Thượng tướng quân Hà Mại, tự là Tông Hiểu sinh năm Giáp Tuất (1334), tại Thăng Long, là con trai út trong một gia đình hào trưởng ở miền bắc Việt Nam. Năm Tân Mão (1351), dưới triều Trần Dụ Tông, ông thi đỗ quan võ, được giao chỉ huy đội quân bảo vệ triều đình (lúc này Hà Mại mới 18 tuổi).
Năm 1356, chỉ huy đội quân bảo vệ vua Trần Dụ Tông đi kinh lý phía Nam nước Đại Việt, trấn Nghệ An. Từ năm 1356 đến 1376, là tướng chỉ huy đội quân bảo vệ biên giới phía nam Đại Việt chống sự xâm lấn của quân Chăm. Năm 1377, giữ chức trấn thủ xứ Nghệ An với hàm Thượng tướng quân, tước Thượng vị hầu.
Năm 1398, triều đình nhà Trần xảy ra nhiều biến cố, Thượng tướng quân Hà Mại từ quan về ở ẩn tại vùng núi phía Nam Hồng Lĩnh (nay thuộc địa phận xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh) sau đó lập căn cứ địa bí mật kháng chiến chống quân Minh, tiếp tục chỉ đạo cho con trai là tướng Hoàng Bảng Hà Dư (tức Hà Tông Chính) phò nhà Trần chống giặc Minh....Thượng tướng quân Hà Mại mất năm Canh Dần (1410), tại căn cứ địa Hồng Lĩnh, thọ 77 tuổi.
Ông được triều Trần sắc phong Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng Vị hầu, Bắc sứ, Trấn thủ xứ Nghệ An; Triều Lê sắc phong Đoan túc dực bảo trung hưng thần; Triều Nguyễn Duy Tân năm thứ 3 sắc phong Đồng Giang linh ứng thần.
Sau 600 năm (1410 -2010), dòng tộc họ Hà - Việt Nam phối hợp với Bảo Tàng tỉnh Hà Tĩnh, Trung Tâm nghiên cứu tiềm năng con người, Trung Tâm nghiên cứu Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam đã tìm được phần mộ của Thượng tướng quân, Thượng vị hầu triều nhà Trần - Hà Mại tại thôn Cứu Quốc, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Ngày 29 -6 - 2010, tại huyện can Lộc, Bảo Tàng Hà Tĩnh đã phối hợp với UBND huyện Can Lộc, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam; Trung Tâm nghiên cứu tiềm năng con người và Ban liên lạc họ Hà tổ chức Tọa đàm khoa học về Thượng tướng quân Hà Mại với báo cáo khoa học chi tiết về kết quả tìm mộ, các tham luận về cuộc đời, sự nghiệp Thượng tướng quân Hà Mại của các Giáo sư: Đào Vọng Đức, Ngô Đức Thịnh, Phan Phi Phi, Hà Vĩnh Tân…cùng nhiều ý kiến, tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Hà Tĩnh và các nhà quản lý chuyên ngành. |