Văn hóa đọc trong cuộc sống hiện đại

(Baohatinh.vn) - Năm 1997, tại thôn Yên Bình (Thạch Bằng, Lộc Hà), các cán bộ hưu trí trong thôn đã góp những cuốn sách mình có lập nên một tủ sách dành cho người cao tuổi. Trải qua 17 năm hoạt động, đến nay, tủ sách đã phát triển thành thư viện thôn với hơn 4.000 đầu sách phục vụ thiết thực nhu cầu, thị hiếu đọc của người dân trong thôn và các vùng lân cận.

Nhân ngày Sách Việt Nam 21/4

Bác Phan Xuân Đại - thủ thư cho biết: “Thư viện mở cửa phục vụ bạn đọc vào chiều thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, có những cụ đã 90 tuổi và cả những cháu nhỏ 6, 7 tuổi. Thấy mọi người ham mê đọc sách và vận dụng những điều hay trong sách vào cuộc sống, tôi mừng lắm!”.

Đại diện tổ chức Zhi shan foundation Taiwan trao sách tượng trưng cho thư viện thân thiện tại Lộc Hà

Đại diện tổ chức Zhi shan foundation Taiwan trao sách tượng trưng cho thư viện thân thiện tại Lộc Hà

Ông Phan Đình Vinh - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Từ khi thành lập thư viện thôn đến nay, đời sống vật chất và tinh thần người dân thay đổi đáng kể. Nhờ đó, con em học hành giỏi giang hơn, bà con cũng áp dụng được nhiều tiến bộ KHKT trong phát triển kinh tế”. Năm 1999, thôn Yên Bình vinh dự được tỉnh công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” và đến nay đã 2 lần được Bộ VH-TT&DL tặng bằng khen.

Rời thôn Yên Bình, tôi tìm đến làng Tân Trung (xã Tân Lộc, Lộc Hà), nơi có tủ sách dòng họ vừa ra mắt từ cuối năm 2013. Ấy là tủ sách của dòng họ Nguyễn - chi cố Khang, do PGS. TS sử học Chương Thâu tài trợ. Hiện tủ sách có gần 1.000 cuốn thuộc nhiều lĩnh vực, trong số đó, sách về lịch sử, sách dạy làm người và học làm nghề, sách y tế chiếm số lượng lớn hơn cả. Em Nguyễn Quỳnh Trang - học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ: “Nhờ có tủ sách mà em được đọc nhiều cuốn sách hay, bổ ích, nâng cao kiến thức, biết cách ứng xử hơn”.

Khác với những tủ sách dòng họ, tủ sách làm vườn của thôn 3, Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) lại được hình thành từ sau dự án trồng vườn của tỉnh. Dự án về thôn mang theo sách và khi dự án hoàn thành, sách được để lại cho bà con. Hiện tủ sách có hơn 300 cuốn, chủ yếu là sách dạy về làm vườn và chăm sóc sức khỏe. Mỗi ngày có hàng chục lượt người dân đến mượn, đổi sách về đọc. Bà Nguyễn Thị Liên - người dân trong thôn cho biết: “Nhờ đọc sách mà tôi học được cách bấm huyệt, tìm cây thuốc nam chữa bệnh cho mình, cách chăm sóc vật nuôi... Sức khỏe yếu, quanh năm chỉ quanh quẩn trong nhà nhưng tui vẫn biết được nhiều chuyện đó đây”.

Đọc sách gia đình không chỉ là một hoạt động bổ ích mà còn là một nét văn hóa trong cuộc sống hiện đại. Đáng mừng là nhiều năm nay, do thấy được giá trị, ý nghĩa của việc đọc sách nên ban văn hóa xã, phòng văn hóa huyện, trung tâm thư viện huyện và tỉnh quan tâm và gửi tặng tủ sách thôn nhiều cuốn sách bổ ích.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều mô hình thư viện, tủ sách gia đình, dòng họ phát huy hiệu quả như Thư viện Hoa Cương (Lộc Hà), tủ sách dòng họ Nguyễn Quang, Nguyễn Duy, họ Trần (Hương Sơn)... Bà Nguyễn Thị Thúy – Giám đốc Trung tâm Thư viện tỉnh khẳng định: “Sách, báo... giúp rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng miền địa phương. Các tủ sách ở cơ sở thời gian qua thực sự đóng vai trò quan trọng, tích cực trong nối mạch văn hóa. Chính vì thế, chúng tôi cũng thường xuyên hỗ trợ sách mới cho các thư viện, tủ sách nhằm góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc trong nhân dân”.

Ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, ngày 21/4 được chọn là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của văn hóa đọc và nâng cao nhận thức cho nhân dân. Và hoạt động của các tủ sách thôn, xóm, dòng họ là một nét đẹp văn hóa cần được khuyến khích, nhân rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast