Nhạc sỹ Quốc Nam với Người con sông La

(Baohatinh.vn) - Không giống như những tác phẩm viết về sông La hiền hòa, thơ mộng, “Người con sông La” của nhạc sỹ Quốc Nam viết về Tổng Bí thư Trần Phú - sau bao năm bôn ba, chiến đấu không ngừng và hy sinh anh dũng vì lý tưởng cách mạng được trở về trong lòng đất mẹ, trở về bên dòng sông quê để được nghe khúc dân ca quê nhà.

Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên), từ nhỏ, nhạc sỹ Quốc Nam đã được thừa hưởng những xúc cảm nghệ thuật tài hoa từ chính gia đình mình. Chàng trai trẻ Quốc Nam đã sớm bộc lộ nhiều năng khiếu như: chơi đàn bầu, sáo, đàn nhị và vẽ tranh. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh, ông về làm việc ở Đoàn Ca kịch dân tộc và tham gia viết nhiều vở kịch nổi tiếng lúc bấy giờ như: Thạch Sanh, Đời Cô Lựu, Kim Vân Kiều, Nàng Mai tế chồng, Người trong kỳ vọng, Hoa khôi dạy chồng… 42 năm hoạt động và cống hiến không ngừng nghỉ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, nhạc sỹ, nghệ sĩ ưu tú Quốc Nam đã cho ra đời hàng trăm ca khúc, hàng trăm vở nhạc kịch và dân ca.

Bến Tam Soa. Ảnh: Đình Thông
Bến Tam Soa. Ảnh: Đình Thông

Nói về những xúc cảm để viết nên ca khúc “Người con sông La”, nhạc sỹ Quốc Nam tâm sự: “Viết về Tổng Bí thư Trần Phú, một người con anh hùng của quê hương Hà Tĩnh từ lâu đã là niềm ấp ủ của tôi. Tôi viết bằng sự ngưỡng mộ và niềm tôn kính đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của vị Tổng Bí thư đầu tiên, hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi với câu nói nổi tiếng nhắn nhủ đồng đội “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Gần 70 năm kể từ khi hy sinh, đầu năm 1999, hài cốt Tổng Bí thư Trần Phú mới được chuyển về an táng tại quê nhà. Chính những xúc cảm về người con được trở về với quê hương để sớm chiều nghe những khúc ru của mẹ đã giúp tôi viết thành công ca khúc “Người con sông La”.

“Người con sông La” là một sáng tác mang đậm âm hưởng dân ca nhưng theo nhịp điệu hiện đại, hùng tráng. Ca khúc khắc đậm hình tượng người anh hùng Trần Phú lớn lên trong thời buổi đất nước chìm trong nô lệ. Chàng trai ấy không biết bao lần “nuốt lệ” trước cảnh người dân nước Nam bị giặc giày xéo, gia đình tan cửa, nát nhà, đã quyết tâm ra đi tìm lý tưởng, tìm đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc để được giác ngộ con đường cứu nước. Mở đầu ca khúc là những nốt trầm thật nhẹ nhưng cũng không kém phần hào hùng: “Khi đất nước chìm trong nô lệ/ Người con sông La nhìn dân nuốt lệ/ Đã ra đi vượt bao sóng gió/ Dẫu gian nguy vượt qua bão tố/ Khát khao tìm đến gặp Người”.

“Người con sông La” là một sáng tác mang đậm nét hào hùng, lãng mạn về một người con của dòng La hiền hòa với khát khao mãnh liệt đấu tranh cho tự do của dân tộc. Xúc cảm của chàng thanh niên yêu nước năm xưa có lẽ cũng chính là xúc cảm của biết bao người dân Việt yêu nước khác đứng trước thời cuộc, trước sự mất mát, lầm than của đất nước. Bởi lẽ đó, khi những giai điệu hào hùng của bài hát tiếp tục cất lên, người nghe không khỏi bồi hồi, xúc động. Lời nhắn nhủ của người chiến sỹ cộng sản một lần nữa âm vang trong bài hát: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu/ Tiếng nói ấy vang vọng ngàn đời sau/ Hồn Trần Phú trong lòng dân tộc”. Anh đã ra đi, nhưng “Dòng máu của anh nhuộm thắm cây đời/ Cho hôm nay nở hoa kết trái”. “Người con sông La” ấy đã ra đi, chiến đấu vì sự yên bình của quê hương và ngã xuống, hẳn trong lòng vẫn còn đau đáu nỗi nhớ quê nhà.

Nhạc sỹ Quốc Nam bồi hồi: “Lúc viết bài hát này, tôi đã tìm đến các bảo tàng lịch sử để tìm hiểu tư liệu về Tổng Bí thư Trần Phú, về quá trình hoạt động cách mạng của Người”. Và để tìm nguồn cảm hứng cho ca khúc, nhạc sỹ Quốc Nam thường đến bên bến Tam Soa, nhìn dòng La như một dải lụa đào hiền hòa trôi. Đứng trên núi Quần Hội nhìn xuống, cảnh sắc nơi đây thật đẹp. Tùng Ảnh - quê hương Tổng Bí thư Trần Phú đang vươn mình lớn dậy để cùng vững bước đi lên trong chặng đường đổi mới như là một sự tri ân dành cho người con quê hương. Quê hương Tùng Ảnh giang rộng vòng tay “đón anh về giữa muôn vàn yêu thương”. Rồi một câu hò ví giặm chợt vang lên thổn thức từ bến Tam Soa đã tạo cảm hứng cho nhạc sỹ khép lại bài hát bằng tiếng lòng của bất cứ một người con Nghệ Tĩnh nào khi xa quê: “Anh lại về bên bến nước dòng La/ Để sớm chiều nghe khúc hát dân ca”.

Bài hát hoàn thành vào năm 2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú và được người nghe đón nhận nồng nhiệt. “Người con sông La” cũng đã nhận được giải A cho tác phẩm xuất sắc và giải tác giả của cuộc thi viết về các tổng bí thư do Hội Nhạc sỹ Việt Nam phát động.

Giờ đây, khi đã bước qua tuổi 60, tuy không còn tham gia công tác lãnh đạo, nhưng với nhạc sỹ Quốc Nam, sáng tác và chơi nhạc vẫn là niềm đam mê không bao giờ nguội tắt. Ở tuổi “xế bóng”, tâm hồn nhạc sỹ Quốc Nam vẫn trẻ trung, yêu đời và lãng mạn. Đây chính là ngọn nguồn nuôi dưỡng cái tôi nghệ sỹ trong ông, để ông sống với niềm đam mê nghệ thuật không ngưng nghỉ. Mong rằng, tình yêu và niềm đam mê ấy sẽ luôn cháy mãi cùng thời gian.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast