Thành phố tuổi thơ

(Baohatinh.vn) - Bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu mưa nắng đã đi qua thành phố của tôi, cái thành phố mà trong tiềm thức tôi luôn nhớ và gọi với cái tên thân thương: thị xã Hà Tĩnh.

Tản văn

Nhớ những ngày hè nóng bỏng, tôi thường đi bộ từ nhà ở khu phố Lâm Phước Thọ (nay là đường Trần Thị Hường), băng qua con đường đất vàng mịn ra đường Phan Đình Phùng, con đường nhựa duy nhất của thị xã hồi ấy, rồi qua đài liệt sĩ (nay là công viên Lý Tự Trọng) để đưa cơm cho mẹ bán hàng ở chợ tỉnh.

Tôi nhớ những con đường rợp bóng xà cừ trước ngõ, nơi lũ trẻ chúng tôi thường chơi trò mẹ con nấu nướng, làm hàng vào ban ngày, ban đêm rủ nhau bắn trận giả, rồi trò rồng rắn như con trai. Tôi nhớ Cầu Vồng bắc qua sông Cụt mà nay người ta gọi với cái tên mỹ miều là Tân Giang. Cái cầu bằng gỗ, những tay vịn mỏng manh khiến tôi chưa một lần dám đi một mình qua sông nhưng vẫn đứng bên này mê mải ngắm nó và tưởng tượng ra chiếc lược hình vòng cung cài lên mái tóc cô gái.

Tôi nhớ những tên gọi: Cửa Hữu, Cửa Tả, Đồng Vinh, Lê Bình, Đông Hải, Bồng Sơn, Trần Thị Hường, Trần Đức Vịnh, Thành Đông… của những khu phố thị xã hồi ấy. Tôi rất tự hào khi đi học xa nhà, bạn bè ai cũng nhìn với cái nhìn nể trọng và có phần ganh tỵ, bởi đó là “dân Thị xã” dù chúng tôi cũng chỉ có chút áo quần tươm tất hơn và cái địa chỉ: số nhà 68, Lâm Phước Thọ, cùng những thùng nước máy mà mùa hè phải chực thâu đêm mới có.

Bạn bè tôi hẹn có ngày nghỉ hè về thăm thị xã của tôi. Tôi tự hào vì dù còn rất nhiều đường đất, mùa hè bụi phủ, mùa đông lầy lội nhưng nhà cửa phố tôi và phố Trần Thị Hường, Thành Đông, Trần Đức Vịnh… lúc ấy đã được quy hoạch thành đường lối thẳng tắp, cây xanh rất nhiều. Hàng dừa trước ngõ tôi là dấu ấn để bạn bè, người quen dễ nhớ khi tìm đến. Tôi còn tự hào vì lời nhận xét của rất nhiều người lớn: Thị xã Hà Tĩnh tuy nhỏ bé nhưng yên bình, sạch đẹp và con người rất thuần hậu, mến khách.

Ai đó nói Thị xã không có núi sông hữu tình như những miền quê khác. Không phải như vậy. Tuy nhỏ nhưng Thị xã có núi Nài (Cảm Sơn), một ngọn núi cổ nổi lên giữa vùng đồng bằng chứa đựng bao sự tích. Trên đó thời Pháp có chùa Phật học, nay được phục hồi gọi là chùa Cảm Sơn.

Thị xã có rất nhiều sông bao quanh, gần như tứ phía. Sông Rào Cái chảy vòng từ phía Tây sang phía Nam và Đông nam (đoạn qua cầu Phủ gọi là sông Phủ) rồi nhận thêm nước của sông Cụt, hợp lưu với sông Hà Hoàng ở ngã ba Sơn, sau đó chảy về Cửa Sót. Phía Bắc và Tây bắc có sông Cày chảy về cầu Hộ Độ rồi xuôi về biển. Sông Cụt từ Âu Thuyền (nay đã bị lấp) chảy qua cầu Sở Rượu nối với Hào Thành ở Cầu Vồng, chảy qua làng Tiền Bạt, quê hương của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Các con sông không lớn nhưng cùng với hệ thống các hồ: Nhà Hát (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh), Bắc Hà, Bảy Mẫu và Hào Thành đã góp phần điều hòa khí hậu và thoát thải cho Thị xã. Chính vì vậy, mà từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ thấy Thị xã bị lụt lội trôi nhà cửa và chết người. Ông bà, bố mẹ tôi cũng chưa bao giờ thấy.

Nay thì Thị xã thân yêu đã thành thành phố, đã được quy hoạch, mở mang, đã có đại lộ, công viên, tượng đài. Nhiều thế hệ lãnh đạo đã quan tâm đến quy hoạch thành phố hiện đại và thân thiện. Tuy vậy, tôi vẫn thấy có cái gì đó thiêu thiếu. Chợt nhớ lời mẹ kể: Ngày trước các quan người Việt, rồi người Pháp đều đóng quân trong Thành. Nhờ ông ngoại làm nghề thợ mộc, mẹ đã được một lần vào thành theo ông. Mẹ đã nhìn thấy Hồ Thành, các cửa Tả, cửa Hữu. Thành Đông chính là tên gọi của vùng đất phía Đông thành. Ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền, mẹ và nhiều người dân đã tập hợp về sân vận động Thị xã (trước cửa UBND tỉnh bây giờ) và kéo đến dinh Tỉnh trưởng Hà Văn Đại (địa điểm Ngân hàng Đầu tư - Phát triển bây giờ). Chính quyền Hà Văn Đại đã trao ấn kiếm cho ủy ban khởi nghĩa ở đây. Rồi năm 1957, mẹ và nhiều người dân Thị xã lại vui sướng nhìn thấy Bác Hồ trong lần Người về thăm Hà Tĩnh cũng chính ở nơi này.

Tôi mong sao cổng thành Hà Tĩnh, di tích khu hành chính trung tâm tỉnh lỵ, các di tích lịch sử bao đời cùng với nhiều đền, miếu cũ được phục dựng để người xa kẻ gần biết đến một thành phố trẻ trung hiện đại nhưng không kém phần cổ kính, đầy bản sắc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast