Sáng mãi một tình yêu nước Nga

(Baohatinh.vn) - Những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga lịch sử, hàng triệu con tim Việt Nam rạo rực sống lại một thuở hào hùng. Đối với những người con đã từng sinh sống, học tập tại Liên Xô cũ, đây là dịp để họ hướng về quê hương thứ hai yêu dấu...

Kỷ niệm 97 năm Cách mạng tháng Mười Nga

Tổng lãnh sự Nga Valentin Dikushin tặng quà cho Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Hà Tĩnh

Tổng lãnh sự Nga Valentin Dikushin tặng quà cho Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Hà Tĩnh

Suốt những năm 60, 70, 80 của thế kỷ 20, Liên Xô được coi là thiên đường của lưu học sinh trong khối xã hội chủ nghĩa. Nước Nga ngày ấy không chỉ mang lại cho những con người đã từng học tập và công tác ở đây kiến thức mà còn dành tặng cho họ cả tình cảm bao bọc nồng ấm. Tôi cảm nhận được cốt cách Nga qua những hồi ức đẹp đẽ của ông Trần Đình Hồng (nguyên Chủ tịch UBND TX Hà Tĩnh) về những ngày đầu năm 1976, khi “chân ướt chân ráo” sang Nga, bỡ ngỡ với ngôn ngữ, lối sống và phong tục.

“Ngày ấy, chúng tôi được các thầy, cô giáo quan tâm hết mực. Đặc biệt, hàng tháng, thầy hiệu trưởng đến thăm khu ký túc xá của sinh viên Việt Nam, hỏi thăm cặn kẽ, căn dặn ban quản lý quan tâm đến mọi vấn đề về ăn uống, sinh hoạt. Biết chúng tôi ăn bánh mỳ không quen, thầy đặt vấn đề với cửa hàng thực phẩm để nhập thêm thức ăn và gạo” - ông Hồng bồi hồi nhớ lại.

Bè bạn, nhân dân Xô-viết còn dành trọn tình yêu thương trong từng chiếc áo, khăn quàng, giày bông mà họ gửi tặng. Nâng niu tấm bằng đại học trên tay, ông Hồng bùi ngùi: “Tôi nhớ nhất là khi nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên đến từ mọi miền đất nước như Hung-ga-ri, Tiệp Khắc, Ba Lan, Đức, Việt Nam… đều hồi hộp đón chờ. Khi sinh viên nước nào lên nhận bằng thì cờ Tổ quốc nước đó được giương lên, cùng sự ngân vang của bài hát quốc ca. Trong giây phút thiêng liêng khi được nhìn ngắm cờ đỏ sao vàng và hát khúc “Tiến quân ca” hùng tráng, ai nấy đều rưng rưng xúc động, xen lẫn tự hào”. Ngày đó, những sinh viên ưu tú đã thực sự trưởng thành dưới sự dìu dắt của nước Nga vĩ đại.

Tôi còn nhận thấy sự đôn hậu, chân thành của con người Nga trong câu chuyện của Tiến sĩ Lê Quang Úy (nghiên cứu sinh tại Nga những năm 1982-1986). Ngày bé, ông đã từng mơ ước đặt chân lên nước Nga, mơ về hình ảnh vị lãnh tụ Lê-nin luôn tỏa sáng vừng hồng, về những anh hùng và cả những hồn thơ đậm chất Nga. Ông tâm sự: “Năm đầu học tiếng, các bà giáo Nga quan tâm chúng tôi như chính con cái họ. Trong giờ học, cô thường hỏi có đói bụng không, nhớ nhà không, rồi dành tặng học trò những chiếc kẹo thơm ngon. Ngày cuối tuần, chúng tôi được cô mời đến nhà chơi, cùng chuyện trò vui vẻ và nấu những bữa ăn thuần Việt để nguôi dần nỗi nhớ nhà”.

Ngoài giờ học, nhà trường tổ chức cho sinh viên nước ngoài đi tham quan, tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như thành phố Leningrat, mộ Lê-nin, điện Kremlin, Quảng trường Đỏ… Ông Úy cho hay, ông đặc biệt ấn tượng với Thư viện Lê-nin, bởi ở đó có rất nhiều sách của Việt Nam, từ Truyện Kiều của Nguyễn Du đến những cuốn sách nhỏ khác.

Điện Kremlin (Nga). Ảnh: internet

Điện Kremlin (Nga). Ảnh: internet

Chỉ ở Liên Xô 8 tháng, nhưng với tình yêu tha thiết dành cho nước Nga, nhân dân Nga, hình ảnh về nơi xa xôi ấy luôn khắc sâu trong tâm khảm cụ Dương Xuân Thâu (tổ dân phố 15, thị trấn Cẩm Xuyên). Cuối năm 1952, cụ là một trong 44 người được cử đi Liên Xô dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 4. Đại hội có 140 nước tham dự, chia làm hai phe: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; tham luận cũng phân thành hai trường phái: hòa bình và diều hâu (hiếu chiến). Cụ Thâu cười, nhớ lại: “Khi các tham luận của những nước đồng quan điểm vừa xong thì mọi người vỗ tay ủng hộ. Lúc bấy giờ, vì phiên dịch không kịp, trong khi đoàn Việt Nam chỉ thạo tiếng Pháp nên cả đoàn thống nhất nhìn về phía đoàn Liên Xô, hễ họ vỗ tay là mình vỗ tay. Chủ yếu nói về phong trào kháng chiến chống Pháp, cung cấp tư liệu để nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, bản tham luận của Việt Nam ngày ấy đã giúp cho các nước hiểu rõ hơn về một dân tộc nhỏ bé, kiên cường, được nước bạn Liên Xô đánh giá cao”.

Những ngày ở Nga, mọi sinh hoạt được nước bạn quan tâm chu đáo, họ còn tổ chức các chuyến đi tham quan, thực tế từng ngành, nghề cụ thể. “Vừa yêu thương, mến mộ và cảm phục dân tộc Việt Nam, đi đến đâu, chúng tôi cũng được đón chào nồng hậu như những người con từ tiền tuyến trở về hậu phương” - cụ Thâu tâm sự.

Trong hồi ức của mình, những con người tôi đã gặp không chỉ biết ơn người dân Nga nghĩa tình, hiếu khách mà còn nhắc nhiều về từng cảnh vật, từng cảnh sắc thời tiết. Nó làm cho ai đã từng đặt chân đến Nga phải nhớ da diết, khiến những người chưa đến thèm thuồng đến kỳ lạ. Tôi mơ màng tưởng tượng về con đường phủ đầy tuyết trắng, mọi ngôi nhà đầy ắp tiếng cười trong bữa ăn ấm áp của mùa đông, bởi đó như một kỳ nghỉ dài, cho phép con người hưởng thụ.

Tôi thích thú với thời khắc giao mùa của những ngày đầu tháng 3 dương lịch, cây cối bắt đầu chuyển màu xanh biếc, đôi khi có cả những bông hoa nhú lên từ tuyết trắng. Rồi khi thu đến, cả nước Nga xinh đẹp nghiêng mình trong sắc vàng khắc khoải. Ở đó là những kỳ nghỉ hè, nghỉ mát có dấu chân in hằn bên bờ sông Vôn-ga, có niềm vui thú trước cơn sóng nhấp nhô nơi biển Đen ngập nắng vàng và cả những lần rong ruổi bên dải rừng ngoại ô, hay bên vườn nho, vườn táo bạt ngàn. Những ngày tháng ấy cũng là dịp để giai điệu của “Đỉnh núi Lê-nin”, “Đôi bờ”, “Chiều Mát-xcơ-va”, “Ka-chiu-sa”, “Triệu đóa hoa hồng”… ngân vang không biết mệt mỏi.

Xứ sở bạch dương hiện lên đáng yêu, đáng kính như thế. Đất nước nhân ái mà vĩ đại ấy có thể khiến người ta khắc khoải bất kể lúc nào mỗi khi nhắc đến. Chị Đào Thu Hương - Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Tĩnh bộc bạch: “Cho dù nước Nga hiện nay có như thế nào, thì chắc hẳn tình yêu của những người từng sống ở Nga, những người yêu văn hóa Nga, cốt cách Nga sẽ không bao giờ thay đổi. Đơn giản rằng, nơi ấy là quê hương thứ hai giúp họ lớn khôn, nơi tình cảm đã ăn sâu vào máu thịt như một phần không thể thiếu trong cuộc đời”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast