Với tôi, ví dặm là nơi neo đậu tâm hồn

Đó là lời tâm sự của Nghệ nhân Thanh Minh đối với nghiệp mà ông đã trót đa mang và dâng trọn niềm đam mê gần như suốt cả cuộc đời.

Với nghệ nhân Thanh Minh, ví dặm là nơi neo đậu tâm hồn
Với nghệ nhân Thanh Minh, ví dặm là nơi neo đậu tâm hồn

Không biết tự bao giờ, những điệu ví dân dã ngọt ngào mà sâu lắng đã thực sự có một hút diệu kỳ đối với người con xứ Huế. Chỉ biết rằng trong những tháng năm tao loạn, gia đình ông đã di cư đến mảnh đất Hương Khê (Hà Tĩnh). Với ông, tình cảm máu thịt dành cho miền đất nắng lửa mưa chan này không chỉ là những hạt lúa củ khoai đã nuôi ông khôn lớn mà còn là những làn điệu dân ca như một mạch nguồn trong mát nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sỹ.

Ông Minh chia sẻ: “Tôi say ví dặm từ những ngày còn thơ bé, ấy là khi được nghe các bà các cô trong làng hát trong những lúc làm việc hay trong những đêm trăng. Nhưng tôi chỉ mới thực sự gắn bó với ví dặm từ năm 20 tuổi, hồi đó đang công tác tại phòng văn hóa huyện Hương Khê nên tôi cũng là một hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Bước ngoặt cuộc đời thực sự đến khi năm 1966 tỉnh đội thành lập đội tuyên truyền văn hóa phục vụ cho chiến trường, tôi vinh dự được ghi tên vào đội. Trước khi đi vào tuyến lửa phục vụ cho phong trào tiếng hát át tiếng bom, chúng tôi đã được Ty văn hóa mở lớp dạy hát dân ca Nghệ Tĩnh trong 3 tháng. Quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của NSƯT Trần Đức Duy, tôi dường như được truyền thêm lửa của niềm say mê câu hò điệu ví”.

Sau gần 30 năm phục vụ ở các chiến trường rồi về công tác tại Đoàn văn công Quân khu 4, ấn tượng mà nghệ nhân Thanh Minh để lại trong lòng khán thính giả và các đồng nghiệp là hình ảnh một ông già có chất giọng ấm áp ngọt ngào trong những trích đoạn hay trong từng vở diễn, cũng bởi trời phú cho ông một chất giọng trầm, ấm. Và kết quả của quá trình miệt mài rèn luyện, cố gắng không mệt mỏi là 5 huy chương vàng trong các hội diễn toàn quốc, là tình cảm yêu mến mà khán thính giả trên mọi miền quê dành cho ông.

Cũng bởi niềm say mê nên từ năm 1993, dẫu đã được nghỉ hưu nhưng cuộc sống của ông vẫn luôn bận rộn với những chuyến lưu diễn, với phong trào văn nghệ quần chúng. Từ những chuyến đi, từ niềm đam mê ví dặm mà trong ông luôn trăn trở với việc sưu tầm những làn điệu cổ và hoạt động dạy hát dân ca cho lớp trẻ trên địa bàn Hà Tĩnh.

Ông cho biết: “Có rất nhiều người hát dân ca nhưng có rất ít người được công chúng công nhận, bởi hát dân ca đòi hỏi khắt khe, người hát phải trung thành với lời và phải phát âm tròng vành, rõ chữ, rõ âm điệu. Thực tế việc sưu tầm những làn điệu dân ca cổ trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, việc đưa dân ca vào trường học cũng chưa được phổ biến đại trà nên tôi rất băn khoăn cho sự phát huy và bảo tồn vốn văn hóa này”.

Nỗi niềm trăn trở ấy đã thôi thúc ông - người nghệ nhân hát dân ca - bắt tay vào việc viết lời cho những trích đoạn, những vở diễn. Và ông cũng đã truyền ngọn lửa say mê ấy cho các con và các cháu. Lời bài hát do ông sáng tác cùng với sự dạy bảo của ông trong từng nốt lên bổng xuống trầm đã trở thành yếu tố giúp cháu ông - em Mai Nguyễn Hà Trang khẳng định mình trong cuộc thi tiếng hát dân ca của ngành giáo dục.

Hơn 60 mùa xuân cuộc đời đã đi qua, gần 40 năm gắn bó với những câu hò điệu ví, ông cũng không thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu vở diễn trong đời, đã sáng tác được bao nhiêu lời hát, chỉ biết rằng như con tằm cần mẫn nhả tơ ông đã góp sức mình bảo tồn và làm phong phú thêm kho tàng dân ca ví dặm.

Một mùa xuân mới lại trở về, trong ngôi nhà nhỏ ấm áp ấy không gian dường như lắng đọng bởi âm hưởng ngọt ngào của câu hát. Và trong muôn vàn lời chúc tốt đẹp của ngày đầu xuân, với ông món quà qúy giá nhất dành cho con cháu, cho khán thính giả chính là những câu ví dặm mang hồn cốt của quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast