Hương liệu xông, máy khuếch tán tinh dầu hút khách mùa dịch

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh ca nhiễm COVID-19 cộng đồng cao, nhiều người lựa chọn hương liệu xông từ tự nhiên, sử dụng máy khuếch tán tinh dầu để hỗ trợ phòng và điều trị dịch.

Sau khi biết mình là F1, chị Nguyễn Minh Phương (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đã kết hợp xông lá có nguồn gốc từ thiên nhiên với mong muốn tăng khả năng miễn dịch cơ thể.

Chị Phương chia sẻ: “Gia đình chị có 4 người. Do không thể ra ngoài mua các nguyên liệu xông nên chị đã đặt mua trên mạng, giao hàng tận nhà nên rất tiện lợi với những người đang thực hiện cách ly. Một bó lá xông có giá 30.000 đồng, gồm có gừng, tía tô, hương nhu, lá sả, lá bưởi”.

Hương liệu xông, máy khuếch tán tinh dầu hút khách mùa dịch

Chị Hoàng Anh Ngọc (thị trấn Thạch Hà) mua các nguyên liệu xông về phục vụ gia đình.

Tương tự, chị Hoàng Anh Ngọc (thị trấn Thạch Hà) cho biết: “Tôi duy trì xông và tắm bằng hương liệu cho cả gia đình. Hiện nay, ở các chợ, mặt hàng này mọi người mua rất nhiều, thế nên tôi phải tranh thủ mua thêm gừng, sả về vừa xông vừa cất trữ dùng dần”.

Tại các chợ dân sinh, hầu như bất kỳ quầy hàng bán rau, củ nào cũng lấy thêm các loại có thành phần tinh dầu về bán kèm.

Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương bán rau tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: "Từ sau tết đến nay, nhiều khách hàng đến hỏi mua lá xông nên chị nhập về bán kèm. Các mặt hàng này bán khá chạy, người dân thường mua 2 - 3 kg/lần. Mỗi ngày cũng bán được 40 - 50 kg sả, có nhiều hôm hết hàng sớm, không đủ để bán. Chưa bao giờ mặt hàng này lại đắt hàng như bây giờ”.

Hương liệu xông, máy khuếch tán tinh dầu hút khách mùa dịch

Chị Nguyễn Thị Hà bán được 40 - 50 kg sả/ngày.

Nguồn cung lá xông như: sả, tía tô, hương nhu… được cung cấp chủ yếu từ các vùng trồng rau gia vị trong tỉnh như: thôn La Xá (xã Tân Lâm Hương), xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà)...

Ông Phan Văn Đệ (thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương) chia sẻ: "Đợt này, tiểu thương chủ yếu thu mua sả tươi gồm cả lá và củ, lá tía tô già có nhiều tinh dầu. Mỗi ngày, khách gọi điện đặt mua khá nhiều, chủ yếu là các mối sỉ, mua cả xe tải rồi đi bán lẻ ở các địa phương. Hiện, giá sả tươi tại ruộng có giá 10.000 - 13.000 đồng/kg”.

Hương liệu xông, máy khuếch tán tinh dầu hút khách mùa dịch

Sả tươi được nhiều người chọn mua để làm hương liệu xông phòng và điều trị COVID-19.

Bên cạnh các hương liệu tươi, những gói lá xông sấy khô hay hương liệu đã được tách tinh dầu cũng được nhiều người tìm mua.

Theo khảo sát, những gói lá (đã được sấy khô) chủ yếu có cây hương nhu, lá cúc tần, lá bưởi hoặc vỏ bưởi khô, cây mùi già, tía tô, ngải cứu, có giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg (tuỳ loại). Cùng với đó, thị trường còn sôi động các mặt hàng dụng cụ như: nồi xông, lều xông, đèn xông, máy khuếch tán tinh dầu... với nhiều mức giá khác nhau.

Hương liệu xông, máy khuếch tán tinh dầu hút khách mùa dịch

Chị Lê Thị Mai được nhân viên tư vấn giới thiệu các dòng máy khuếch tán tinh dầu khác nhau.

Đang tham khảo tại gian hàng bán tinh dầu thiên nhiên Ha Eva tại Vincom Plaza (TP Hà Tĩnh), chị Lê Thị Mai chia sẻ: “Thực tế, lâu nay các sản phẩm, thiết bị xông tinh dầu đã được bán rất nhiều trên thị trường, tuy nhiên phải đến thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì mặt hàng này mới được nhiều người quan tâm. Theo tôi được biết, đèn xông, máy khuếch tán tinh dầu giúp diệt khuẩn, giảm bớt ẩm mốc và xua đuổi côn trùng. Vì thế, tôi đang tìm hiểu và mua cho gia đình".

Các loại đèn, máy khuyếch tán tinh dầu có khá nhiều loại giá, từ tầm trung (190 - 200 nghìn đồng/sản phẩm) đến những loại chất lượng cao từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Đối với thiết bị này, người dùng phải đi kèm với các loại tinh dầu. Trong mùa dịch này thì “hot” nhất vẫn là sả chanh, tỏi, quế...

“Từ sau tết, lượng khách tìm mua máy khuếch đã tăng gấp đôi so với ngày thường” - chị Trần Thị Tuyết, nhân viên cửa hàng Ha Eva cho biết.

Hương liệu xông, máy khuếch tán tinh dầu hút khách mùa dịch

Máy khuếch tán tinh dầu được nhiều người chọn lựa bởi máy tạo ra hương thơm mạnh hơn, phạm vi khuếch tán lớn

Theo khuyến cáo của giới chuyên môn, để xông lá đúng cách, hiệu quả và an toàn thì trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở nếu gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước dẫn đến máu huyết không lưu thông.

Lưu ý không nên dùng nước quá nóng, nhiệt độ của nước xông chỉ nên khoảng 50 độ C. Xông toàn thân tối đa mỗi tuần 2 - 3 lần, xông vùng đầu mặt thì mỗi ngày 1 - 2 lần, mỗi lần không quá 15 - 20 phút. Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... thì cần ngừng ngay.

Cùng với đó, người dùng tinh dầu phải quan tâm đến nguồn gốc, nơi sản xuất, tốt nhất phải tìm mua các sản phẩm có chứng nhận nguồn gốc nước sở tại hoặc được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành; không nên sử dụng các loại tinh dầu trôi nổi trên thị trường sẽ gây hại cho sức khoẻ người sử dụng.

Bộ Y tế hướng dẫn 2 phương pháp xông phòng để ngừa COVID-19

Phương pháp thứ nhất: Nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tùy theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ lửa thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút.

Phương pháp thứ hai: Nguyên liệu gồm tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.

Liều dùng, cách dùng: Tùy theo diện tích phòng (10 - 40m2) lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 - 3 lần.

Bộ Y tế lưu ý, cả hai phương pháp này đều không được xông trực tiếp vào người. Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người bị dị ứng với tinh dầu.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast