Từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất phục hồi, cùng với sự sôi động của ngành du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại - dịch vụ.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đạt hơn 61.300 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10/2024, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, những nhóm hàng ghi nhận tăng trưởng doanh thu cao như: lương thực thực phẩm; đồ dùng thiết bị gia đình; kim loại quý; hàng may mặc; đồ dùng học tập…
Theo ghi nhận thị trường, để thu hút khách hàng, tăng doanh thu, giải pháp phổ biến và hiệu quả được các nhà bán lẻ, kinh doanh dịch vụ áp dụng là thực hiện chương trình khuyến mãi. Các đơn vị kinh doanh đã liên tục triển khai các hoạt động khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn như giảm giá, mua 1 tặng 1, tặng quà, tích điểm hóa đơn…, nhất là nhân các dịp lễ như Quốc khánh 2/9, tết Trung thu, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10…
Anh Nguyễn Trung Hiếu – phụ trách marketing siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, siêu thị luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa đa dạng, dồi dào, từ hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghiệp, dầu ăn, nước mắm, gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, đồ uống cho đến hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ dùng chăm sóc cá nhân... Cùng đó, siêu thị thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi với mức giá tốt cho khách hàng. Trong các dịp cao điểm mua sắm lễ tết, siêu thị bổ sung nguồn hàng tăng so với ngày thường, bố trí thêm nhân viên nhằm phục vụ khách hàng mua sắm tốt nhất”.
Là cơ sở ngành thời trang có nhiều chương trình khuyến mãi lớn, chị Hoàng Ngọc Anh - quản lý của hàng thời trang Savani Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Với đa dạng mặt hàng thời trang dành cho các lứa tuổi, mức giá bình dân, cửa hàng được nhiều khách hàng lựa chọn làm điểm mua sắm cho gia đình. Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi được áp dụng liên tục với mức giảm giá sâu đến 80% và ưu đãi khác như quay số, bốc thăm tặng quà đã thu hút khách hàng tốt hơn; những dịp lễ, lượng khách tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nhờ đó, doanh số bán hàng đạt cao”.
Bên cạnh khuyến mãi kích cầu, bắt nhịp với xu hướng kinh doanh hiện đại, các cơ sở bán lẻ truyền thống cũng đã chủ động nắm bắt thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, sử dụng phần mềm quản trị và tận dụng lợi thế của nền tảng số để bán hàng...
Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua, hoạt động thương mại - dịch vụ giữ đà tăng trưởng tích cực và ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, giá cả cơ bản ổn định. Cùng đó, sự phát triển mạnh mẽ, đa đạng của mạng lưới bán lẻ, phủ kín tới tận khu vực nông thôn đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, phục vụ sản xuất của doanh nghiệp.
Cùng với các giải pháp từ doanh nghiệp, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ thì lãi suất tín dụng giảm cũng góp phần tác động tích cực đến sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, các chính sách của Nhà nước như giảm thuế VAT 2%, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với sản xuất xe trong nước, tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức và người nghỉ hưu cũng đã tạo “đòn bẩy” cho tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng trưởng.
Thương mại - dịch vụ là một trong những lĩnh vực trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội, chiếm 36% trong cơ cấu kinh tế. Do vậy, hoạt động lĩnh vực này phục hồi và tăng trưởng đã góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo ông Trần Thanh Bình – Cục trưởng Cục Thống kê, khu vực dịch vụ là "điểm sáng" của nền kinh tế khi đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh. 9 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 7,15%; trong đó khu vực dịch vụ tăng 7,55%, đóng góp 3,34 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh, còn lại khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản đóng góp 0,45 điểm % và khu vực công nghiệp xây dựng đóng góp 3,36 điểm %.
Những tháng cuối năm là mùa cao điểm của hoạt động mua sắm, dự báo sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng cao, thị trường tiêu dùng sôi động hơn. Đây được coi là thời điểm vàng cho lĩnh vực thương mại, do đó, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ sẽ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh doanh số thông qua các biện pháp kích cầu và xúc tiến thương mại.
Để đảm bảo thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả trong dịp cuối năm 2024 và tết Nguyên đán 2025, ngành công thương sẽ triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn hàng kém chất lượng, các hành vi gian lận thương mại.