Rất cần yêu nước

Bọn trẻ con giỏi thật, thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đến 99%. Tổ chức một kỳ thi bao nhiêu là tiền chỉ để loại có vài đứa học trò, như vậy có tốn kém quá không?

Ở vỉa hè người ta hỏi nhau như vậy. Lại cho rằng liên quan bệnh thành tích! Chẳng mấy ai mừng vì bọn trẻ đỗ đạt, cứ là nghĩ xấu trước, quy tội trước, băn khoăn bức xúc trước. Đỗ cao không phản ánh thực chất, mọi người nói vậy. Biết đỗ cao thế thà rằng đừng thi. Khổ, không thi làm sao mà biết đỗ cao. Nếu không thi, bọn trẻ cũng lập tức không học ngay. Đằng nào rồi cũng nói được.

Vỉa hè chính là nơi người ta có ý kiến về tất cả mọi thứ trên đời. Mà trên đời, công nhận cũng có nhiều thứ để có ý kiến. Liên quan đến thi cử, gần đây ngoài việc cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng, còn ưu tiên cho con cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945. Một khi người ta dễ hoang mang đến thế trước những nghị định này nọ, vỉa hè có xôn xao cũng là chuyện bình thường.

Hôm nay, vỉa hè xôn xao về cái dự thảo nghị định “Quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước” vừa được Bộ Nội vụ công bố để lấy ý kiến đóng góp. Bộ Nội vụ đề xuất người giữ chức danh quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, chống tham nhũng, thông thạo ngoại ngữ. Kể ra, đòi hỏi cao với các nhà quản lý là cần thiết lắm. Dân trí thấp không nguy hại bằng quan trí thấp. Nhưng nghe xong mấy tiêu chuẩn vừa rồi, vỉa hè cũng không khỏi xôn xao.

Thứ nhất, yêu nước là đương nhiên, từ bé ai đi học chẳng đã học Năm điều Bác Hồ dạy: yêu Tổ quốc yêu đồng bào... Sao Bộ Nội vụ lại phải đem yêu nước ra như một tiêu chí bắt buộc thế không biết nữa? Rồi lại còn yêu nước sâu sắc. Yêu bao nhiêu được gọi là sâu sắc? Gái trai yêu nhau sâu sắc thì dễ nhận ra, không cho lấy nhau chúng đi tự tử hoặc đâm chém cả nhà người yêu, yêu điên yêu cuồng. Còn yêu nước thì chỉ ngồi mà nói về lòng yêu nước có được không? Hay là cứ nói hay thì được đánh giá cao.

Tiêu chí về lòng yêu nước thậm chí gây xôn xao hơn cả tiêu chí phải giỏi ngoại ngữ. Dù tiêu chí này nghe như một mong ước hơn là như một điều bắt buộc. Chẳng hạn, đã là cấp thứ trưởng, thì phải sử dụng ít nhất một ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ cao cấp bậc 6; trình độ cao cấp bậc 5 trở lên đối với tổng cục trưởng, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số; trình độ trung cấp bậc 4 trở lên đối với vụ trưởng cấp bộ và trình độ trung cấp bậc 3 trở lên đối với giám đốc sở, hoặc một số ngành, lĩnh vực, tỉnh có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số.

Tôi chẳng hiểu sao các ông lại ngạc nhiên về đòi hỏi các ông quan phải có lòng yêu nước. Điều ấy đòi hỏi là đúng rồi và nên là đòi hỏi đầu tiên. Một người làm quản lý trước hết phải nghĩ đến đất nước bằng tình yêu chân thành chứ không phải nghĩ đến sự giàu có vẻ vang của gia đình mình. Nếu yêu nước, sẽ không tham nhũng, sẽ nghĩ đến quyền lợi của nhân dân. Tôi cho rằng nhiều nhà quản lý bây giờ không yêu nước. Họ chỉ hô khẩu hiệu, nhưng sẵn sàng làm hại cho đất nước để làm lợi cho mình. Chẳng hạn, biết cho thuê đất, biết đẩy giá công trình để lấy tiền bỏ túi riêng. Hoặc để mặc tài nguyên thất thoát, để mặc người dân thiệt thòi..., vậy là không yêu nước rõ ràng. Yêu nước là cần và cần nhất. tôi chẳng thấy Bộ Nội vụ vô lý chỗ nào - bà chủ quán nước chè bảo vậy.

Ờ, mà ngẫm lại, người quản lý, hay là quan chức nước mình bày tỏ lòng yêu nước có vẻ khó khăn hơn người dân. Không phải ai cũng phát ngôn, nhưng xét về hành động, thấy khó đoán định lắm. Tham nhũng đang là quốc nạn. Mà tham nhũng thì hẳn hoi là không yêu nước. Yêu nước càng sâu sắc thì càng nghĩ cho đất nước nhiều hơn cho cái riêng của mình.

Vậy tiêu chí yêu nước cần lắm chứ, tại sao không?

Hà Phạm

Nguồn: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast