Ronaldo và Messi không phải người ngoài hành tinh

Kinh điển đã trở thành sân khấu của riêng họ, và những kỷ lục ghi bàn đã bị phá rất sâu một cách đều đặn trong vài năm qua. Nhưng có thật là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi đã một mình tạo ra kỷ nguyên của riêng họ?

Với mỗi người một cú đúp ở trận Kinh điển cuối tuần trước, Messi và Ronaldo đã ghi cùng tám bàn sau bảy trận ở Liga. Nếu cứ giữ nguyên hiệu suất ghi bàn này, cả hai sẽ có 41 bàn tại Liga khi mùa giải kết thúc. Tính trên mọi đấu trường, Messi đã ghi 12 bàn qua 11 trận, còn Ronaldo ghi 14 bàn cũng với số trận tương tự. Tiền đạo người Argentina có thể bỏ túi 64 bàn trên mọi đấu trường vào cuối mùa với hiệu suất hiện tại. Còn Ronaldo có thể cán đích với… 76 bàn!

Đó không còn là điều mới mẻ trong bốn năm qua, kể từ khi Ronaldo đến Real Madrid và cùng Messi tạo ra một thời đại của riêng họ. Mùa giải đầu tiên, Messi ghi 47 bàn trên mọi đấu trường, còn Ronaldo, ngay cả trong giai đoạn thích ứng, cũng đã nổ súng 33 lần. Mùa 2010-2011, cả hai cùng ghi 53 bàn, nhiều hơn sáu bàn so với kỷ lục mọi thời đại mà huyền thoại Ferenc Puskas từng lập vào những năm 1960. Mùa trước, không còn giới hạn nào thách thức nổi họ. Messi ghi 73 bàn sau 60 trận, còn Ronaldo nổ súng 60 lần qua 55 trận.

Lịch sử chào thua

Xét riêng ở Liga, trong 60 năm qua, tạm loại trừ Ronaldo và Messi, chỉ có tám lần cột mốc 30 bàn/mùa bị phá vỡ, bởi bảy cầu thủ khác nhau. Nhưng qua bốn mùa giải có Ronaldo và Messi, cột mốc ấy đã bị vượt qua năm lần (Messi ba và Ronaldo hai).

Ronaldo mới 27 tuổi và đang trải qua mùa bóng thứ tư ở Madrid, nhưng cũng đã kịp vươn lên thứ chín trong danh sách các chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử câu lạc bộ với 160 bàn sau 155 trận. Nếu cứ duy trì hiệu suất ghi bàn hiện tại, anh có thể là người vĩ đại nhất trước năm 32 tuổi, xô đổ tượng đài Raul Gonzalez, người đã ghi 323 bàn trong sự nghiệp kéo dài đến 16 năm ở Bernabeu. Messi mới 24 tuổi, nhưng anh đã trở thành tay săn bàn vĩ đại nhất trong lịch sử Barca với 265 bàn thắng tính trên mọi mặt trận.

Kể từ khi kỷ nguyên Messi - Ronaldo bắt đầu vào năm 2009, số bàn thắng trung bình của Liga cũng đã tăng từ 2,64 lên 2,72 trong bốn mùa gần đây. Trước khi Ronaldo đến Bernabeu, 10 Pichichi (Vua phá lưới Liga) gần nhất ghi được trung bình 26 bàn thắng. Trong ba mùa vừa qua, Ronaldo và Messi thay nhau thống trị danh hiệu này, với số bàn thắng tối thiểu là 31 bàn/mùa và tối đa là 50 bàn (Messi mùa trước)! Ronaldinho, cầu thủ gần nhất được thừa nhận là hay nhất thế giới trước kỷ nguyên Messi - Ronaldo, chưa bao giờ ghi quá 30 bàn cho Barca trong một mùa bóng.

Báo chí Tây Ban Nha từng ví những gì Ronaldo và Messi làm được với thành tích của Muhammad Ali ở môn quyền Anh và Wayne Gretzky với khúc côn cầu. Họ thậm chí nhấn mạnh rằng bóng đá có hai cầu thủ ở đẳng cấp huyền thoại như thế đang thi thố ở cùng một thời đại.

Nhưng họ có thực sự vĩ đại như những con số thống kê?

Ronaldo đang buồn ở Real Madrid- Ảnh Getty
Ronaldo đang buồn ở Real Madrid- Ảnh Getty

Tất cả vì Messi, tất cả vì Ronaldo

Cả hai đều có tài năng siêu việt và ở một đẳng cấp khác hẳn không chỉ ở Liga, mà trên toàn thế giới, nhưng cũng cần phải thừa nhận rằng họ đã rơi vào một môi trường quá thuận lợi để trở thành những cỗ máy hủy diệt như hiện tại. Messi và Ronaldo đang chơi cho hai đội bóng mạnh nhất thế giới nói chung và Liga nói riêng vào thời điểm này. Họ được phục vụ bởi một dàn ngôi sao sẵn sàng làm việc chăm chỉ để hậu thuẫn cho hai vì tinh tú đáng giá nhất. Và sự nghiêm khắc của luật lệ trong bóng đá hiện đại cũng bảo vệ đôi chân của họ tốt hơn.

Trên hết, Messi và Ronaldo đang sống trong một thời đại mà Liga phân cực khủng khiếp. Real Madrid và Barcelona đã bỏ xa phần còn lại nhiều năm ánh sáng, và hai ngôi sao được chiều chuộng nhất của họ cũng được hưởng lợi.

Một thập kỷ trước, Liga từng có tính cạnh tranh. Từ mùa 2001-2002 đến 2003-2004, Valencia đã vô địch hai lần, có bốn đội bóng từng xếp trên Barcelona hoặc Madrid vào cuối mùa, và hai đội đang thống trị bóng đá Tây Ban Nha hiện tại chỉ lọt vào tốp hai đội dẫn đầu hai lần trong ba năm. Số điểm trung bình của họ trong ba mùa ấy chỉ là 67,7, vẫn còn kém số điểm trung bình của ba đội hàng đầu khác, 69,1.

Sự thống trị nảy mầm từ mùa 2004-2005 cho đến 2006-2007. Barca và Madrid ba lần thay nhau đăng quang, và số điểm trung bình của họ tăng vọt lên 78, với hiệu số +38,1. Trong khi 3 đội đứng sau họ chỉ đạt trung bình 65,7 điểm và hiệu số +16,2.

Từ mùa 2008-2009 cho đến 2010-2011, khoảng cách lại càng nới rộng. Barca và Madrid giành trung bình 91,3 điểm với hiệu số +64,1. Ba đội đứng gần họ nhất chỉ kiếm được trung bình 65,1 điểm và hiệu số +14. Mùa giải trước, Madrid thắng 23/26 trận trước các đội không phải là… Barca, và 17 trong số đó có cách biệt từ hai bàn trở lên.

Một Liga rác rưởi

Messi và Ronaldo là hai cầu thủ tuyệt vời, nhưng chỉ mình họ chưa đủ để giải thích cho sự thay đổi lớn này. Nên nhớ là đội hình vô địch Champions League của Madrid vào mùa 2002-2003 sở hữu đến năm cầu thủ đã từng giành bóng vàng hoặc bóng bạc châu Âu, Zinedine Zidane, Luis Figo, Raul, Roberto Carlos và Ronaldo. Đội hình vô địch Champions League mùa 2005-2006 của Barca quy tụ những cầu thủ bậc nhất của Tây Ban Nha, cộng thêm hai ngôi sao hay nhất thế giới ở vị trí của họ vào thời điểm ấy là Ronaldinho và Samuel Eto’o, chưa kể Messi, khi ấy 17 tuổi và đã bắt đầu đặt dấu ấn ở đội một.

Liga hiện tại bị chính báo chí Tây Ban Nha gọi là “một đống rác rưởi”. Một nửa số câu lạc bộ ở hai hạng đấu cao nhất đã phá sản thời gian gần đây. Trước mỗi mùa bóng, cầu thủ lúc nào cũng hoang mang về chuyện lương lậu. Các đội bóng thì đang nợ hàng tỉ USD tiền thuế.

Nhưng giữa “đống rác rưởi” ấy, Madrid và Barca vẫn xây cung điện. Bóng đá Tây Ban Nha không thỏa thuận bán miếng bánh bản quyền truyền hình theo tập thể và chia đều cho các đội, dẫn đến việc Barca và Madrid, vốn có sức hút hơn hẳn phần còn lại, tự thương lượng và nhận số tiền bản quyền lớn gấp nhiều lần các đội khác. Họ tận dụng giá trị thương hiệu mà phần còn lại không thể có. Năm ngoái, doanh thu của Madrid và Barca lần lượt là 528 triệu USD và 488 triệu, theo xếp hạng của Forbes. Atletico Madrid, đội Tây Ban Nha duy nhất của phần còn lại lọt vào tốp 20 của Forbes, chỉ đạt doanh thu 153 triệu. Madrid và Barca kiếm gần gấp ba đội giàu nhất của phần còn lại. Họ đưa về những cầu thủ giỏi nhất thế giới, và khoảng cách giữa họ với phần còn lại lũy tiến theo từng năm. Không có gì ngạc nhiên, với sự chênh lệch khủng khiếp ấy, chúng ta có hai đội bóng ngoài hành tinh ở Liga.

Messi và Ronaldo là những người ngoài hành tinh trong hai tập thể đến từ một ngân hà xa xôi nào đó. Có thể họ sẽ kết thúc sự nghiệp với tư cách là hai trong số những người giỏi nhất mọi thời đại. Nhưng phải thừa nhận một thực tế là họ đang chơi ở một giải đấu mà các đối thủ khác bị chèn ép về mọi mặt. Những gì cả hai đang thể hiện đại diện cho vẻ đẹp của bóng đá, nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy, Liga đang rên xiết và những giá trị cơ bản của thể thao cũng đang bị xói mòn.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast