Thành phố Hà Tĩnh: 20 năm xây dựng làng xã văn hóa

Thành phố Hà Tĩnh hiện có 16 phường xã, 161 xóm phố, 26.057 hộ với tổng số dân là 87.186 người. 20 năm qua cùng với những thành quả trong việc thực hiện các chủ trương nghị quyết các cấp, giữ vững ổn định chính trị, QPAN, phát triển KT – XH thì việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng làng xã văn hóa đã đạt nhiều kết quả tốt, tạo sức mạnh tổng hợp để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cổng làng văn hóa. Ảnh: internet
Cổng làng văn hóa. Ảnh: internet

20 năm qua, nhờ công tác triển khai được tiến hành nghiêm túc, kịp thời, đúng ý Đảng, hợp lòng dân nên việc xây dựng làng xã văn hóa đã được nhân dân hưởng ứng trên diện rộng và ở trên lĩnh vực nào cũng có những kết quả rất khả quan. Xây dựng tư tưởng chính trị vững mạnh luôn là công tác được các cấp ủy Đảng, chính quyền coi trọng và hết sức quan tâm. Công tác này đã được cụ thể hóa bằng cách gắn với các phong trào cụ thể như: “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, “Người tốt việc tốt”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… đặc biệt là hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”…

Từ trong những phong trào cụ thể đó đã nổi lên những cơ quan, đơn vị, làng, xã, gia đình tiêu biểu góp phần nâng cao số lượng làng xã đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đồng thời từ tưởng của cán bộ, đảng viên hết sức ổn định, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đã có hàng trăm điển hình tiên tiến, tạo ra các điểm sáng văn hóa, các mô hình, mẫu hình xóm phố văn hóa có sức thuyết phục để nhân rộng phong trào, điển hình như: Khối phố 3 (Nam Hà) đã được công nhận là khối phố văn hóa cấp tỉnh, các gia đình: Lê Văn Tùng (KHối 10 – Bắc Hà), Bùi Xuân Cần (Khối 9 – Trần Phú)…

Xác định rõ, xây dựng đời sống văn hóa có mối quan hệ mật thiết với việc phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo nên trong suốt 20 năm qua, lãnh đạo, chính quyền Thành phố đã rất chú trọng phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Bằng những hoạt động thiết thực đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ở các khu dân cư. Qua đó, các phong trào như: giúp nhau làm kinh tế gia đình, thanh niên lập nghiệp, giỏi việc nước đảm việc nhà, xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở… phát triển rất mạnh mẽ làm cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, khẳng định được tính nhân văn trong các chính sách xã hội.

Thời gian qua, TP đã tập trung cao cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển, chấn chỉnh kỷ cương đô thị tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của TP đạt 12- 16%, thu nhập bình quân đầu người gần 10 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% (năm 1999) xuống còn 4, 05% (cùng kỳ năm 2008). Hiện nay có hơn 100 tỷ đồng nguồn vốn do các đoàn thể quản lý, giải quyết cho hàng chục nghìn lượt đoàn viên, hội viên được vay để phát triển ngành nghề, nâng cao kinh tế gia đình… Nhờ đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy nhanh, tiến trình đô thị hóa ngày càng khẩn trương khoảng cách kinh tế và văn hóa của người dân nội và ngoại thành đang dần thu hẹp.

Dấu xưa. Ảnh: Lê Mỹ Hóa
Dấu xưa. Ảnh: Lê Mỹ Hóa

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tập trung sâu vào việc củng cố xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại các gia đình cũng như các cộng đồng dân cư, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong quần chúng nhân dân. Tính đến năm 2008 có 80,38 % hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 63% làng, xóm, khối phố văn hóa, 4 phường, xã được công nhận phường, xã văn hóa và 49 cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đóng trên địa bàn. Từ năm 2000 đến nay, 100% xóm phố xây dựng xong hương ước, quy ước được phê duyệt và triển khai thực hiện có nề nếp, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nội dung các hương ước, quy ước cũng liên tục được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình xã hội cụ thể. Đây là việc làm hết sức thiết thực vì nhờ đó qui chế dân chủ được thực hiện tốt, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhân dân cũng hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm công dân của mình, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội. TP cũng tích cực đẩy mạnh phát huy tác dụng của các tổ liên gia trong việc giữ gìn, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn, một số xóm, phố đã làm rất tốt việc này như: Khối 5 (Tân Giang), khối 5, 6 (Bắc Hà), khối phố Linh Tân, Vĩnh Hòa (Thạch Linh), Liên Hà (Thạch Hạ) v.v… Phong trào tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã có mô hình tự quản cộng đồng, trực tiếp kiểm tra, phát hiện đấu tranh loại bỏ những tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Lễ rước bằng Di tích văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: LMH
Lễ rước bằng Di tích văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: LMH

Cùng với những chuyển biến trong chất lượng cuộc sống, phong trào xây dựng làng xã văn hóa còn chú trọng đến việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp làm cho TP - bộ mặt của cả tỉnh ngày càng đẹp hơn. Ngoài việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, đến nay, hầu hết các khu dân cư đã cơ bản hoàn thành đường giao thông nông thôn bằng nhựa hoặc bê tông. NGoài ra, để đời sống văn hóa trong nhân dân trở nên toàn diện hơn, TP đã xây dựng những thiết chế văn hóa thể thao và đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao cơ sở. TP hiện có 514 sân thể thao. Cùng với việc phát triển các môn thể thao như: Bóng đá, Karatedo, bóng chuyền, cầu lông…,TP cũng chú trọng giữ gìn và phổ biến các môn mang đậm bản sắc truyền thống như: Chọi gà, rước đèn, múa lân, cờ thẻ…

Trong 20 năm qua, phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở TP Hà Tĩnh đã tạo nên sự chuyển biến toàn diện trong đời sống, những gia đình, khố phố, làng xã văn hóa là cơ sở để phát triển giá trị văn hóa truyền thống gắn với bồi đắp những nhân tố văn hóa hiện đại, từ đó góp phần đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống , tạo điều kiện cho văn hóa thấm sâu vào từng gia đình, cá nhân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast