Bảo tàng bóng đá Hà Bôn & những kỷ vật độc nhất vô nhị

Cả tuổi thơ lăn lộn trên sân bóng Long Biên đã biến Hà Bôn, một chàng trai sinh ra ở phố cổ Hà Nội, thành thủ môn tài hoa trong thập niên 1950-1960.

Ảnh: Trung Kiên
Ảnh: Trung Kiên

Ngày ấy, ông Bôn nổi danh với những pha bắt bóng điệu nghệ cho dù tầm vóc nhỏ thó, chỉ cao…1m65. Tiếng tăm của ông vượt ra khỏi các sân bóng “phủi”, lọt vào mắt xanh của đội Sở Thuế vụ (hạng B). Và chỉ sau thời gian ngắn ở đội bóng này, ông tiếp tục đầu quân cho đội Đường Sắt (hạng A) và sau này tòng quân thi đấu cho Quân khu Việt Bắc, từng đọ sức với nhiều danh thủ lẫy lừng như Trần Duy Long, Tô Đình Phàn, Lê Thế Thọ…

Năm 1970, ông đột ngột chia tay sân cỏ về làm việc ở Bộ Ngoại giao, nhưng vẫn tham gia bóng đá, góp phần gây dựng đội bóng Bộ Ngoai giao thi đấu thành công ở các giải đấu phong trào. Và cũng từ môi trường này, ông Hà Bôn có cơ duyên kết giao với thủ môn huyền thoại Toni Schumacher (ĐT Tây Đức), người ký tặng ông tấm ảnh chân dung quý giá, đặt nền móng cho bộ sưu tập những kỷ vật bóng đá đồ sộ và độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Là người hiền lành, quảng giao, cộng thêm danh tiếng thời còn thi đấu, ông Hà Bôn có mối quan hệ khá rộng và thân thiết những người trong giới bóng đá, người hâm mộ ở trong và ngoài nước. Chính nhờ 2 yếu tố này, sau hơn nửa thế kỷ góp nhặt, ông đã sở hữu bộ sưu tập gồm hàng nghìn kỷ vật bóng đá phủ kín ngôi nhà 3 tầng ở phố Kim Mã (Hà Nội).
Trong “Bảo tàng Hà Bôn”, những trái bóng trải dọc hơn 60 bậc thang, được ông bọc nylon cẩn thận để tránh tổn hại chữ ký. Bóng đặt đầy trên nóc tủ, đầy kín trong bồn tắm và cả trong tủ bếp, hoặc lơ lửng dưới đèn chùm...

Đặc biệt, nhờ sự giúp sức của những người tâm huyết trong làng bóng, ông đã sưu tập được nhiều kỷ vật vô cùng quý hiếm như quả bóng ở trận ĐT nữ Việt Nam vô địch SEA Games 2009; ĐT U22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup 2008 và đặc biệt là trận ĐT Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Rồi quả bóng đá ở trận chung kết Asian Cup 2007; quả bóng kỷ niệm 100 năm thành lập FIFA... cũng lần lượt tìm đến ông.
Hà Bôn còn có bộ sưu tập áo đấu của rất nhiều cầu thủ. Những chiếc áo đấu đẫm mồ hôi được các thủ môn cấp CLB và ĐTQG, ĐT U23 ký tên ngay sau trận đấu và gửi đến kho tàng. Chưa kể đến hàng chục chiếc găng tay thủ môn trứ danh, vô số cờ lưu niệm, khăn cổ động, kỷ niệm chương, đồ lưu niệm, và cả bộ sưu tập rượu bóng đá.

Ngoài ra, Hà Bôn còn công phu lưu giữ được bộ ảnh chụp các sự kiện bóng đá quan trọng và chân dung nhiều danh thủ, tạo ra một môi trường bảo tồn những dấu mốc lịch sử bóng đá Việt Nam từ thuở sơ khai cho đến bây giờ. Phải nói ở ông có chữ Duyên nên mới hội tụ được những báu vật vô giá đó.
Và cộng thêm cả chữ Tâm với bóng đá Việt Nam, Hà Bôn đã được giới bóng đá hiện thời rất kính nể, và đồng lòng gọi ông là “Bác Cả”. Nhà của ông giờ là điểm hội tụ của giới đam mê bóng đá, từ ông thông gia Mai Đức Chung, ông Hải “lơ”, cựu danh thủ Ba Đẻn, Công Vinh… đến những CĐV bình thường.

Tâm sự với người viết, Hà Bôn nói rằng những điều ông làm chỉ đơn giản là lưu giữ lại những kỷ vật bóng đá, của mọi giới, từ những người chơi phong trào cho tới các ngôi sao sân cỏ. Ngôi nhà ấm cúng của ông vẫn tiếp tục đón nhận những bóng, cúp, cờ, áo, găng…

Tiếp tục sưu tầm và bảo tồn những kỷ vật bóng đá là tâm nguyện lớn nhất của “Bác Cả”. Ngồi giữa những quả bóng lịch sử, ông nguyện ước: “Xuân 2014 này là tôi tròn 77 tuổi. Chỉ mong sao vẫn khỏe mạnh để tiếp tục phát triển bộ sưu tập”. Đó là một nguyện ước cao đẹp của người giữ hồn cho bóng đá Việt Nam.

Hải An

Nguồn: Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast