Đìu hiu thư viện huyện

(Baohatinh.vn) - Thư viện huyện là nơi các tầng lớp nhân dân được tiếp cận sách báo, trau dồi kiến thức, góp phần nâng cao dân trí. Tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều khó khăn nên các thư viện huyện hiện rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Nghèo sách, vắng khách...!

Nằm trong Trung tâm Văn hóa, Thư viện Thạch Hà được coi là có cơ sở vật chất tốt nhất với hệ thống giá sách, bàn ngồi, ánh sáng, diện tích đảm bảo. Tuy nhiên, một ngày có mặt tại đây, chúng tôi chỉ thấy 3-5 học sinh đến đọc truyện tranh và truy cập internet. Được biết, Thư viện Thạch Hà có số lượng đầu sách thuộc hàng tốp đầu của tỉnh với hơn 9.400 đầu sách các loại. Hầu hết sách ở đây chủ yếu là văn học và truyện tranh (chiếm 70%), còn lại 30% là sách nông nghiệp, y học…

Thư viện huyện dần trở nên vắng vẻ, đìu hiu do không hấp dẫn được bạn đọc.
Thư viện huyện dần trở nên vắng vẻ, đìu hiu do không hấp dẫn được bạn đọc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sách trong thư viện đều đã cũ, xuất bản từ khá lâu nên rất ít người tìm đọc. Chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ phụ trách thư viện cho biết: “Hàng năm, thư viện nhận từ nguồn sách mục tiêu quốc gia phân xuống là chủ yếu, số huyện bổ sung rất ít vì không có kinh phí”.

Hiện Thư viện Thạch Hà có khoảng 200 người làm thẻ đọc, tuy nhiên có tới 150 người đến mượn sách về xem, trong đó chủ yếu là truyện tranh. Số còn lại đến thư viện với mục đích truy cập internet.

Yếu kém nhất có lẽ là Thư viện Lộc Hà. Do huyện mới thành lập chưa lâu nên thư viện chưa có phòng đọc mà phải mượn 1 phòng học của Trường THCS xã Thạch Bằng (đã chuyển đi). Do trường được xây dựng khá lâu, không được sửa sang nên phòng ốc tồi tàn, ẩm thấp và mùa hè thì rất nóng bức. Cũng như các thư viện tuyến huyện khác, Thư viện Lộc Hà vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn sách của chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện thư viện có khoảng 3.000 đầu sách các loại, trong đó sách văn học và truyện chiếm nhiều nhất.

Theo chị Trần Thị Thủy, cán bộ phụ trách thư viện thì sách chủ yếu xuất bản từ 2007 trở về trước nên ít người tìm đọc. Hiện có khoảng 100 người làm thẻ đọc, trong đó chủ yếu là học sinh các cấp nhưng khi đến thư viện, các em đều truy cập internet chứ không mặn mà với việc đọc sách.

Tình cảnh của Thư viện Lộc Hà và Thạch Hà cũng chính là thực trạng chung của hầu hết các thư viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.

Yếu kém trong công tác chuyên môn

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thư viện huyện đìu hiu là do nguồn sách quá nghèo nàn và cũ. Thư viện là nơi cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân nên cần phải thường xuyên cập nhật, đổi mới, bổ sung nguồn sách. Tuy nhiên, hầu hết các thư viện cấp huyện chưa thực hiện được yêu cầu này bởi kinh phí ít và khi có, khi không.

Thư viện là nơi cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân nên cần phải thường xuyên cập nhật, đổi mới, bổ sung nguồn sách
Thư viện là nơi cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân nên cần phải thường xuyên cập nhật, đổi mới, bổ sung nguồn sách

Trong khi thư viện chưa đổi mới, tăng cường số lượng, chất lượng sách, báo thì công nghệ thông tin ngày càng bùng nổ, chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet là có thể thấy ngay vấn đề mình quan tâm. Các quán internet mọc lên nhan nhản ở các vùng nông thôn đã thu hút giới trẻ tìm đến tra cứu, cập nhật, hệ quả là họ ngày một xa rời thư viện.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Thư viện tỉnh, nguyên nhân căn bản nhất khiến các thư viện huyện đìu hiu, vắng khách vẫn là do sự yếu kém trong chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý thư viện. Bà Thúy lý giải: “Văn hóa đọc của giới trẻ không bao giờ bị mai một, vấn đề là mình có khơi dậy được hay không? Việc thư viện vắng khách là do đội ngũ cán bộ, nhân viên chưa làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá và trưng bày sách. Mỗi khi có sách về, bên cạnh trưng bày một cách hợp lý trong thư viện, khi bạn đọc đến thì nhanh chóng tư vấn, giới thiệu để khơi dậy trí tò mò, niềm đam mê. Vậy nhưng, các cán bộ thư viện lại để sách chất đống, hoặc nhanh chóng đánh mã số cất lên giá khiến cho sách mới dần trở thành sách cũ”.

Bà Thúy cho biết thêm, hầu hết cán bộ thư viện huyện khi về nhận nhiệm vụ, Thư viện tỉnh đều tổ chức đào tạo lại, đồng thời thường xuyên cử cán bộ bám sát để giúp đỡ trong việc sắp xếp, trưng bày sách.

Khơi dậy văn hóa đọc

Đổi mới một cách toàn diện hoạt động các thư viện là việc làm mang tính cấp thiết hiện nay. Trước hết, cần nâng cao chất lượng của thư viện trên mọi phương diện từ đội ngũ, cơ sở vật chất, số lượng, thể loại sách. Để làm được điều này rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương. Bởi hiện nay, nguồn ngân sách của huyện dành cho mảng thư viện còn rất nhỏ, thậm chí, nhiều huyện có năm không phân bổ khiến cho việc đầu tư mua sắm sách, tu sửa cơ sở vật chất gặp vô vàn khó khăn.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thúy thì cần hướng tới việc đưa mảng thư viện trở thành một bộ phận độc lập với các trung tâm văn hóa và chịu sự quản lý trực tiếp của các UBND huyện. Có như vậy thì nguồn ngân sách dành cho thư viện mới được cải thiện và thư viện cũng sẽ chủ động được kế hoạch phát triển văn hóa đọc và các hoạt động khác.

Cần có sự phối hợp giữa thư viện với các đoàn thể và ngành Giáo dục trong việc tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc thông qua các dịp lễ, ngày hội đọc sách nhằm tạo thói quen đọc sách cho giới trẻ trong gia đình, nhà trường, khơi dậy văn hóa đọc trong xã hội. Cần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện, đặc biệt là kỹ năng giới thiệu, quảng bá sách, đi kèm là chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm công tác; đẩy mạnh việc thực hiện đề án thư viện điện tử trong quản lý sách.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa công tác thư viện là một hướng đi tích cực và có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện. Cần khuyến khích nhân rộng các mô hình như: tủ sách dòng họ, tủ sách thôn xóm, nhà sách tư nhân ở cơ sở…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast