Đúng ngày vui, ông Hỷ nghỉ!

SEA Games không chỉ là ngày vui với giới thể thao trong nước mà cả với làng cầu nội, bởi ở đó còn 1 giấc mơ Vàng dang dở dài đến nửa thế kỷ, dù... cứ 2 năm, lại mơ 1 lần! SEA Games 27 đang diễn ra tại Myanmar không là ngoại lệ. Nhưng đúng lúc ngày vui ấy bắt đầu, bóng đá Việt chứng kiến cuộc biến động lớn ở thượng tầng: Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tuyên bố nghỉ. Một cuộc biến động cũng được xếp vào hàng “lịch sử”.

Con người của những kỷ lục

Năm 1960, Hội bóng đá Việt Nam (VFA) ra đời. Năm 1964, FIFA và AFC chính thức công nhận Việt Nam là thành viên chính thức, nhưng rồi cũng phải tới tháng 8/1989, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mới chính thức được thành lập với Đại hội lần thứ nhất. Tính cho đến nay, VFF mới chỉ chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ VI, nhưng ít ai nhớ, tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam này đã có tới 9 đời Chủ tịch, lẫn quyền Chủ tịch (tính cả Quyền Chủ tịch khóa VI Lê Hùng Dũng hiện nay) và trong số những "ông chủ" của ngôi nhà VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ chính là người vẫn nắm giữ... nhiều kỷ lục nhất!

Kỷ lục đầu tiên và cũng dễ nhận thấy nhất khi ông Hỷ là vị Chủ tịch... lâu nhất so với những người tiền nhiệm, kéo dài từ Đại hội VFF khóa V (tháng 6/2005) đến vượt qua cả thời gian của khóa VI (tháng 12/2013). Bên cạnh đó, trong số các vị Chủ tịch VFF, ông Hỷ cũng là người duy nhất đắc cử (tái) khi đã nghỉ hưu (Đại hội VI vào tháng 10/2009).

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (phải) từ nhiệm, nhường lại vị trí cho Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng. Ảnh: V.S.I
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (phải) từ nhiệm, nhường lại vị trí cho Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng. Ảnh: V.S.I

Không chỉ có vậy, trong thời gian ông ở cương vị "ông chủ" của ngôi nhà VFF, Liên đoàn này cũng "giữ" nhiều kỷ lục mà xem ra khó phá như: Bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp hóa và nhanh chóng nâng cao vị thế; đội tuyển nam quốc gia đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2008, lọt vào tứ kết Asian Cup và bóng đá nam đạt tới tầm khu vực; đội tuyển nữ được hình thành và sớm trở thành bà hoàng của bóng đá nữ Đông Nam Á để vươn tới tầm châu lục và áp sát mục tiêu dự World Cup đầu tiên.. Hệ thống thi đấu trong nước, quốc tế hình thành, ổn định. Tổ chức, bộ máy, lẫn cơ ngơi của Liên đoàn được kiện toàn hơn, hoành tráng hơn...

Vào nhiệm kỳ cuối của ông, có thêm một bước chuyển nữa của bóng đá nội khi Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam ra đời, mà thực chất là cuộc san sẻ quyền lực của Liên đoàn (cả ông) với các ông bầu bóng đá.

Cuối cùng, dù không phải là vị Chủ tịch VFF đầu tiên từ nhiệm, nhưng ông Nguyễn Trọng Hỷ là vị Chủ tịch duy nhất đến nay chia tay vì lý do sức khỏe! mà lại chia tay ngay trước thềm trận đánh lớn của bóng đá Việt Nam - SEA Games 27.

Con người của những tranh cãi

Nắm trong tay những kỷ lục "vô tiền, khoáng hậu" như thế, nhưng 8 năm ngồi trên ghế Chủ tịch của ông Hỷ cũng không phải là quãng đường trải đầy hoa. Không thể phủ nhận, đây là thời gian khởi sắc của nền kinh tế trong nước, những dòng tiền tỷ ào ạt đổ vào sân cỏ làm thay đổi toàn bộ đời sống bóng đá và cơ sở quan trọng để bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều hơn những thành công, để nâng cao hơn vị thế chuyên môn của mình, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của xã hội.Tuy nhiên, mặt trái của sự thay đổi đó lại chính là sức ép đè lên VFF - tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam và đương nhiên, với chức danh Chủ tịch, ông Hỷ phải đối diện với sức ép đó. Và một trong những sức ép lớn nhất mà vị cựu Chủ tịch này phải đối mặt trong suốt thời gian tại vị lại chính là cuộc đời hoạt động thể thao của mình.

Học Đại học TDTT rồi về công tác tại Trường, sau đó là Tổng cục TDTT, kinh qua nhiều chức danh từ TTK Liên đoàn bóng rổ tới Phó TBT báo TTVN, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (còn gọi là Vụ các môn bóng), tới chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT và Chủ tịch VFF, nếu xét về đường "quan lộ" ít nhân vật nào trong giới thể thao thuận lợi đến thế. Cái yếu tố thuận lợi bắt nguồn từ tính cách khá hiền lành và cũng chính nó đưa ông đến ngôi nhà VFF khi ấy vốn được coi là cái "sân sau" của ngành thể thao.

Vậy nhưng, cũng chính cái tính cách và con đường "quan lộ" ấy lại trở thành yếu điểm của ông mỗi khi bóng đá Việt có chuyện. Từ việc hơn cả chục năm chữ chuyên vẫn chưa tròn, đến những thất bại của đội tuyển quốc gia, thậm chí cả chuyện bán độ, tiêu cực, đánh nhau trên sân... tuốt tuồn tuột, VFF với ông Hỷ là Chủ tịch bị quy trách nhiệm về năng lực quản lý, điều hành chuyên môn.

Quãng thời gian gắn với bóng rổ, môn thể thao chưa thực sự phát triển của ông cũng là đề tài đàm tiếu, bình luận khi nó được đặt cạnh bóng đá mỗi khi có scandale xảy ra. Đó là chưa nói đến cái bản tính hiền lành, khiến vị Chủ tịch này theo nhận xét của nhiều người còn thiếu về cái uy với nhiều đời Chủ tịch trước. Chưa kể những phát ngôn khá hớ hênh mà báo chí trong nước chẳng thiếu lần "khai thác" triệt để.

Ông Hỷ nghỉ, để lại ghế cho người Phó của mình, ông Lê Hùng Dũng. Những đóng góp của cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ với bóng đá Việt Nam trong 8 năm qua, có lẽ cần phải có thời gian để đánh giá những gì được mất. Nhưng vẫn cần phải nói lời cảm ơn, sau lời chia tay của ông Hỷ, bởi chí ít, sự thay đổi ở thượng tầng này cùng Đại hội khóa VII sắp diễn ra được kỳ vọng mang đến sự thay đổi lớn hơn nữa cho bóng đá Việt Nam.

Những cột mốc đáng chú ý của ông Nguyễn Trọng Hỷ

- Sinh ngày17-10-1947.

Quê quán: Quảng Ninh

- Từ 9-1968 đến 9-1971: học Đại học TDTT

Từ 9-1971 đến 12-1975: đi bộ đội

Từ 1976 đến 1990: công tác tại Trường Đạt học TDTT - Từ 1990: công tác tại Tổng cục Thể dục thể thao

Từ tháng 12-1997 đến tháng 12-1998: Phó Tổng biên tập Báo Thể thao Việt Nam.

Từ tháng 1-1999 đến tháng 6/2002: Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II.

Từ tháng 7-2002 được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT.

Ngày 2-6-2005 được bầu làm Chủ tịch LĐBĐVN khoá V.

Ngày 15-10-2009 tái đắc cử chức danh Chủ tịch LĐBĐVN khoá VI

Ngày 5-12-2013 thôi chức Chủ tịch trước nhiệm kỳ với lý do sức khỏe.

Vũ Minh

Nguồn: TT&VH cuối tuần

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast