Người Hà Tĩnh muôn phương

Anh cover PC (3).jpg

Miệt mài khắp các châu lục, Tiến sỹ trẻ Nguyễn Duy Duy - người vừa lọt vào danh sách top 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất tại Australia năm 2024 tha thiết chọn tri thức để “trả nghĩa” cho quê hương.

Unit.png
Tit phu 1.gif

Xa quê bao nhiêu năm nhưng Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy (SN 1991) vẫn còn giữ chất giọng đầm ấm, mộc mạc của quê hương Hà Tĩnh. Có lẽ, đó là điểm thu hút đầu tiên của anh với người đối diện, tạo sự gần gũi, thân tình cho dù đó là lần đầu gặp mặt. Không như nhiều người thành đạt sớm mà tôi gặp trước đó, anh rất ít nói về bản thân mình nhưng lại nhắc nhiều tới quê hương. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà). Ông ngoại là Trần Văn Lương - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (giai đoạn 1970 - 1987), bố mẹ là công chức nhà nước, em trai là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội hiện đang tu nghiệp tại Pháp.

IMG_7751.jpg
Nguyễn Duy Duy cùng gia đình. Ảnh NVCC

Khác với tưởng tượng về một chàng trai “mọt sách", Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy kể anh từng là một cậu bé hiếu động, thích trốn học đi chơi game khiến bố mẹ phải “đau đầu”. Cũng do nghịch ngợm, số lần anh bị thầy cô phê bình còn nhiều hơn số lần được khen ngợi. Có lẽ vì vậy mà sau này khi biết anh trở thành giảng viên đại học ai nấy đều ngạc nhiên.

Những năm theo học lớp Toán Tin - Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (từ 2006 - 2009), các hiện tượng tự nhiên xung quanh như: tại sao lại có bão, tại sao trời bỗng đổ mưa to… khiến anh tò mò và hứng thú.

Tháng 9/2009, anh nhập học Trường Đại học Thủy lợi về chuyên ngành thủy lực dòng chảy. Với anh, cánh cổng đại học là con đường giúp cậu bé hiếu động ngày nào có thể tự giải đáp các hiện tượng tự nhiên xung quanh mình. Con đường học vấn của anh từ đó cũng có nhiều thay đổi, bắt đầu với việc giành Huy chương Vàng Cuộc thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc và nhận học bổng toàn phần sang Nga du học vào tháng 9/2010.

IMG_7764.jpg
Nguyễn Duy Duy (ngoài cùng bên trái) bảo vệ tốt nghiệp Đại học tại Nga. Ảnh NVCC

Anh Duy chia sẻ: “Ở Nga, tôi được gặp gỡ, học hỏi những thế hệ người Việt Nam đi trước rất tài giỏi. Các giáo sư người Nga lớn tuổi đáng kính lần đầu gặp và biết tôi là người Việt Nam, họ đều cười trìu mến nói rằng sinh viên Việt Nam chăm chỉ và học giỏi lắm. Điều đó khiến tôi mong muốn được thể hiện là người con của đất học Hà Tĩnh cũng như tiếp bước những người đi trước làm rạng danh quê hương”.

Trich 1.jpg

Mang theo những hoài bão, chàng trai trẻ có lối sống giản dị trong đời thường nhưng cực kỳ khắt khe trong con đường học vấn. Anh kể: “Có những ngày đi làm thêm từ sáng tới tối muộn giữa trời tuyết lạnh, tôi trở về nhà với hai chân đau buốt, ngồi ngâm vội chân vào chậu nước ấm rồi ngủ gục lúc nào không biết. Sáng hôm sau vẫn cố gắng dậy sớm để lên trường kịp tiết học đầu tiên. Học bổng ít ỏi chỉ đủ để tôi trang trải ăn ở. Để có thể học thêm tiếng Anh “bồi”, tôi phải nấu ăn cho một người bạn Nigeria ở chung ký túc xá…”.

Sau 5 năm kiên trì tại Đại học Bách khoa Sankt-Peterburg, Nguyễn Duy Duy tốt nghiệp xuất sắc và nằm trong top 3 toàn trường với điểm trung bình GPA gần tuyệt đối (3.96/4.00). Nhờ thành tích học nổi bật, năng động với các hoạt động xã hội và vốn tiếng Anh tốt, sau khi tốt nghiệp, anh Duy có cơ hội sang Đức làm việc cho Tập đoàn Bosch, sau đó tiếp tục nhận học bổng toàn phần học thạc sĩ từ 8 trường đại học xếp hạng hàng đầu ở Mỹ. Anh chọn theo học tại Đại học Notre Dame theo hướng nghiên cứu phát triển mô hình dự báo bão. Anh cũng nhận học bổng của hiệu trưởng trường (presidential scholarship) chỉ trao cho 3 sinh viên mỗi năm và tốt nghiệp xuất sắc sau 2 năm học.

Trich 1 (1200 x 1200 px).jpg
Thông báo về giải thưởng 10 nhà khoa học trẻ của Australia 2024 trên trang web Viện Hàn lâm Khoa học Australia.

Tháng 10/2018, anh nhận học bổng toàn phần để theo học tiến sĩ tại Đại học Sydney, Australia. Trong chương trình nghiên cứu sinh của mình, anh đã nhiều lần nhận giải bài báo khoa học xuất sắc, giải trợ giảng xuất sắc và kết thúc khóa học với giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của trường cho ngành kỹ sư năm 2022.

Đầu năm 2024, Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy trở thành 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng từ quỹ tài trợ các nhà khoa học tại Australia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp của Viện Hàn lâm Khoa học Australia (SIEF). Giải thưởng mang đến cho anh cơ hội trở thành 1 trong 14 nhà khoa học được lựa chọn trình bày tại buổi giao lưu, trao đổi cùng hơn 45 nhà khoa học đạt giải Nobel và gần 600 nhà khoa học trẻ khác trên toàn thế giới vào tháng 7 sắp tới tại thành phố Lindau (Đức). Anh cũng là một trong những nhân vật hiếm hoi được ăn tối riêng cùng 3 nhà khoa học đạt giải Nobel với quy mô chỉ 10 người để nói chuyện về biến đổi khí hậu.

IMG_7747.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm Viện nghiên cứu quốc gia Australia (tháng 3/2024).
Tit phu 2.gif
Trich 2.jpg

Cơ duyên đến với ngành thủy lợi của Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy gắn liền với gia đình và quê hương Hà Tĩnh. Đó là ký ức về những ngày trời mưa rét, đạp xe ngược gió hơn 10 km để tới trường; là những buổi tan trường gồng mình đi về dưới nắng hè đổ lửa hay mỗi lần nhìn lên tivi và nghe cụm từ “hướng về miền Trung” lại rơm rớm nước mắt…

“Mỗi lần đi học xa nhà, nghe tin báo bão, trong lòng tôi lại nhớ quê hương da diết. Nhiều đêm tôi tự hỏi làm cách nào để mình cũng có thể chống bão lũ với mẹ cha đây…”- anh tâm sự

IMG_7762.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy đi thực địa tại hồ Hume ở Victoria (Úc). Bên cạnh là máy đo đa quang phổ hợp do nhóm anh sáng chế và sản xuất, phục vụ cho việc quan trắc chất lượng nước.

Từ những trăn trở đó, anh quyết tâm học tập để tìm cách giảm nhẹ hệ lụy của thiên tai. Trong những năm học tập tại Nga, anh lĩnh hội được nhiều kiến thức về xây đập, đê điều, trong khi ở các nước Đức, Mỹ lại mang đến kiến thức dựa vào thiên nhiên như nghiên cứu về dòng chảy, xây dựng mô hình dự báo nguồn nước, chất lượng nước, ngập mặn, lũ lụt... Còn tại Australia, anh có cơ hội làm các dự án cụ thể hơn về chất lượng nước, an ninh nguồn nước.

Trich 3.jpg

“Tôi may mắn có ông ngoại là một lãnh đạo mẫn cán. Trong suốt 17 năm làm lãnh đạo, ông đã dốc hết mình cùng với Nhân dân đi đào đắp các con kênh mương trong tỉnh. Từ tình yêu và trách nhiệm với quê hương mà ông truyền lại khiến tôi chưa bao giờ ngừng học. Dù có học ở đâu, làm công việc gì thì mục tiêu của tôi vẫn là mang tri thức trở về để đóng góp, xây dựng cho quê hương” - Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy bày tỏ.

Với công việc hiện tại ở Chương trình An ninh Nguồn nước, Viện Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia - CSIRO), Tiến sỹ trẻ Nguyễn Duy Duy đang theo đuổi mô hình về chất lượng nước và nguồn nước, hai vấn đề nóng ở cả Australia và Việt Nam. Cụ thể, anh muốn tập trung giải bài toán về an ninh nguồn nước dưới ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.

Hiện tại, anh đang cùng nhóm nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo chất lượng nước, thí điểm cho hệ thống hồ nuôi tôm ở Hải Phòng. Từ việc thu thập dữ liệu vệ tinh, quan trắc trực tiếp, nhóm anh phát triển mô hình toán kết hợp cùng trí tuệ nhân tạo giúp dự báo các chỉ số chất lượng nước như nhiệt độ, thông số oxy hòa tan, độ đục, các chỉ số hóa học, dinh dưỡng, tảo... Điều này giúp doanh nghiệp và chủ hồ kế hoạch được thời gian nên thay nước, sục nước, cũng như tối ưu hóa môi trường phát triển cho tôm, cá.

IMG_7752.jpg
IMG_7758.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy trình bày tại hội thảo về nước ngọt lớn nhất thế giới Freshwater Science và trong một buổi giảng bài tại Đại học Sydney. Ảnh NVCC

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy cũng đang kết hợp cùng một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thực hiện chuỗi bài giảng về biến đổi khí hậu dành cho học sinh, sinh viên và người trẻ nói chung. Ngoài ra, anh cũng đang tham gia giảng dạy cho các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước về chống biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc tập hợp và thảo luận cùng các chuyên gia từ Mỹ và Australia.

IMG_7757.jpg
 IMG_7748.jpg
IMG_7766.jpg
TS Nguyễn Duy Duy (thứ 3 hàng đầu, từ trái sang phải) và các bạn thường xuyên tham gia hoạt động trong nhóm nghiên cứu tại Đại học Sydney (Ảnh 1). Duy và Phó Giám đốc chương trình AquaWatch Australia chia sẻ tại khóa tập huấn của Chương trình đối tác Mekong Australia với nội dung về "Giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu" do Đại học Queensland kết hợp cùng Bộ Ngoại giao Australia thực hiện (ảnh 2). Nguyễn Duy Duy tham gia diễn đàn trí thức trẻ của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2019 (ảnh 3). Ảnh NVCC

Theo Tiến sĩ Duy, Đồng bằng sông Cửu Long không phải là lưu vực duy nhất đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Các lưu vực sông ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng, trong đó có các con sông, cửa biển ở Hà Tĩnh. Vì vậy, anh mong muốn thực hiện dự án quan trắc và dự báo chất lượng nước và nguồn nước, đưa ra giải pháp công nghệ chống xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, cảnh báo lũ sớm và quy hoạch lại các khu vực bị ảnh hưởng này.

Trich 5.jpg

Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy tâm sự: “Trong những lần về thăm Hà Tĩnh, tôi nhận thấy tình trạng tình trạng bồi tụ, xói lở ở các cửa biển đang diễn ra với tốc độ rất cao. Các loại hình thiên tai như lũ lụt, hạn hán cũng đang thay đổi cả về cường độ lẫn tần số... vì vậy, tôi đang trăn trở chuyển giao cho quê hương những công nghệ hiện đại qua những dự án thiết thực, do những chuyên gia Việt có chuyên môn thực thi”.

Mỗi ngày qua đi, Tiến sỹ Nguyễn Duy Duy luôn chắt chiu, cố gắng để lan tỏa tình yêu quê hương đến nhiều người, nhất là những người trẻ với mong muốn sẽ có thêm nhiều công trình nghiên cứu để phát triển quê hương. Khiêm tốn cho rằng bản thân mình chẳng có gì đặc biệt, nhưng những lát cắt của quãng đường cống hiến cho ngành thủy lợi của tiến sỹ trẻ đã góp thêm một lời khẳng định khí chất một nhà khoa học chân chính: làm khoa học để cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.

NỘI DUNG: NGÂN GIANG

ẢNH: NVCC

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Chủ đề Người Hà Tĩnh ở nước ngoài

Đọc thêm

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...