Tính nhân văn của lễ cúng rằm tháng Bảy

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, người dân Việt Nam nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng từ mọi phương trời tìm về nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình để dâng lên bàn thờ tổ tiên lễ vật cúng rằm, báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Theo phong tục của người Việt Nam, rằm tháng Bảy còn gọi là ngày xá tội vong nhân. Trong những ngày này, cửa ngục mở để những linh hồn được về với gia đình, tổ tiên, hưởng không khí đầm ấm và nhận những lễ vật của cháu con cúng tế. Các cô hồn phiêu bạt, vô gia cư cũng được tự do về cõi trần. Do đó, để thể hiện tấm lòng nhân ái, nhiều người nấu cháo đổ lên lá đa để đầu đường cho các cô hồn. Tục nấu cháo lá đa xuất phát từ ý nghĩa đó.

Mâm cỗ cúng rằm tháng Bảy.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Bảy.

Để cúng những cô hồn phiêu dạt, Nguyễn Du - nhà thơ nổi tiếng thế giới về tấm lòng nhân đạo đã viết bài: “Văn tế thập loại chúng sinh” (còn gọi là “Văn chiêu hồn”) tưởng nhớ những linh hồn cô độc dưới cõi âm với 10 kiểu chết thê thảm và lời thỉnh cầu phép Phật cho linh hồn họ được siêu thoát. Trước đây, nhiều nhà chùa cũng thực hành nghi lễ cúng phát thực và đọc bài văn cúng của Đại thi hào.

Ngày nay, tục lệ này không còn, thay vào đó, sau lễ cúng Phật, cúng gia tiên, người ta thường đem gạo hoặc hạt nổ phát ra ngoài vườn hoặc ngoài ngõ cho những linh hồn qua đường có cái ăn. Phong tục này phản ánh nét nhân văn của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã trải qua nhiều mất mát, đau thương, nhất là nạn đói năm 1945 khiến 2 triệu sinh linh chết đói.

Rằm tháng Bảy, theo đạo Phật còn gọi là lễ Vu lan, được duy trì từ hàng ngàn đời nay, được tích hợp thành biểu tượng đặc trưng của một nền văn hiến Việt Nam giàu bản sắc văn hóa. Hàng năm, cứ rằm tháng Bảy âm lịch, đông đảo gia đình người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc đều sắm lễ để đi chùa cầu an, cầu siêu cho cha mẹ, hoặc những người không theo đạo Phật thì bày đàn cúng lễ tại gia. Do đó, tục cúng rằm tháng Bảy và đốt vàng mã trở thành một trong những sinh hoạt tinh thần mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh đã được ông cha ta duy trì từ ngàn xưa.

Ngày nay, hoạt động hành lễ cúng rằm được tổ chức theo nhiều hình thức. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, nhưng mỗi mùa Vu lan đến, ngoài đền chùa, miếu mạo, con cháu các họ tộc trên dải đất Lam Hồng lại lỉnh kỉnh về quê bày biện, sắm sửa cúng tế trước nhà thờ họ với tấm lòng thành báo hiếu tổ tiên, ông bà, họ hàng quyến thuộc, sau đó mở tiệc liên hoan vui vẻ.

Nhân dịp rằm tháng Bảy, cùng với các hoạt động cúng tế, báo hiếu, nhiều dòng họ đã tổ chức trao thưởng, tôn vinh con cháu hiếu học, đỗ đạt thành danh. Thông qua hội trống cử lễ Vu lan, hoạt động khuyến học dòng họ ra đời đã góp phần động viên các thế hệ con cháu noi gương cha ông, trau dồi sự học thành tài, có ích cho quê hương, đất nước.

Nhìn lại quá khứ, tục cúng rằm và việc đốt, rải vàng mã không phải là của người Việt Nam, mà có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo Kinh dịch Nho giáo: thời thượng cổ có quan niệm, người chết cũng như người sống đều có nhu cầu sinh hoạt giống như trong đời thường, dương gian có cái gì thì phần âm có cái đó, do đó, vào những dịp lễ giỗ hay cúng rằm, người ta thường đốt cho người âm những thứ đồ vàng mã tượng trưng nhằm cầu nguyện cho họ được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng, được an nghỉ sung túc, đầy đủ như ở dương gian.

Thả nến xá tội vong nhân.
Thả nến xá tội vong nhân.

Cụ ông Trương Văn Lục - Trưởng dòng họ Trương (Kỳ Đồng, Kỳ Anh) chia sẻ: “Ý nghĩa ngày rằm tháng Bảy - lễ hội Vu lan đơn thuần chỉ là việc báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, cha. Theo giáo lý nhà Phật, cúng rằm tháng bảy hay còn gọi cúng Tết Trung nguyên, làm lễ Vu lan báo hiếu. Vào ngày này, sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khóa kinh - kinh Vu lan để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Việc bày đàn cúng lễ thiên, địa, nhân phủ và đốt vàng mã quá nhiều trong ngày rằm tháng bảy đã làm mất đi ý nghĩa chính của lễ hội Vu lan”.

Đạo Phật được ghi nhận là đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ hàng ngàn năm, luôn hòa quyện và không ngừng phát triển, mang lại cho nền văn hóa Việt Nam những đặc trưng riêng biệt, vừa đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng mang triết lý sâu sắc. Ông Nguyễn Xuân Lâm (Kỳ Giang, Kỳ Anh) - Tộc trưởng họ Nguyễn Văn năm nay đã bước sang tuổi 80, là người điều hành tất cả mọi công việc rằm, việc họ, cho rằng: tục cúng rằm trong dịp lễ Vu lan là nét văn hóa tốt đẹp, trong sáng, nhắc nhớ con cháu phải báo hiếu, đền ơn đối với cha mẹ, tổ tiên mình, không mang màu sắc mê tín dị đoan.

Với ông, lễ Vu lan thật nhân văn và sâu sắc. “Tôi chưa dâng được cho cha mẹ thức ăn ngon, bổ dưỡng nhất, chưa tận lực cứu chữa khi cha mẹ đau yếu, chưa kịp đưa lại những niềm vui của một cuộc sống sung túc về vật chất thì hai đấng sinh thành đã không còn trên thế gian. Giờ đây, khi có đủ điều kiện, tôi muốn đáp đền cho cha mẹ nhưng không còn cơ hội nữa. Mỗi khi rằm tháng Bảy về, nhớ đến mẹ cha, tôi cứ thấy xót xa trong lòng” - ông Lâm chia sẻ.

“Cả năm được rằm tháng bảy, cả thảy được rằm tháng giêng”. Dù đi đâu, ở đâu, con cháu các dòng họ cũng mang trong mình truyền thống lao động cần cù, yêu nước và cách mạng; truyền thống học hành, khoa cử đỗ đạt của tổ tiên; lòng tự hào về quê hương - nơi mình được sinh ra và lớn lên. Mỗi người con luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ và mang nặng nghĩa tình sâu sắc với quê hương, gia đình, nơi “chôn rau, cắt rốn” của bao đời với tất cả nỗi niềm yêu thương, trìu mến, thiết tha. Ngày lễ Vu lan mang ý nghĩa lớn là để báo ơn cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ với tất cả tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, biểu hiện tinh thần đoàn kết thân hữu của họ hàng cũng như tinh thần chung sức xây dựng đời sống mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast