Những tháng cuối năm là thời điểm các ngân hàng dồn tổng lực cho tăng trưởng tín dụng.
Một quy luật đã định sẵn cho tăng trưởng tín dụng, những tháng đầu năm thường rất thấp, thậm chí là tăng trưởng âm, thế nhưng, biểu đồ tăng trưởng bắt đầu thay đổi chiều và đạt “cực đại” vào những tháng cuối năm. Ở Hà Tĩnh, năm nay, quy luật này gần như bị phá vỡ. Tăng trưởng dư nợ khá ổn định và tăng đều trong các tháng. Chỉ duy nhất tháng 2, tăng trưởng dư nợ “về” âm (-0,92%) do trùng dịp Tết Nguyên đán, còn lại tất cả đều có tăng trưởng dương; trong đó, cao nhất là tháng 3 (+2,64%) và tháng 9 (+2,41%).
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã áp dụng đồng loạt nhiều giải pháp nhằm “nới” hoạt động cho vay, nhờ vậy, dư nợ của các TCTD tăng trưởng tốt và tăng đều qua các tháng.
9 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay đạt 30.542 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng năm nay cao hơn cùng kỳ tất cả các năm từ 2011-2015, tăng cao hơn năm 2011 đến 8,79% và hơn năm gần nhất 2015 là 1,88%. Phải nói rằng, mức tăng trưởng khá của tín dụng chủ yếu nhờ các chương trình trọng điểm và chính sách về hỗ trợ lãi suất. Chỉ trong vài năm, Hà Tĩnh được thụ hưởng gần 20 chính sách tín dụng. Đến thời điểm này, dư nợ theo các quyết định hỗ trợ lãi suất đạt trên 2.400 tỷ đồng; các chương trình trọng điểm (Nghị định 67/2014/NĐ-CP về “Một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị quyết 02/NQ-CP về hỗ trợ làm nhà ở; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp) cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng với hàng nghìn đối tượng là doanh nghiệp, nông dân được vay vốn. Ở lãi suất thỏa thuận, theo các doanh nghiệp và cá nhân thì mức lãi suất các ngân hàng duy trì trong suốt năm nay (9-10%/năm) là tốt nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Chất lượng tín dụng vì vậy cũng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,52%.
Để đạt được mức tăng trưởng tối thiểu 18% so với năm 2015, từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng còn trên 4%, tương đương mức vốn “rót” ra cho nền kinh tế khoảng 9.100 tỷ đồng. Đúng vào giai đoạn này, doanh nghiệp cũng như người dân có nhu cầu tiền tệ lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất để chuẩn bị dịp tết nên tín dụng sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh. Đây cũng là dịp các TCTD nắm bắt cơ hội cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Với Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh, ngân hàng có dư nợ lớn nhất trong lĩnh vực NN&PTNT, chọn “mũi” tăng trưởng vào các chương trình ưu tiên. Ông Trần Sỹ Thu - Phó Giám đốc chi nhánh cho biết: “Dư nợ cho vay đến cuối tháng 9 đạt trên 10.000 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch đề ra. Những tháng cuối năm, Agribank tập trung ưu tiên khách hàng cá nhân và vốn vay phát triển sản xuất. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn hỗ trợ lãi suất và chương trình trọng điểm. Gắn với tăng trưởng tín dụng, chi nhánh thực hiện phong trào thi đua trong cán bộ, coi đó là yếu tố quan trọng đánh giá thi đua cuối năm của các phòng giao dịch”. Hiện tại, 2 tàu vỏ thép do Agribank hỗ trợ vốn đã được giải ngân với tổng hạn mức vay là 38 tỷ đồng.
Dựa vào thế mạnh của mình, Vietcombank, Vietinbank và BIDV cũng đã dồn sức cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối năm. Ngoài các chương trình thí điểm đầu tư vào nông nghiệp thì các ngân hàng này chú trọng phát triển tăng trưởng tín dụng cá nhân. Trong chiến lược cạnh tranh, các ngân hàng này đưa ra mức lãi suất khá hấp dẫn cho khu vực cá nhân.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, ACB đang dẫn đầu bảng. Đến nay, dư nợ cho vay đạt gần 1.000 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch về tăng trưởng tín dụng. Ông Phan Hồng Nhật - Giám đốc Chi nhánh ACB Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù là năm có nhiều biến động nhưng ngay từ đầu năm, ACB Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn vốn đến với người dân, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, làng nghề”. Với mức lãi suất cho vay hấp dẫn (8%/năm), thủ tục hồ sơ tinh gọn, giải quyết nhanh nguồn vốn, ACB Hà Tĩnh đã “hút” lượng khách hàng lớn, tạo ra bước chuyển vững vàng trong chiến lược tăng trưởng tín dụng.
Cuộc chạy đua vừa mới bắt đầu, biểu đồ tăng trưởng tín dụng sẽ còn biến đổi theo chiều hướng tăng cao vào 2 tháng cuối năm tới. Các TCTD sẽ tập trung cho vốn vay ở lĩnh vực ưu tiên, chủ động tiếp cận các mô hình SXKD để đáp ứng nhu cầu các nguồn vốn vay hiệu quả. Mức tăng trưởng sẽ dồn nhiều vào các tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát hoạt động cho vay và quản lý chặt chẽ đảm bảo ổn định nền kinh tế.