Bình yên An Xá

Hòa vào dòng người đổ về thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong những ngày tang lễ, lòng chúng tôi rưng rưng nỗi niềm xúc động...

Từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy, con đường bê tông uốn luộn theo dòng sông Kiến Giang đưa chúng tôi qua làng Đại Phong, xã Phong Thủy, địa danh nổi tiếng một thời trong 4 điển hình: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, trống Bắc Lý, cờ Ba nhất", xuôi về An Xá.

Con sông Kiến Giang (một trong hai phụ lưu lớn của sông Nhật Lệ) và một nhánh của con sông đào thân thương ôm ấp làng An Xá từ hàng trăm năm nay. Với chiều dài gần 60 km, Kiến Giang là dòng sông của điệu hò khoan Lệ Thủy, hàng năm vào ngày 2 tháng 9 có hội đua thuyền nổi tiếng. Không chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam như hầu hết các con sông ở Việt Nam, dòng Kiến Giang chảy theo hướng Đông Bắc nên còn được gọi là “nghịch hà”.

Chiều thu, ánh nắng vàng hươm nhuộm lên làng quê và mặt sông lấp loáng. Hai bên bờ có nhiều bến sông xây bằng bê tông, những phụ nữ ra sông giặt áo, vài con thuyền nằm ngủ dưới bóng những hàng tre xanh đang soi tóc xuống dòng sông. Khung cảnh thật bình yên như tên gọi của làng: An Xá. Sau mỗi mùa lụt, dòng Kiến Giang lại chở mang phù sa bổi đắp chơ bờ bãi cũng như quê hương đã bồi đắp cho tâm hồn tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Gáp bao phù sa của phẩm chất và trí tuệ.

Đượi gọi là "nghịch hà" nhưng dòng Kiến Giang mang một vẻ đẹp nên thơ...

Đượi gọi là "nghịch hà" nhưng dòng Kiến Giang mang một vẻ đẹp nên thơ...

Nơi đây, ngày 25-8-1911 đã sinh ra một người con mà sau này với tài đức của mình đã làm nên trang sử đánh giặc của dân tộc thế kỷ XX, như Giáo sư Vũ Khiêu đã từng ca ngợi: "Võ công truyền quốc sử, văn đức quán nhân tâm".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con trai của ông Võ Quang Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kiên. Ông Nghiêm vốn là một nhà nho nghèo giàu lòng yêu nước, thông minh nhưng nhiều lần thi không đỗ, ông ở nhà học làm nghề cắt thuốc bắc. Bà Kiên làm ruộng và phụ giúp chồng nuôi con.

... và là dòng sông của điệu hò khoan Lệ Thủy

... và là dòng sông của điệu hò khoan Lệ Thủy

Võ Nguyên Giáp có tư chất đặc biệt lại chăm học và đọc sách. Người dân còn lưu truyền câu chuyện cách đây gần 1 thế kỷ, cậu học trò Võ Nguyên Giáp thường ra cây khế sau vườn nhà ngồi đọc sách rồi tập hợp nhiều bạn cùng đọc. Thuở đi học trường làng, ông là học giỏi nhất trường.

Bà Đỗ thị Kim Thái (70 tuổi), cháu gọi Tướng Giáp bằng ông cậu, kể: "Năm 15 tuổi, ông vào Huế học, sau đó tham gia hoạt động cách mạng. Thực dân Pháp biết ông Nghiêm là bố của Võ Nguyên Giáp nên đã bắt ông vào giam ở nhà lao Thừa Phủ Huế. Chúng tra khảo: “Ông đẻ ra mà không dạy được con, giờ nó đang ở đâu?”. Ông Nghiêm trả lời: “Tui đẻ hắn ra, chưa kịp dạy thì hắn đã đi, giờ các ông bắt được thì đưa về tui dạy”. Chúng đánh ông Nghiêm đến chết rồi mang xác đi thủ tiêu. May sao, một ngườ dân biết đó là thi hài của bố Võ Nguyên Giáp liền đánh dấu nơi chôn ông rồi báo cho gia đình. Sau này mộ của ông được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ Lệ Thủy".

Cây khế trên trăm năm tuổi trong vườn nhà, như chứng nhân lịch sử, gắn bó với bao kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng.

Cây khế trên trăm năm tuổi trong vườn nhà, như chứng nhân lịch sử, gắn bó với bao kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng.

Mang nặng nghĩa sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, thấm thía tình quê hương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết tâm học hành và sau này khi đang là giáo viên dạy Sử, được Bác Hồ phân công phụ trách Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Tổng tư lệnh quân đội, ông đã mang hết tài trí, tâm sức chỉ huy quân đội đánh thắng thực dân Pháp và đề quốc Mỹ, mang lại hòa bình cho non sông đất nước và cũng trả lại vẻ đẹp thanh bình cho An Xá.

Xa quê dằng dặc, ông luôn giữ trong mình nỗi nhớ tình thương với quê hương. Ông mong muốn lưu giữ lại hình ảnh ngôi nhà thuở ấu thơ. Ông dặn: Ngôi nhà cha mạ ngày xưa ở như thế nào thì cứ giữ nguyên hình dáng như thế". Ngôi nhà cũ bị cháy do chiến tranh, đến năm 1977, nhà mới được trùng tu phục dựng như bây giờ. Hàng rào râm bụt, mảnh sân hẹp, những bậc tam cấp thấp đều bình thường, giản dị như những ngôi nhà Việt Nam đầu thế kỷ. Ngôi nhà chính ba gian, thưng gỗ, kèo vì, cột đều bằng gỗ, lợp ngói. Ngôi nhà ngang lợp mái tranh, tường đất. Tất cả đều gợi những cảm xúc thân thương. Tuổi ấu thơ Người đã sống ở đây trong bối cảnh đất nước còn nô lệ lầm than… Bến nước còn đó, cây khế trăm năm còn đây nhưng Người đã mãi mãi đi xa. Bà con xóm giềng kể lại: Những lần về thăm quê, ông đi thăm hỏi từng gia đình, cho con trẻ bánh kẹo, dặn dò Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Từ khi hay tin Đại tướng từ trần, rất nhiều người dân đến chùa An Xá - di tích lịch sử cấp quốc gia, cầu nguyện cho Người được yên giấc nơi cõi vĩnh hằng và phù hộ cho quốc thái, dân an.

Từ khi hay tin Đại tướng từ trần, rất nhiều người dân đến chùa An Xá - di tích lịch sử cấp quốc gia, cầu nguyện cho Người được yên giấc nơi cõi vĩnh hằng và phù hộ cho quốc thái, dân an.

Biết tin người anh con cậu mất, bà Nguyễn Thị Mỵ, 86 tuổi sống ở làng bên cạnh về chịu tang cho Đại tướng. Bà bùi ngủi kể: "Lúc còn nhỏ, cha mẹ tui chết sớm, tui về ở ngôi nhà của ông ngoại sát nhà anh Giáp. Anh hay hỏi han tui. Sau này anh đi hoạt động cách mạng, có lần về quê, anh đưa tui lên huyện chơi một buổi, mua quà cho tui mang về cho các cháu. Biết tin anh mất tui đau buồn lắm. Các gia đình trong họ đều lập bàn thờ anh".

Không chỉ riêng bà Mỵ, các cháu học sinh ở An Xá, Lệ Thủy tuy chưa một lần được gặp Bác Giáp cũng buồn nhớ và tiếc thương xen lẫn từ hào vì quê hương đã sinh ra một người con anh hùng. Em Trần Thị Như, học sinh trường Kỹ thuật Lệ Thủy tâm sự: "Biết tin Bác mất, chúng cháu rất buồn, cả nhà cháu đều đến đây viếng Bác. Cháu rất tự hào vì quê hương có một người như Bác". Có một điều rất lạ là ở ngôi chùa An Xá gần đó có một cây dừa hai ngọn đã mọc từ trăm năm nay. Đây là cây dừa rất hiếm ở khắp đất nước Việt Nam và gắn với nhiều cây chuyện thú vị. Theo dân làng, hai ngọn cây dừa vươn cao dưới trời xanh tạo thành hình chữ V, biểu trưng cho Văn - Võ, là chính anh Văn của làng đã làm nên võ công và văn đức cho đất nước.

Theo người dân An Xá, cây dừa hai ngọn vươn cao dưới trời xanh tạo thành hình chữ V, chính là anh Văn - Võ Nguyên Giáp của làng, đã làm nên võ công và văn đức cho đất nước.

Theo người dân An Xá, cây dừa hai ngọn vươn cao dưới trời xanh tạo thành hình chữ V, chính là anh Văn - Võ Nguyên Giáp của làng, đã làm nên võ công và văn đức cho đất nước.

Về Lộc Thủy lần này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến tình cảm của người dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung đối với mảnh đất đã sinh ra người con ưu tú của đất nước. Từ một tuần nay, từ khi bác Giáp mất đến 3h chiều ngày 12/10, đã có 2.000 đoàn khách đến thăm viếng thăm khu nhà với khoảng trên 20.000 người. Và khi xe chúng tôi rời làng trong không gian thu man mác, những đoàn xe vẫn nối đuôi nhau về lại An Xá.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con anh hùng và thân thiết của quê hương đã đi về thế giới người hiền, nơi có Bác Hồ và các vị lãnh tụ, các anh hùng liệt sỹ của đất nước nhưng tâm hồn tình cảm, những tài sản tinh thần quý giá mà Bác để lại cho đất nước quê hương thì vẫn còn sống mãi. Đất nước Việt Nam, quê hương An Xá mãi lưu truyền hình ảnh và những câu chuyện về Người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast