Giỗ Tổ Hùng Vương - nét độc đáo văn hóa Việt

(Baohatinh.vn) - Trong đời sống tâm linh của người Việt, Vua Hùng có một vị trí đặc biệt quan trọng. Dân ta tôn vinh các Vua Hùng là tổ tiên khai sáng quốc gia dân tộc, vì vậy, giỗ Tổ Hùng Vương là lễ trọng đại, trở thành ngày Quốc giỗ của dân tộc Việt Nam. Dù sinh sống ở nơi đâu, đã là người Việt đều nhớ ngày giỗ Tổ...

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ xa xưa cho đến hôm nay đã được hình thành, tồn tại và phát triển hết sức đa dạng ở muôn nơi trên đất nước Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là tín ngưỡng này đã có sức sống và in sâu vào tâm thức mỗi con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Giỗ Tổ Hùng Vương - nét độc đáo văn hóa Việt ảnh 1

Truyền thống xưa độc đáo của người Việt là tục thờ gia tiên ở mỗi gia đình để con cháu truyền mãi công đức tổ tiên, ông cha; là mở hội làng để tưởng nhớ những vị thành hoàng làm phúc cho dân. Cũng độc đáo và kỳ diệu là làng xóm nào, gia đình nào, người dân nào cũng thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Truyền thống ấy đang được kế thừa và vun đắp, là tình cảm thiêng liêng mà trong sáng, là văn hóa tinh thần luôn tiềm ẩn và trở thành sức mạnh vô biên. Ý nghĩa đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ý thức “Uống nước nhớ nguồn”. Nguồn cội gia đình - làng - nước - tổ tiên các Vua Hùng là cội nguồn có thật, không phải là một đấng, một sức mạnh siêu nhiên.

Thời đại các Vua Hùng là thời đại văn minh mở nước, dựng nước - văn minh sông Hồng, văn minh Việt cổ. Sức mạnh văn hóa vật chất - văn hóa tinh thần của thời đại các Vua Hùng tạo nền tảng cho nước Việt, văn hóa Việt trường tồn. Vượt qua mọi thử thách cam go, khốc liệt suốt chiều dài lịch sử, nhân dân ta đã tạo dựng nên cơ đồ Việt Nam hôm nay, tạo dựng giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc và bản lĩnh, đặc biệt là một tấm lòng sắt son, một niềm tin kiên định ở chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, để Việt Nam vững vàng bước vào thời kỳ CNH-HĐH.

Nhân dân phường Đậu Liêu mừng lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương

Nhân dân phường Đậu Liêu mừng lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương

Tháng 12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Theo đánh giá của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cụ thể, hồ sơ “Tín ngưỡng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và khi được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Như vậy, không chỉ người Việt tôn kính, tự hào về Đền Hùng mà bạn bè, nhân dân tiến bộ trên thế giới cũng tìm thấy ở đây những giá trị tâm linh to lớn. Những dòng lưu bút của các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Đền Hùng làm chúng ta thật sự xúc động. Nhiều người của các dân tộc khác cũng thừa nhận: Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam, là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam; là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không chỉ bộc lộ niềm tin tưởng, kính trọng đối với cội nguồn dân tộc mà còn là tinh thần yêu nước, là ý thức tự hào dân tộc sâu xa. Công nhận lễ hội Đền Hùng là di sản văn hóa thế giới, UNESCO đã đề cao tinh thần yêu nước của các dân tộc, muốn nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân loại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast