Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h20' ngày 5/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,57 USD/thùng, tăng 0,06% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,26 USD/thùng, tăng 0,01% so với phiên liền trước.
Tại thị trường Singapore, tại kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này giảm khá mạnh so với kỳ trước.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp xăng dầu, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (6/6) có thể giảm mạnh.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 550-700 đồng/lít. Còn giá dầu diesel dự kiến giảm 250-300 đồng/lít. Trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ BOG thì giá xăng có khả năng giảm ít hơn.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 30/5, giá xăng được điều chỉnh giảm mạnh.
Cụ thể, xăng E5RON92: không cao hơn 21.759 đồng/lít (giảm 518 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 760 đồng/lít;
Xăng RON95-III: không cao hơn 22.519 đồng/lít (giảm 694 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 19.747 đồng/lít (giảm 90 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
Dầu hỏa: không cao hơn 19.931 đồng/lít (tăng 29 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 17.538 đồng/kg (tăng 25 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Tại kỳ điều hành này, không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần tăng, 9 lần giảm, 2 lần trái chiều.