Nhà báo Trần Đắc Túc: "Tôi hết sức tự hào. Cứ nghĩ, không phải ai cũng có diễm phúc nghề nghiệp để một lần trong đời được gặp và hỏi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu" |
Một ngày cuối đông năm 2005, đoàn làm phim tài liệu của Truyền hình Hà Tĩnh hăm hở ra Hà Nội để phỏng vấn Đại tướng về cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Số là, năm 2006 cả nước sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư. Trong kịch bản phim, có chi tiết Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về những ngày cùng hoạt động Tân Việt Cách mạng Đảng với Hà Huy Tập thời kỳ ở Huế.
Trước đó, đoàn làm phim đã phải lặn lội vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để gặp bằng được GS-NGND, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Văn Giàu - người học cùng trường Đại học Phương Đông Mátcơva với Hà Huy Tập. Việc phỏng vấn rất khó khăn vì GS tuổi đã cao mà còn dang dở với nhiều công trình khoa học, GS đã từ chối các cuộc phỏng vấn, nhưng rồi vớí sự giúp đỡ của chị Thy Huệ, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia 2 thành phố HCM, buổi phỏng vấn đã thành công mỹ mãn.
Nhưng, lần này ra Hà Nội để phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi hết sức lo lắng. Bởi trước đó, Văn phòng của Đại tướng đã nhiều lần từ chối. Lý do thật bất khả kháng: Đại tướng tuổi đã quá cao mà các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước muốn được gặp Đại tướng lại quá đông, thậm chí có nhiều CCB từ thời Điện Biên vẫn lặn lội hàng ngàn cây số ra Hà Nội chỉ một lần để được nắm tay anh Văn rồi về chết cũng thỏa.
Bí quá, chúng tôi đã phải nhờ GS-TS Phạm Đức Dương với tư cách Thủ trưởng cơ quan gọi cho Phu nhân Đại tướng nhờ thu xếp. Phu nhân Đặng Bích Hà, qua trao đổi với thủ trưởng của mình, đã cho biết những khó khăn về thời gian cuộc phỏng vấn. Lo quá, nếu không có ý kiến của Đại tướng, thì bộ phim tài liệu sẽ kém sức thuyết phục đi nhiều. May sao, người đồng hương - Trung tướng Võ Trọng Việt (lúc đó là Thiếu tướng - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam) đã sốt sắng giúp đỡ.
Bằng mối quan hệ thiêng liêng nào đó, hoặc của dòng tộc họ Võ, anh đã thuyết phục được Văn phòng Đại tướng để đoàn làm phim truyền hình Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khỏi phải nói, chúng tôi mừng rỡ đến mức nào. Được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nội chỉ bấy nhiêu thôi đã hạnh phúc một đời.
Trung tướng Võ Trọng Việt (lúc đó là Thiếu tướng - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam) đã thuyết phục được Văn phòng Đại tướng để đoàn làm phim truyền hình Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ của mình |
Đại tướng đứng đó, với bộ quân phục oai nghiêm quen thuộc, dẫu đã 94 tuổi mà sao vẫn đường bệ thế. Sau khi nhận bó hoa chúc mừng của Truyền hình Hà Tĩnh, Đại tướng khẽ nghiêng người nhận nụ hôn của các nữ nhà báo đi cùng đoàn. Động tác nghiêng một bên má của Đại tướng thật hào hoa, lịch lãm mà lại thật nhân hậu, hiền hòa xiết bao. Đẹp quá! Chúng tôi, từ đạo diễn đến quay phim đều cảm động đến run cả người.
Đã từng phỏng vấn từ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các vị Bí thư trung ương, tới các nhà nhà văn hóa kiệt xuất của đất nước cho những phim tài liệu về Trần Phú, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng... nhưng chưa có ai để ấn tượng mạnh trong lòng chúng tôi như lần được gặp Đại tướng. Chúng tôi loay hoay không biết xưng hô như thế nào: là Bác, là Đại tướng? trong khi Đại tướng vẫn tự xưng là Anh Văn.
Chúng tôi choáng ngợp trước chân dung một huyền thoại sống, một thiên tài quân sự thế giới. Là Đại tướng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phong từ năm 1948. Là người Anh Cả của QĐND Việt nam, vị Tổng Tư lệnh của Chiến dịch Điên Biên Phủ năm 1954 toàn thắng, vị Tổng tư lệnh thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa để Giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Chúng tôi vừa ghi hình vừa nhìn như nuốt vào lòng hình ảnh Đại tướng.
Đại tướng kể về thời gian cùng đồng chí Hà Huy Tập hoạt động trong phong trào Tân Việt năm 1927 tại Huế, giọng hào hứng như một thời trẻ tuổi. Kết thúc buổi phỏng vấn Đại tướng còn dành cho đồng bào, chiến sỹ Hà Tĩnh những dặn dò, tình cảm riêng. Lời lẽ thật thiết tha, đầm ấm.
Bộ phim tài liệu Tổng Bí thư Hà Huy Tập phát trên sóng VTV và Hà Tĩnh trong lễ kỷ niệm năm 2006 có hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng mà hiền hòa đã chiếm được cảm tình và rất thuyết phục người xem. Đó là niềm hạnh phúc nghề nghiệp nhất của chúng tôi.
Riêng tôi, bức hình đang ngồi phỏng vấn Đại tướng, hiện được treo trang trọng bên cạnh tấm Huân chương Lao động hạng Ba tại phòng khách. Tôi hết sức tự hào. Cứ nghĩ, không phải ai cũng có diễm phúc nghề nghiệp để một lần trong đời được gặp và hỏi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu.
Tôi hằng coi đây là tấm Huân chương lớn trong đời làm báo của mình.