Tiếng ngàn xưa vọng đến mai sau

(Baohatinh.vn) - Kết quả nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Đức Thọ và nhiều cứ liệu về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ... cho thấy, cách đây hàng vạn năm, những người tiền sử đã đến Hà Tĩnh sinh sống, tạo nên một vùng văn hóa cổ xưa, phản ánh truyền thống lao động, kiên cường chống chọi với thiên nhiên và giặc giã của cha ông ta. Đó là thông điệp không chỉ vọng đến hôm nay...

Là nơi quần tụ của các cư dân bản địa và cư dân từ nhiều vùng khác, từng là “phiên trấn”, “phên dậu” của nước Đại Việt xưa, mảnh đất Hà Tĩnh gắn liền với nhiều dấu ấn, sự kiện quan trọng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hà Tĩnh không chỉ là mảnh đất “giang sơn tụ khí” theo nghĩa địa lý phong thổ mà còn cả về trầm tích văn hóa qua các thời đại ở từng vùng và cả đất nước. 2 di tích khảo cổ học được chứng nhận quốc gia (di chỉ Thạch Lạc và Phôi Phối – Bãi Cọi), hàng chục di tích khảo cổ học trên đất liền và dưới biển đã được phát hiện là dấu tích minh chứng cho một vùng đất Hoan Diễn cổ xưa không chỉ có lịch sử cộng cư từ rất sớm mà còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Ca trù Cổ Đạm - di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ảnh: Quốc Khánh

Ca trù Cổ Đạm - di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ảnh: Quốc Khánh

Một vùng đất cổ

Từ thời tiền sử cách nay hàng vạn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người đến ở. Họ đã tụ cư thành những cộng đồng người ven biển, ven sông và chân đồi núi. Qua các di chỉ khảo cổ học, có thể thấy, họ cư trú ở: Thạch Lạc, Thạch Lâm, Thạch Đài, Thạch Vĩnh (Thạch Hà); Xuân Giang, Xuân An, Xuân Viên (Nghi Xuân); Đức Đồng, Đức Hòa, Đức Dũng (Đức Thọ) và một số địa điểm dưới chân núi Hồng Lĩnh, núi Nghè (Can Lộc), Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), dọc bờ sông, đồi núi của 2 huyện Hương Sơn, Hương Khê. Điển hình cho các di chỉ khảo cổ học được phát hiện phải nhắc đến di chỉ Thạch Lạc thuộc thời hậu kỳ đồ đá mới cách đây 5.000 năm.

Di chỉ này nằm trong hệ thống di chỉ khảo cổ học thuộc loại hình di chỉ Cồn Sò Điệp ven biển miền Trung kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Bình. Người thời đại đá mới đã tìm bắt các loài sò, ốc, điệp biển làm thức ăn rồi đổ vỏ thành đống, thành cồn cao. Trong đó còn giữ lại vô vàn dấu tích hoạt động của con người gồm các loại công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, trang sức, vũ khí, xương các loại động vật và cả mộ táng người chết. Di tích Thạch Lạc được phát hiện dưới thời Pháp thuộc đến nay đã trải qua 5 lần thám sát và khai quật, thu được gần 600 hiện vật bằng đá mài gồm: rìu có vai, rìu vai xuôi, dao, mũi nhọn, vòng trang sức, vũ khí, bàn nghiền, chày nghiền hạt, đồ đựng, đồ trang sức, con dấu, bàn dập bằng gốm và hàng trăm cân xương các loại động vật như: hươu, nai, trâu, bò, lợn, các loài cá, cua…

Đặc biệt, năm 2002, các nhà khảo cổ đã phát hiện bộ hài cốt người còn khá nguyên vẹn. Đây là minh chứng khẳng định chủ nhân của nền văn hóa hậu kỳ đá mới ở Hà Tĩnh nói riêng và vùng ven biển miền Trung nói chung. Di chỉ Thạch Lạc còn có chùa Tăng Phúc niên đại trên 700 năm và đền Sắc còn lưu giữ 83 đạo sắc của các triều Lê - Nguyễn.

Cùng thuộc hậu kỳ đồ đá mới còn có di tích khảo cổ học công xưởng chế tác Rú Dầu (Đức Thọ). Tại Rú Dầu, người dân phát hiện những tảng đá to, nhỏ phân bố khắp nơi kể cả sườn và đỉnh núi, là nguồn nguyên liệu chế tác quan trọng và tiện lợi. Cách đây 5.000 năm, người Rú Dầu khai thác đá trầm tích tại chỗ làm nguyên liệu, ghè đẽo thành các phác vật hình rìu và trao đổi đến các vùng cư trú khác để tiếp tục gia công, mài nhẵn làm công cụ. Trên đất canh tác của Rú Dầu, tìm thấy rất nhiều phác vật rìu và mảnh tước từ kỹ thuật ghè đẽo của cư dân Rú Dầu thuộc hậu kỳ đồ đá mới.

Giao thoa giữa văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn

Vào năm 1974, các nhà khảo cổ học đã phát hiện khu di tích Phôi Phối - Bãi Cọi (Xuân Viên, Nghi Xuân). Di chỉ khảo cổ này kết hợp với bến Giang Đình (thị trấn Nghi Xuân), Khu di tích văn hóa đặc biệt của Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích làng Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ cùng làng Ca trù Cổ Đạm và khu danh thắng bãi tắm Xuân Thành đã tạo nên một vùng đất văn hóa, địa chỉ du lịch phía Bắc Hà Tĩnh.

Trải qua nhiều lần thám sát, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 16 ngôi mộ cổ gồm: mộ đất, mộ chum, mộ bình và một số hiện vật bằng đồng, sắt và gốm. Đặc biệt, trong các hố khai quật tìm thấy một khuyên tai 3 mấu bằng thủy tinh cùng nhiều đồ gốm đẹp như nồi, chõ, bình vai gãy, bát đồng, dọi xe chỉ, vò, chum… Các hiện vật trên cho thấy, đây là khu mộ táng cổ thuộc địa vực của văn hóa Đông Sơn, mang phong cách mai táng và các vật tùy táng đặc trưng của văn hóa Đông Sơn nhưng ảnh hưởng rất đậm của văn hóa Sa Huỳnh (như mộ chum chôn đứng, nắp chum hình nón cụt, khuyên tai 3 mấu…).

Các hiện vật đồ gốm được phát hiện tại hố khai quật di tích Bãi Cọi năm 2012.

Các hiện vật đồ gốm được phát hiện tại hố khai quật di tích Bãi Cọi năm 2012.

Những di tích mộ táng và đồ tùy táng được các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế phát lộ tại khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi là một kho báu vô cùng quý giá, mặc dù chưa được định danh cụ thể nhưng phần nào đã khẳng định sự phát triển rực rỡ thành tựu văn minh, văn hóa của các cộng đồng cư dân người Hà Tĩnh cổ xưa từ thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt và đồ gốm mà nay vẫn còn nguyên giá trị. Đa số các chuyên gia nghiên cứu đều khẳng định, Bãi Cọi là “vùng giao thoa” giữa văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh, hoặc có thể nói đây là điểm cực Bắc của văn hóa Sa Huỳnh và cũng là cực Nam của văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, chì lưới là một trong những di vật tùy táng gần gũi, mật thiết với đời sống của cư dân vùng sông nước xứ Lam Thủy - Hồng Sơn xưa và nay.

Trầm tích từ lòng biển

Các di chỉ khảo cổ học dưới nước cũng là một tiềm năng của Hà Tĩnh. Từ thế kỷ XV đã từng tồn tại con đường gốm sứ và tơ lụa trên biển Đông, đưa hàng hóa của Đại Việt đến các nước Đông Nam Á, xa hơn là các nước vùng Trung Cận Đông. Con đường này đã góp phần phát triển kinh tế và đưa văn hóa Đại Việt đến với bên ngoài. Cũng trên con đường đó, đã có không ít con tàu vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương. Gió bão, đá ngầm và những rủi ro khác là nguyên nhân khiến các con tàu này không đến được bến cảng đã đánh dấu trên hải đồ. Một trong số đó là con tàu đắm được phát hiện ở vùng biển Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), trong đó đã trục vớt được 3 khẩu thần công “Bảo quốc an dân đại tướng quân” và một số hiện vật bằng đồng.

Không chỉ là “dấu chấm” trên con đường tơ lụa huyền thoại, từ hệ thống giếng vuông cổ kè đá, khu mộ Bãi Cọi (Xuân Viên) và gốm sứ cổ ở Xuân Hội (Nghi Xuân) được các nhà khảo cổ học thám sát cho thấy lịch sử tụ cư cửa biển từ cách đây ít nhất 400–500 năm cũng như khả năng hình thành cảng biển cổ rất quan trọng của vùng đất Hoan Diễn xưa. Cùng với các địa danh cửa Hội, lũy Lâm Ấp… chúng ta có thể thấy một lớp văn hóa Chiêm – Chăm khá đậm nét trên địa bàn từ Đèo Ngang đến sông Lam. Và qua các đồ gốm sứ Chăm-pa, Trung Quốc, Ả Rập có niên đại thế kỷ IX–XVIII mà các nhà khảo cổ phát hiện ở Cửa Khẩu (Kỳ Anh), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa Sót (Thạch Hà), Cửa Hội (Nghi Xuân) cho thấy có thể là từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIV, các cửa biển Hà Tĩnh đã là những thương cảng đón nhiều tàu buôn của thương gia nhiều nước trên thế giới. Ngoài sự đóng góp về kinh tế, thương cảng Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hà Tĩnh từng là “phên dậu”, thắng địa của Tổ quốc. Trong các cuộc chiến tranh Chăm-pa – Đại Việt, các cảng sông Hà Tĩnh là nơi che chắn, xuất phát và trở về của vua chúa, quân lính các triều Trần – Lê.

Từ các trầm tích khảo cổ học phát lộ, có thể thấy, cách đây hàng vạn năm, người tiền sử đã đến vùng đất Hà Tĩnh sinh sống, tạo nên một vùng văn hóa. Các di chỉ khảo cổ đã phản ánh rõ nét đời sống vật chất và tinh thần, sự kiên cường chống chọi với thiên tai, giặc giã cũng như khát vọng của người xưa. Ông Nguyễn Trí Sơn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu khảo cổ học cũng như khai quật các di tích. Qua đó đã nhận diện về mặt văn hóa của con người và quê hương Hà Tĩnh, đồng thời cũng phát hiện nhiều hiện vật để trưng bày. Tuy nhiên, hiện nay, Bảo tàng Hà Tĩnh đã xuống cấp và không có chỗ trưng bày các hiện vật. Bởi vậy, đầu tư xây dựng bảo tàng là việc làm cấp thiết nhất hiện nay để tạo không gian trưng bày cho người dân tham quan và bảo tồn các giá trị văn hóa cha ông để lại”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast