Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người”

Rất nhiều sách cổ tích Việt Nam in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước từ sọ người”. Thậm chí, sách của học giả Nguyễn Đổng Chi cũng tìm được một dị bản “Sọ Dừa” trong đó người mẹ uống nước từ “đầu lâu”.

Sáng 27/3, một báo điện tử phản ánh về truyện Sọ Dừa trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam do NXB Hồng Đức ấn hành. Trong đó, có chi tiết mẹ Sọ Dừa “đành liều uống nước trong cái sọ người ở một gốc cây”, đi kèm là hình vẽ minh họa người mẹ cầm một cái sọ người trong tay. Ý kiến độc giả trong bài báo cho rằng chi tiết đó là xuyên tạc truyện cổ tích Sọ Dừa, mẹ Sọ Dừa uống nước từ một chiếc sọ dừa chứ không phải sọ người.

Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người” ảnh 1
Hình minh họa chi tiết "sọ người" trong truyện Sọ Dừa của NXB Hồng Đức

Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, chi tiết “sọ người” tồn tại trong kho tàng truyện cổ Việt Nam và đã được đưa vào một công trình nghiên cứu uy tín. Đó là bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (NXB Giáo dục, 2000) của Nguyễn Đổng Chi, học giả nổi tiếng về văn hóa dân gian. Liên quan đến Sọ Dừa, học giả Nguyễn Đổng Chi đưa ra rất nhiều tích truyện cổ dựa theo mô típ: một người mẹ có mang vì uống phải thứ nước lạ, rồi sinh ra người con trai dị dạng hoặc có hình dạng thú vật, hóa ra lại là một chàng trai khôi ngô và giỏi giang, sau này lập công lớn.

Cụ thể, Nguyễn Đổng Chi dẫn một tích truyện Sọ Dừa của dân tộc Kinh, có nội dung pha trộn với truyện cổ Lấy chồng dê, như sau: “Một bà cụ hái củi một hôm khát quá, uống nước mưa trong một cái đầu lâu, về có mang đẻ ra một cục thịt tròn, nhân đó đặt tên là Sọ Dừa”. (trang 794)

Một tích khác do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm là truyện Sọ Dừa của người Chăm-pa, khá phổ biến ở miền Nam: “Một người nọ nhà rất nghèo, một hôm cùng con gái lên rừng hái củi. Cô gái bỗng tìm thấy ở một hòn đá một mạch nước chảy, bèn uống và tắm thỏa thích... Cô gái từ đấy có mang, đủ ngày tháng đẻ ra một cục thịt tròn như quả dừa”. (trang 792)

Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người” ảnh 2
Các tích truyện cổ khác nhau trong sách Nguyễn Đổng Chi cho thấy mẹ Sọ Dừa uống nước từ "đầu lâu" hoặc "mạch nước trong rừng"

Như vậy, chi tiết mẹ Sọ Dừa uống nước từ “sọ người” hay “đầu lâu” là tồn tại trong kho tàng truyện cổ của Việt Nam chứ không phải một chi tiết xuyên tạc. Theo khảo sát của Thể thao & Văn hóa tại Hà Nội chiều 27/3, rất nhiều sách truyện cổ tích Việt Nam đang bán ngoài thị trường in chi tiết “sọ người”, bên cạnh một số sách khác in chi tiết “sọ dừa”.

Các sách in “sọ người” bao gồm: sách Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc của NXB Văn học (quý 3/2014), Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Thời đại, Nhà sách Trí Đức năm 2013), Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Văn học năm 2013), Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất (NXB Văn học năm 2013), Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Văn học năm 2014).

Một số hình ảnh của chi tiết "sọ người" trong sách truyện cổ tích ngoài thị trường:

Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người” ảnh 3
Sách Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc của NXB Văn học (2014)
Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người” ảnh 4
Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Thời đại, Nhà sách Trí Đức (2013)
Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người” ảnh 5
Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Văn học năm (2013)
Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người” ảnh 6
Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất của NXB Văn học (2013)
Nhiều sách in chi tiết “mẹ Sọ Dừa uống nước sọ người” ảnh 7
Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Văn học (2014)

Tuy nhiên, nên nhìn nhận về những dị bản cổ tích Việt Nam như thế nào, nhất là khi in ấn, phát hành sách cho trẻ em? Thể thao&Văn hóa (TTXVN) sẽ tiếp tục cập nhật tới độc giả.

Theo Mi Ly/TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast