Thể thao Việt Nam và SEA Games 2011: Trở về vạch xuất phát!?

Một năm mà chỉ có SEA Games là đáng kể nhất, nhưng với thể thao Việt Nam (TTVN), cái sân chơi này bắt đầu không còn là mục tiêu chính kể từ sau thất bại cay đắng tại Á vận hội 2010. Chính sự thay đổi có vẻ như quá nhanh này đã đặt ra câu hỏi - phải chăng SEA Games tới sẽ là điểm xuất phát mới trên con đường phát triển của TTVN?

1. Chẳng cần phải nhắc lại thất bại mang tên Asian Games 16 dù dư chấn của nó là không hề nhỏ và sẽ còn kéo dài. Nhưng rõ ràng, chính thất bại ấy đã làm bục ra toàn bộ sự yếu kém của cả một nền thể thao quốc gia. Chẳng phải là vô lý mà ngay sau khi “vỡ chỉ tiêu vàng” trên đất Quảng Châu, thì bản Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020 đã được những nhà quản lý “điều chỉnh gấp”, theo hướng bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, thay vì mãi “đi tắt, đón đầu” để chạy theo ánh hào quang giả.

Sự thay đổi lớn nhất trong chiến lược mới, đó chính là việc ngành TDTT không còn đặt ra mục tiêu cụ thể tại SEA Games, hay nói đúng hơn - đấu trường khu vực chỉ còn là bàn đạp nhằm tiệm cận mới mặt bằng châu lục, thế giới thông qua sự phát triển mang tính bền vững từ các môn thể thao cơ bản nhất. Đó là sự thay đổi rất lớn về mặt chiến lược của TTVN và trên lý thuyết, là bước đi mang tính tất yếu. Tuy nhiên, để có thể thành công thì vẫn còn là câu chuyện dài mà SEA Games 26 tới tại Indonesia chính là lời kiểm chứng đầu tiên.

Nhiệm vụ giành cho U23 VN là đổi màu bạc thành vàng ở SEA Games 26

Nhiệm vụ giành cho U23 VN là đổi màu bạc thành vàng ở SEA Games 26

Thực tế là ngay cả khi không còn coi trọng, thì TTVN vẫn đủ sức đứng trong tốp đầu của SEA Games - cái sân chơi vốn giống như cái “hội làng” xưa nay vốn phù hợp với tầm của thể thao Việt. Hơn thế, trong một năm mà có quá ít cuộc đấu lớn ở tầm đỉnh cao, cũng chẳng thể phủ nhận sức cạnh tranh, tính cọ xát tại sân chơi khu vực, nơi mà chưa hẳn toàn bộ các môn của TTVN đã đủ sức đứng trên ngôi đầu. Không đặt mục tiêu về thứ hạng bằng mọi cách, nhưng cũng không có nghĩa là thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết nhất từ lực lượng đến chuyên môn cho SEA Games kỳ này. Vấn đề đặt ra ở đây là TTVN sẽ tiếp cận với cái đấu trường quen thuộc kia thế nào để nó thực sự trở thành bàn đạp? Vấn đề chẳng hề là sớm khi đặt ra ngay từ thời điểm này.

2. Và nhắc đến SEA Games thì không thể không nhắc đến bóng đá, khi ở đây còn có một giấc mơ vàng khác còn dang dở suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ. Thậm chí, vào thời điểm hiện tại nó không chỉ là nỗi đau của hàng triệu trái tim người hâm mộ mà cả với Calisto, vị thuyền trưởng trên con tàu đang gặp nhiều sóng gió của bóng đá Việt Nam.

2 năm trước tại Vientiane (Lào), lứa U23 do chính Calisto dẫn dắt đã đi một mạch vào đến trận chung kết SEA Games 25 để rồi chưa bao giờ giấc mơ vàng lại gần đến thế khi đối thủ chỉ là “bại tướng” cũ Malaysia, nhưng chung cuộc chỉ là trận thua thật bẽ bàng. Cũng như thế là với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, đội bóng đang “chìm nghỉm” trong cuộc khủng hoảng từ lực lượng đến chuyên môn kể từ sau ngôi Hậu tại SEA Games 2009. Vẫn còn quãng thời gian dài để chuẩn bị, tuy nhiên, nếu nhìn vào khoảng trống mà hàng loạt trụ cột để lại sau lời chia tay, nhìn vào cái cảnh quan tâm, đầu tư kiểu “thời vụ” của VFF cho bóng đá nữ và nhìn cả vào cuộc ẩu đả của những cô gái đá bóng ngay trên sân Thống Nhất trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc vào cuối năm vừa rồi, thì e là khó để nghĩ đến ngôi Hậu 1 lần nữa.

1 năm có SEA Games và TTVN có thể “quên” chuyện thứ hạng, nhưng với bóng đá thì không thể quên. Đơn giản, với TTVN, bóng đá vẫn cứ là số 1 theo đủ nghĩa của con số này. Nghĩa là, mục tiêu lớn nhất của cả nền TTVN trong năm 2011 là tấm HCV bóng đá ở SEA Games!

Theo Thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast