Căn cứ tài liệu lịch sử và bản gia phả chữ Hán do Đức tổ Nguyễn Duy Bình (đời thứ 10) soạn vào năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 18 (1837), dịch sang chữ quốc ngữ năm 1987, bổ sung năm 1981, cho biết: dòng họ Nguyễn Duy sinh cơ lập nghiệp đã trên 500 năm tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc ngày nay. Thời Lê gọi là xã Đan Liên, phủ Thạch Hà, thời Nguyễn gọi là thôn Nha Kỳ, xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An.
Trong quá trình hình thành và phát triển trên 500 năm, dòng họ Nguyễn Duy đã cùng nhiều dòng họ khác đến vùng đất Trảo Nha này sinh cơ lập nghiệp và đã sinh ra cho quê hương dân tộc những người con ưu tú như: Tiến sỹ Nguyễn Nhân Hiếu, Hiệu sinh Nguyễn Thọ Diên, Tú tài Nguyễn Duy Phiên…
Di tích nhà thờ họ Nguyễn Duy là nơi thờ các nhân vật lịch sử thời Lê như Tiến sỹ Nguyễn Nhân Hiếu, Kiệt trung Tướng quân Nguyễn Thọ Diên và đặc biệt là danh nhân lịch sử thời Nguyễn "Bách tuế - Ngũ đại đồng đường" Tú tài Nguyễn Duy Phiên, những người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử đất nước.
Một giá trị độc đáo là tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy còn bảo tồn và lưu giữ được một số cổ vật hết sức quý giá và có giá trị lịch sử, đó là bức biển gỗ sơn son thiếp vàng có niên đại tuyệt đối vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và tấm bia có niên đại vào năm Tự Đức thứ 24 (1871) ngày 10 tháng 3. Đây là những hiện vật rất có giá trị minh chứng cho sự kiện lần đầu tiên trên quê hương Hà Tĩnh nói chung và dòng họ Nguyễn Duy nói riêng có một người thọ trên 100 tuổi và có 5 đời cùng chung sống trong một mái nhà "Bách tuế - Ngũ đại đồng đường".
Bức biển gỗ sơn son thiếp vàng |
Nội dung bức biển gỗ chữ vàng Vua ban cũng đã nói rõ: "Đặc biệt ban cho tấm biển này treo ở bản quán để biểu dương đời thăng bình thịnh vượng, người hưởng phúc lành". Đây là bằng chứng về việc "trọng xỉ" (tuổi tác) của cha ông ta ngày trước, mà hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang tổ chức hết sức chu đáo nhân dịp Tết đến xuân về hàng năm, gọi là "Lễ mừng thọ".
Nhà thờ họ Nguyễn Duy là nơi để con cháu trong dòng họ tri ân đến các bậc tiên tổ và cùng là nơi để nhân dân thờ phụng, tưởng nhớ đến những người có công đối với đất nước.