Thưởng, khóc và bóng đá Việt

(Baohatinh.vn) - Hễ thắng, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam kiểu gì cũng được thưởng. Hễ thua, cổ động viên (CĐV) bóng đá Việt, nhất là những CĐV khả ái, kiểu gì cũng khóc.

Sau trận thắng 2-1 trước Malaisia trong trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014 diễn ra trên đất bạn, VFF đã quyết định thưởng đội tuyển Việt Nam 2 tỷ đồng. Thưởng với bóng đá Việt là chuyện thường xuyên diễn ra, thậm chí nhiều người xem đó là hành động đẹp, thể hiện tình yêu đội tuyển, khích lệ tinh thần thi đấu, nhất là những trận đấu hay như vừa rồi. Chính từ tâm lý này mà có nhiều tập thể, cá nhân ưa chuộng việc bỏ tiền ra để thưởng. Hẳn nhiên, người thưởng sẽ cảm thấy nở mày nở mặt với hành động hoàn toàn … từ thiện (dĩ nhiên, truyền thông chẳng dễ bỏ qua sự kiện này).

Cầu thủ Việt Nam rơi lệ khi đội nhà dừng bước ở bán kết dù có lợi thế rất lớn với chiến thắng 2-1 ở trận lượt đi và được chơi trên sân nhà trong trận lượt về. Tuy nhiên, ĐT Việt Nam lại để thua chung cuộc 4-5. (Ảnh: Zing.vn)

Cầu thủ Việt Nam rơi lệ khi đội nhà dừng bước ở bán kết dù có lợi thế rất lớn với chiến thắng 2-1 ở trận lượt đi và được chơi trên sân nhà trong trận lượt về. Tuy nhiên, ĐT Việt Nam lại để thua chung cuộc 4-5. (Ảnh: Zing.vn)

Không phủ nhận tình cảm của những tập thể, cá nhân bỏ kinh phí của mình thưởng đội tuyển. Nhưng, chuyện được nhận thưởng khá dễ dàng (cứ thắng là có thưởng) liệu có làm những đôi chân bám hời hợt vào mặt cỏ!

Men say chiến thắng, khí thế hào sảng là trạng thái tâm lý phổ biến của cầu thủ khi nhận quà, nhất là sau những trận đấu đã cống hiến hết mình. Chính trạng thái tâm lý ấy đã ít nhiều làm nảy sinh hệ quả: cầu thủ thiếu phân tích về cách thi đấu, thiếu sự nhìn nhận các sai lầm, các tình huống cụ thể dầu là chúng ta thắng trận.

Việc thưởng tác động tới tâm lý cầu thủ là có thật. Chẳng thế mà sau thất bại trước Malaysia, có phóng viên đã hỏi HLV Miura: “Liệu VFF không treo thưởng trước trận đấu đã ảnh hưởng đến tâm lý các cầu thủ?”.

Đó là chưa nói, trong khi đội tuyển bóng đá nam nhận được nhiều ưu ái thì đội tuyển bóng đá nữ lại quá nhiều thiệt thòi, thậm chí một số cầu thủ phải tiết kiệm từng khoản chi mới mua nổi đôi giày thi đấu.

Thắng thì thưởng, thua thì khóc. Khóc cũng là cách thể hiện tình yêu đội tuyển. Trận thua bạc nhược 2 – 4 trước Malaysia hôm qua, thực ra là đã tan nát từ hiệp 1 khi để đội bạn chọc thủng lưới 4 bàn. Có gì để tiếc nuối? Tiếc nuối vì hàng thủ mơ ngủ? Tiếc nuối vì chỉ cần… 2 bàn trong 10 phút là chúng ta vào vòng trong?

Với tâm lý một CĐV, tôi không hề chê bai, quay lưng với đội tuyển nhưng cũng chẳng mặn mà với những giọt nước mắt rơi sai thời điểm. Khóc là cần nhưng khóc phải tỉnh táo. Vì thế, xin đừng khóc cho những trận đấu tồi.

Thưởng và khóc dầu khác nhau nhưng đều là tình yêu với bóng đá Việt. Thưởng rất cần nhưng cần hơn ở những thời điểm phù hợp. Khóc rất cần nhưng cần hơn khi thực tế trên sân tự nói lên sự tiếc nuối.

Các hành động xuất hiện ở thời điểm chưa phù hợp không những không đem lại hiệu quả mong muốn, mà còn xuất hiện các … “tác dụng phụ”.

Chủ đề Tuyển Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast