Sơn Thịnh giữ hồn quê bằng nghề truyền thống

Từ xưa, xã Sơn Thịnh (Hương Sơn) đã có tiếng về nghề thủ công đan lát và các hoạt động thương mại dịch vụ khác. Do đất chật người đông nên người Sơn Thịnh đã sớm đổi mới tư duy trong cuộc mưu sinh.

Xã Sơn Thịnh xưa có tên làng Thịnh Văn, có người còn gọi “dân làng đan”. Từ câu nói cửa miệng này đủ biết Sơn Thịnh đã có nghề này cách đây vài thế kỷ. Do điều kiện thiên tai khắc nghiệt thường xuyên người dân phải gánh chịu là địa phận xã Sơn Thịnh nằm sát bờ sông Ngàn Phố thường xuyên chịu nhiều trận lũ và bão tố chà đi xát lại. Mùa hè ngày trước do hệ thống thủy lợi không đảm bảo nên đồng ruộng thường bị khô héo và mất mùa vì hạn hán. Tuy nhiên, Sơn Thịnh vẫn là mảnh đất giao thương dễ hơn mọi miền quê khác vì địa thế “trên bến dưới thuyền” tiện ích cho hàng hóa thông thương tới xã này. Mặt khác đây là “cái rốn” giao lưu thuận lợi nhất. Khách hàng từ Đức Thọ sang, từ Vinh vào, từ Thanh Chương tới, người từ miền thượng Hương Sơn xuống cũng dễ dàng.

Cụ Hân và những chiéc rổ mới
Cụ Hân và những chiéc rổ mới

Theo anh Lê Văn Hiền, cán bộ phụ trách văn hóa xã kể: Sơn Thịnh trước đây có xưởng sứ chuyên sản xuất bát ăn cơm. Khoảng từ năm 1960- 1981, hàng trăm gia đình xã Sơn Thịnh chuyển từ hình thức làm trong gia đình sang hình thức làm xã viên các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, có sự điều hành của nhiệm HTX và sự quản lý của cấp ủy chính quyền địa phương xã. Sơn Thịnh đã hình thành được các HTX làm quạt giấy bằng nan tre hoặc nan sừng (sừng trâu, sừng bò). Loại quạt bằng nan sừng đẹp và kỳ công nên chỉ có những loại khách chuẩn bị tổ chức lễ vu quy đến đặt hàng. Thời kỳ vàng son nhất của Sơn Thịnh đó là phát triển HTX Minh Thịnh làm nghề thảm và mành cọ mét xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

Từ năm 1991, sau khi HTX Minh Thịnh phải giải thể vì Đông Âu sụp đổ, hàng xuất khẩu tắc, các xã viên đã năng động chuyển đổi hướng làm ăn sang nghề đan lát các sản phẩm như: nong, nia, thúng mủng, rổ rá, lá cót và cả những sản phẩm khác kỳ công hơn khi có nhu cầu của khách. Nghề đan ở đây không chỉ có phụ nữ, đàn ông, trẻ em tham gia mà còn có cả người cao tuổi và người tàn tật cũng khéo tay làm nên sản phẩm.

Cụ Nguyễn Hân năm nay đã 75 tuổi nhưng hàng ngày vẫn căm cụi đan lát. Cụ Hân tâm sự: nghề đan tuy mỏi mệt nhưng đây là nghề thú nhất của cụ, đặc biệt khi sản phẩm tạo ra đẹp, chắc, bền được khách hàng ưa thích. Cụ Hân cho biết, nhờ nghề đan mà cụ đã nuôi bốn đứa con khôn lớn trưởng thành.

Còn chị Hà Thị Liên, một người đàn bà cụt cả hai chân do tai nạn lao động, chị Liên năm nay đã bước vào tuổi 70 nhưng vẫn lúc nằm, lúc ngồi đan trên giường và hướng dẫn cho đứa con trai của mình thành một người đan giỏi. Chị rất khéo tay nên sản phẩm của chị được nhiều người ưa chuộng.

Ngoài nghề đan một số người có vốn liếng khấm khá hơn thì mở nghề làm bánh đa, bánh đúc. Xã Sơn Thịnh có 3 chủ hộ kinh doanh nghề mới này cho thu nhập khá. Một thanh niên mạnh dạn mở nghề làm đậu phụ và kết hợp nuôi lợn đã tạo được cuộc sống khá khang trang trong gia đình như xây được nhà, mua sắm đầy đủ các phương tiện khác.

Sản phẩm kẹo cu đơ vợ chồng anh Hùng
Sản phẩm kẹo cu đơ vợ chồng anh Hùng

Vợ chồng anh Nguyễn Hùng (xóm Bình Thịnh) nổi tiếng về làm kẹo cu đơ. Nhờ nắm được bí quyết làm kẹo cu đơ có thương hiệu của ông Cu Đơ ngày xưa mà kẹo cu đơ của gia đình anh Hùng đã có khách hàng từ Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An và trong tỉnh tới đặt hàng tại nhà. Hàng năm, gia đình anh Hùng phải cất trữ từ 3 ấn – 4 tấn lạc và hàng trăm lít mật mía nguyên chất. Bình quân gia đình anh Hùng thu nhập khoảng 8 đến 9 triệu đồng/tháng. Các gia đình làm nghề thủ công từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Hộ đan lát nhiều sản phẩm và tiêu thụ hàng nhanh cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Tâm sự với chúng tôi về nghề truyền thống xã Sơn Thịnh, ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã rất lấy làm tiếc về những mô hình HTX Minh Thịnh ngày xưa. Ông Cường cho rằng, những nhà đầu tư nào có vốn liếng và tìm được “đầu ra”, đặc biệt làm sản phẩm thủ công xuất khẩu ra nước ngoài xã sẽ tạo mọi điều kiện khuyến khích nhà đầu tư vào. Việc làm ăn riêng lẻ từng gia đình như hiện nay vừa manh mún vừa thu nhập thấp vì sản phẩm chỉ ở mức tiêu dùng cho những người bình thường mua. Quan tâm đến lợi ích của dân và tăng sản phẩm cho xã hội, đặc biệt là phát huy năng lực kỹ thuật, nghề đẹp truyền thống cần các ngành các cấp suy nghĩ và có hoạch định chiến lược mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast