Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

(Baohatinh.vn) - Trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi may mắn được gặp những người Hà Tĩnh thành đạt ở Tây Nguyên. Họ đến với Tây Nguyên bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng ở họ, chúng tôi đều tìm thấy sự gắn bó và tình yêu thực sự với miền đất đỏ cao nguyên. Với họ, tình yêu đã làm “đất lạ hóa quê hương”, nhưng trong mỗi thành công đều cho thấy bản chất con người Hà Tĩnh giỏi giang, can trường, chịu khó, nồng ấm nghĩa tình...

Thành công từ niềm đam mê với cây Actiso

Một đêm Đà Lạt mờ sương. Rủ rỉ cùng bạn bè phố núi bên ly Actiso thơm ngọt, biết mình đang dùng sản phẩm của chính người đồng hương Hà Tĩnh, không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi đã bằng mọi cách liên lạc với người con tài giỏi ấy. Và, ông Nguyễn Đình Thắng – Giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR) đã đến gặp chúng tôi bằng tất cả sự gần gũi, chân thành, giản dị của một người Hà Tĩnh.

Lãnh đạo LADOPHAR giới thiệu về dây chuyền sản xuất của Công ty

Lãnh đạo LADOPHAR giới thiệu về dây chuyền sản xuất của Công ty

Là người con của vùng đất Hương Sơn, năm 1973, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, Nguyễn Đình Thắng tình nguyện vào miền Nam công tác tại Ban Dân y Lâm Đồng. Qua 37 năm gắn bó với ngành dược, với vùng đất Đà Lạt, ông là người có nhiều đóng góp tâm huyết, trí tuệ xây dựng thương hiệu LADOPHAR. Có thể nói, LADOPHAR là công ty dược duy nhất ở Lâm Đồng phát huy được lợi thế, tiềm năng dược liệu của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm từ cây Actiso.

Trong cách ông nói về cây Actiso, chúng tôi hiểu niềm say mê đặc biệt của ông đối với loại cây thuộc miền đất ngàn hoa này. Với ông, đó là một loại cây vô cùng đặc biệt bởi từ Actiso, ông cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu sản xuất được gần 60 mặt hàng (chiếm 50% tổng số mặt hàng của LADOPHAR). Sản phẩm của LADOPHAR hiện có mặt khắp thị trường trong nước và một số nước khác như Lào, Thái Lan, Nga… Doanh thu các năm của LADOPHAR có mức tăng trưởng bình quân 20-30%, năm 2013, ước đạt tổng doanh thu 460 tỷ đồng.

Cũng như một số công ty dược phẩm khác, LADOPHAR đang đứng trước khó khăn về nguyên liệu. Ông Thắng trầm ngâm: “Mặc dù chúng tôi đã có 1,3 ha Actiso để trình diễn và liên kết với các hộ nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 30 ha, nhưng thực tế hiện nay, người dân không mặn mà với cây Actiso nữa vì thu nhập thấp hơn rất nhiều so với trồng hoa. Chúng tôi chấp nhận thực tế đó và đang hướng tới việc nhập khẩu Actiso ở Nam Mỹ và nếu có thể sẽ xây dựng vùng nguyên liệu ổn định ở bên đó”. Đó là bản lĩnh và sự năng động cần có của một doanh nhân, đồng thời đó cũng là bản tính kiên trường của người Hà Tĩnh.

Mặc dù thời gian gặp gỡ không dài, nhưng chúng tôi có thể khẳng định, dược sỹ Nguyễn Đình Thắng đã đóng góp lớn trong việc gây dựng thương hiệu LADOPHAR và chính LADOPHAR cũng là nơi đưa ông trở thành doanh nhân tiêu biểu khối doanh nghiệp địa phương, trở thành niềm tự hào của quê hương Hà Tĩnh. Và cây Actiso có vị trí không hề nhỏ trong mỗi bước thành công của ông.

Tình yêu sâu nặng với cây cà phê

Nếu như ông Nguyễn Đình Thắng ở Lâm Đồng gắn bó với cây Actiso thì chị Nguyễn Thị Thủy và anh Nguyễn Hòa Chính mà chúng tôi gặp ở Đăk Lăk và Kon Tum lại là những người gắn bó với cây cà phê.

Biết về danh tiếng chị Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 đã lâu nên lần trở lại cao nguyên này, chúng tôi đã tìm đến tận huyện Eaka để gặp. Dẫu chiều đã muộn nhưng chị rất nhiệt tình dẫn chúng tôi đi hết rẫy cà phê này đến rẫy cà phê khác. Những rẫy cà phê đang mùa thu hoạch miên man quả chín tỏa thơm nhè nhẹ, những rẫy mới trồng đang khuất lấp trong những lùm hoa muồng vàng rực rỡ đều mang đến cho chúng tôi những cảm xúc thú vị. Chúng tôi say sưa đi theo chị cho đến lúc trăng buông màu dìu dịu trên bạt ngàn cà phê. Chị nói: “Khoảng 1 tháng sau tết, hoa cà phê bung nở, cả bản như được nhuộm trắng và ướp hương cà phê dịu ngọt. Đó cũng chính là khoảnh khắc mình yêu cây cà phê nhất”. Bất giác, tôi cũng nghe trong mình dâng lên một tình cảm nồng ấm với loại cây này.

Chị Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (ảnh: Baodaklak.vn)

Chị Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (ảnh: Baodaklak.vn)

Chị Thủy đến với cây cà phê, yêu cây cà phê bằng một mối duyên không hẹn trước. Cậu ruột chị, ông Phạm Mậu Chương - một trong những người đầu tiên khai phá vùng đất hoang này để thành lập Trung đoàn 721. Vì thương hoàn cảnh gia đình chị nghèo khổ, ông đã đưa cháu từ làng quê lam lũ Sơn Tân (Hương Sơn) vào làm việc tại Trung đoàn. Đó là thời điểm Trung đoàn đã được 6 năm tuổi, chị vừa làm kế toán vừa nhận đất và trồng cà phê như một nông dân. Từ bấy đến nay, chị Thủy đã có 30 năm gắn bó, dành trọn tâm huyết của mình cho đơn vị. Trải qua nhiều vị trí công tác, từ năm 2007 đến nay, chị là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721.

Với vai trò “đầu tàu”, chị Thủy đã cùng tập thể CBCNV Công ty vượt qua khó khăn, tháo gỡ được những nút thắt quan trọng. Chủ động tìm hướng đi riêng, “nữ thủ lĩnh” năng động đã nhìn nhận được thách thức cũng chính là cơ hội. Chị cho biết: “Trong thời điểm khó khăn chung hiện nay, doanh nghiệp muốn trụ vững phải tự phân tích tình hình, đánh giá mình một cách chân thực, phải có lộ trình thích hợp và rất cần sự chủ động, linh hoạt, nhạy bén, đồng thời cũng hết sức thận trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”. Hiện hơn 800 CBCNV Công ty có đời sống ổn định từ trồng cà phê và lúa.

Với những thành quả đạt được, Công ty và cá nhân chị Nguyễn Thị Thủy vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 2 lần chị được nhận danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, đoạt Cúp Bông hồng vàng năm 2010 và là cá nhân điển hình trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vừa qua, chị còn được nhân dân tin tưởng bầu chọn là đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2011-2016. Hiện trên địa bàn Công ty, người Hà Tĩnh rất nhiều, ở đó, người dân sống với nhau chan hòa, thân ái và đặc biệt họ vẫn giữ được nét sinh hoạt mời uống nước chè xanh như ở quê hương bản quán. Và, trong lòng họ, chị Nguyễn Thị Thủy luôn là một hình ảnh đẹp đẽ cần vươn tới.

Không riêng chị Thủy, anh Nguyễn Hòa Chính – người con Kỳ Lợi (Kỳ Anh) cũng gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên nắng gió bằng tình yêu đặc biệt với cây cà phê. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I, anh Chính vào công tác tại Nông trường Cà Phê Đắk Uy I - Kon Tum. Chừng ấy năm sống ở Tây Nguyên chính là chừng ấy thời gian anh gắn bó, trăn trở, vui buồn cùng cây cà phê. Trải qua nhiều đơn vị công tác, từ năm 2009 đến nay, anh Chính là Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê Đắk Hà – Kon Tum.

Trong chuyến công tác vừa qua tại Kon Tum, chúng tôi đã được đến tham quan vùng trồng cà phê nổi tiếng ở Đắk Hà, được thưởng thức hương vị cà phê thơm ngon của vùng đất này qua thương hiệu DAKHA COFFE (thuộc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đắk Hà). Ẩn sau hương vị thơm ngon, đậm đà của DAKHA COFFE là câu chuyện về một người Hà Tĩnh kiên gan, bền chí trên con đường khẳng định thương hiệu cho cà phê. Anh Nguyễn Hòa Chính cho biết: “Đắk Hà là một trong 8 vùng cà phê nổi tiếng của nước ta, nhưng chưa có thương hiệu cà phê chất lượng, uy tín đến tay người tiêu dùng khiến tôi hết sức băn khoăn, chạnh lòng. Được sự hỗ trợ đắc lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, tôi đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ xây dựng và phát triển thương hiệu “DAKHA COFFE - vị đắng Bắc Tây Nguyên”.

Ra đời trong hoàn cảnh những vùng cà phê khác đã có vị trí nhất định trên thị trường là một khó khăn lớn cho DAKHA COFFE. Chính vì thế, Công ty hướng đến xây dựng mặt hàng “cà phê làm quà” và từng bước chiếm lĩnh thị trường sở tại (Đắk Hà - Kon Tum). Sau đó, tiếp tục triển khai ra toàn tỉnh, các thành phố lớn, lan rộng ra cả nước và xuất khẩu. Năm 2011, “DAKHA COFFE” được vinh dự đứng trong “top 500 sản phẩm - dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam”. Với sự khác biệt vượt trội, năm 2012, DAKHA COFFE đoạt Cúp vàng thương hiệu tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng và Huy chương vàng về hàng Việt Nam chất lượng cao. Cũng trong năm 2012, Cà phê Đắk Hà được người tiêu dùng bình chọn top 20 sản phẩm dịch vụ tin cậy vì người tiêu dùng… Còn người khai sinh thương hiệu DAKHA COFFE thì vinh dự được đứng vào hàng ngũ 100 “Doanh nhân văn hóa” năm 2012 do Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam và người tiêu dùng bình chọn.

Trên con đường thiên lý của mình, chúng tôi sẽ còn gặp rất nhiều người con Hà Tĩnh thành công ở nhiều lĩnh vực khác, nhưng những người đã gặp trên cao nguyên lộng gió ấy đã gieo vào ký ức chúng tôi những xúc cảm không bao giờ quên. Lao xao trong mùi ngai ngái của cây quả cà phê, trong hương thơm thoang thoảng của trà Actiso còn vướng vít, chúng tôi cũng nghe lòng mình rưng rưng niềm cảm phục, tự hào về những người con quê hương giỏi giang…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast