Lễ khai mạc sẽ bắt đầu lúc 19h30 ngày 26/7, tức 00h30 ngày 27/7 theo giờ Việt Nam. Nước chủ nhà Pháp không muốn đóng khung lễ khai mạc gói gọn trong sân vận động, nơi có sức chứa cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 người, mà sẽ trải dài khắp thành phố Paris - kinh đô ánh sáng của thế giới.
Ông Tony Estanguet - Trưởng BTC Olympic Paris và cũng từng là nhà vô địch Olympic - phát biểu: “Toàn bộ thành phố Paris sẽ là một sân vận động lớn. Sông Seine sẽ trở thành đường piste, còn các bến cảng là khán đài để các khán giả khắp nơi có thể chứng kiến một bữa tiệc khai mạc thật sự ấn tượng. Vì với ánh sáng tự nhiên của hoàng hôn nước Pháp, các khán giả toàn cầu sẽ chứng kiến được vẻ diễm lệ tự nhiên của kinh đô ánh sáng Paris”.
Với ý tưởng độc đáo này, khoảng 100 chiếc thuyền sẽ chở các đoàn thể thao của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ diễu hành trên khoảng 6 km của dòng sông Seine, kéo dài từ đông sang tây của thủ đô Paris. Đoàn diễu hành sẽ đi qua một số cây cầu và những địa danh mang tính biểu tượng của nước Pháp, như nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre và các địa điểm tổ chức Thế vận hội. Kết thúc của đoàn diễu hành sẽ là quảng trường gần tháp Eiffel, nơi diễn ra các nghi thức của lễ khai mạc.
Pháp vốn nổi tiếng với âm nhạc, nên đây sẽ là điểm nhấn của lễ khai mạc. Và không dừng lại ở bất cứ bản sắc cố định nào, lễ khai mạc sẽ như một lễ hội với nhiều thể loại nhạc khác nhau. Được biết, có hơn 3.000 nghệ sĩ với hơn 400 vũ công sẽ biểu diễn trên những cây cầu mà các đoàn thể thao đi qua, điều sẽ khiến mọi người rất ấn tượng, như lời tiết lộ của biên đạo múa nổi tiếng Maud Le Pladec.
Chưa kể, Pháp cũng nổi tiếng về thời trang nên đây cũng sẽ là một phần độc đáo của lễ khai mạc. Dự kiến lễ khai mạc Olympic Paris 2024 sẽ có khoảng 600.000 người theo dõi trực tiếp, trong đó có khoảng hơn 100.000 khán giả mua vé, với giá từ 90 đến 2.700 euro/vé, để có các vị trí đẹp ở các bến tàu. Hơn 200.000 vé miễn phí sẽ được phát cho người hâm mộ đến xem lễ khai mạc trên bờ sông Seine.
Tuy nhiên, để có một lễ khạc mạc Olympic mở và ấn tượng như thế, nước chủ nhà Pháp sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro, đặc biệt là an ninh, bởi đừng quên Paris cũng không phải là nơi quá an toàn cho du khách. Chuẩn bị cho điều này, 45.000 sĩ quan và hiến binh, cùng hơn 10.000 binh lính đã được huy động cho chiến dịch Sentinelle, nhằm đối phó với các rủi ro về an ninh ở lễ khai mạc.
Ngày mai (25/7), tức chỉ 1 ngày trước lễ khai mạc, vành đai chống khủng bố sẽ được thiết lập hai bên bờ sông Seine để tạo thành "vùng xám". Bất kỳ ai muốn vào khu vực này đều phải có thẻ an ninh dạng mã QR. Các biện pháp an ninh chỉ được gỡ bỏ khi lễ khai mạc kết thúc.
Hiện nước Pháp đã nhờ 46 nước đồng minh gửi 2.185 cảnh sát đến hỗ trợ. Ngoài ra sẽ có thêm 22.000 nhân viên an ninh tư nhân có mặt để bảo vệ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Cần nói thêm, lễ khai mạc Olympic Paris có thể độc đáo nhất trong các kỳ Thế vận hội, nhưng chưa chắc đã là số 1 với thế giới. Nói thế, bởi kỳ Asian Games 2010 tại Quảng Châu, nước chủ nhà Trung Quốc cũng đã tổ chức lễ diễu hành của các đoàn thể thao trên sông Châu Giang và lễ khai mạc diễn ra tại quảng trường lớn của thành phố Quảng Châu khiến tất cả mọi người đều cảm thấy vô cùng ấn tượng.