mà Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung có những chuyển biến quan trọng về mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Sau khi có dịp triển lãm tại quê hương (năm 2000, 2002 tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM) và châu Âu (2005 tại sứ quán Việt Nam ở Áo, 2006 tại Viện Á - Phi ở Vienna, Áo), tôi muốn tổ chức triển lãm ảnh ở Australia, nơi tôi học tập và làm việc từ ba năm qua. Tôi cùng nhiều người thân, bạn bè cũng muốn chia sẻ tấm lòng mình với trẻ em chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Cuộc triển lãm ảnh từ thiện đã ra đời trong ý tưởng đó.

Nhà báo Trung Nghĩa.

Nhà báo Trung Nghĩa.

- Tên triển lãm “Tương phản châu Á - Thái Bình Dương” nói lên điều gì?

- Tương phản châu Á - Thái Bình Dương hàm nghĩa sự tương phản trong quá trình phát triển, hiện đại hóa ở các nước châu Á mà tôi đã có dịp đặt chân đến. Đó là sự khác biệt giữa cổ kính và hiện đại, giữa hào nhoáng và cơ cực, của khoảng cách giàu và nghèo đang ngày một gia tăng… Đây là những vấn đề chung mà nhiều quốc gia châu Á, lục địa đông dân nhất thế giới với 4 tỷ người, đã và đang đối diện. 1,2 tỷ dân nghèo của châu lục có mức sống dưới 1 USD mỗi ngày.

- Anh đã chuẩn bị trong bao lâu để thực hiện triển lãm này?

- Tôi mất 10 năm để chụp ảnh, 3 tháng lên kế hoạch và chuẩn bị. Số ảnh dự kiến ban đầu là 30 nhưng giờ chót tăng lên 41 bức ảnh. Tất cả sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Máy ảnh và Nhà triển lãm Michaels, trung tâm thành phố Melbourne.

Thật may là quá trình chuẩn bị cho triển lãm diễn ra rất tốt đẹp. Tôi nhận được nhiều sự ủng hộ, khuyến khích từ các tổ chức như Cơ quan Truyền thông Quốc gia Australia ABC (trực thuộc chính phủ Australia), Hội đồng đa văn hóa tiểu bang Victoria, Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA), đơn vị báo chí nơi tôi đã làm việc từ thời còn đi học, hội du học sinh Việt Nam tại Melbourne, CLB sinh viên quốc tế AusAID ở đại học Melbourne…

Sinh ra tại Anh và lớn lên ở Australia, cô bé Trần Phương Mai Hà (Maya, 10 tuổi) được cha dạy tiếng Việt để giữ gìn ngôn ngữ quê cha đất tổ. Theo thống kê, gần 90% thế hệ người Australia gốc Việt thứ hai (sinh ra và lớn lên tại xứ người) nói tiếng Việt tại gia đình, giúp tiếng Việt trở thành ngôn ngữ được bảo tồn tốt bậc nhất trong các cộng đồng người nhập cư ở đây. Đây là một trong những bức ảnh triển lãm của Trung Nghĩa.

Sinh ra tại Anh và lớn lên ở Australia, cô bé Trần Phương Mai Hà (Maya, 10 tuổi) được cha dạy tiếng Việt để giữ gìn ngôn ngữ quê cha đất tổ. Theo thống kê, gần 90% thế hệ người Australia gốc Việt thứ hai (sinh ra và lớn lên tại xứ người) nói tiếng Việt tại gia đình, giúp tiếng Việt trở thành ngôn ngữ được bảo tồn tốt bậc nhất trong các cộng đồng người nhập cư ở đây. Đây là một trong những bức ảnh triển lãm của Trung Nghĩa.

- Triển lãm này có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Nó mang ý nghĩa rất lớn bởi đây là một trong những ước mơ của tôi ngay từ khi sang Australia du học. Những khi mệt mỏi và cô đơn - hai cảm giác mà những du học sinh nước ngoài đến đất nước này dễ gặp phải nhất, tôi hay đến Bảo tàng máy ảnh Michael, nhìn vào bộ sưu tập máy ảnh có từ cả trăm năm và nghĩ đến sự kiên nhẫn. Làm gì cũng vậy, từ mưu cầu kiến thức, học vấn đến sự trưởng thành, đều phải biết nhẫn nại.

Triển lãm đánh dấu một chặng đường làm việc trong lĩnh vực báo chí của tôi, đồng thời đánh dấu quá trình học tập chuyên ngành nghiên cứu về xã hội học, phúc lợi cộng đồng, giúp đỡ người gặp khó khăn trong xã hội… ở Australia. Tôi muốn bắt đầu "thực hành" những điều đã học qua cuộc triển lãm ảnh từ thiện này.

Ý nghĩa cuối cùng là tôi muốn giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, phong cảnh và con người Việt Nam đối với người Australia cũng như các sinh viên quốc tế đang du học ở đất nước này. Tôi muốn họ chiêm ngưỡng nét đẹp Việt Nam và đến với Việt Nam.

Đèn lồng tại một ngôi chùa ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Trung Nghĩa.

Đèn lồng tại một ngôi chùa ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Trung Nghĩa.

- Anh là một trong ba tác giả thực hiện bài viết và clip "Thư gửi mẹ", vừa đoạt giải thưởng từ cuộc thi “Australia trong tôi”, do Đại sứ quán nước này tại Việt Nam và báo VnExpress.net tổ chức. Anh thấy sự đón nhận của cộng đồng Việt ở Australia đối với cuộc thi ra sao?

- Tôi cảm thấy rất vui vì bộ phim đầu tiên làm tại Australia của mình đã nhận giải thưởng cao nhất. Thật ra bản gốc của bộ phim dài 10 phút. Tôi buộc phải cắt ngắn lại còn 2 phút để dự thi. "Australia trong tôi" thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo du học sinh Việt Nam ở Australia, thể hiện rõ nơi các mạng xã hội. Còn riêng em trai tôi, Trung Kiên (nhân vật chính trong phim), thì giờ đây khi ra chợ Footscray cũng được người bán hàng nhận ra: "A, cậu này trong phim Australia trong tôi nè!". Điều này chứng tỏ cộng đồng người Việt ở Australia theo dõi cuộc thi rất nhiều.

- Sau cuộc triển lãm từ thiện này, anh có những dự án gì khác?

- Có thể tôi mang triển lãm về Việt Nam ra mắt công chúng ở quê nhà. Tôi cũng sẽ trở về Việt Nam thực hiện công tác từ thiện với Mỹ Tâm Foundation dựa trên thành quả từ chương trình này.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast