Video: Đập Bà Mận bị ô nhiễm nghiêm trọng
Khe Táy bị đe dọa
Thôn Trung Sơn nằm ở vùng thượng của xã Lộc Yên (Hương Khê), có 132 hộ, 485 nhân khẩu, chủ yếu dựa vào nguồn nước khe Táy chảy về xuôi để sinh hoạt. Từ năm 2013, trên địa bàn “mọc” lên các trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lên đến hàng ngàn con. Và, bắt đầu từ đó, người dân Trung Sơn phải chịu sống trong tình trạng môi trường bị ô nhiễm.
Đập Khe Táy cung cấp nước chủ yếu cho người dân Trung Sơn
Ngay đầu nguồn nước, bên cạnh con đập Khe Táy là trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, được bao bọc bởi khe Táy và con mương bê tông dẫn nước về từ thân đập. Trang trại được xây dựng năm 2013, có quy mô gần 1.500 con lợn thịt...
Thế nhưng, điều đáng nói là, trang trại không có hệ thống tiêu thoát nước thải. Tất cả đều được chứa trong các ao hồ.
Ngay cạnh đập là trang trại nuôi lợn có quy mô gần 1.500 con của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng
Nghi ngờ về tính bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường của hệ thống xử lý nước thải này, chúng tôi đã “mục sở thị” xung quanh. Phía gần cuối trang trại, một dòng nước ngầm đang chảy ra khe Táy. Đoạn khe sủi tăm và có màu đen thẫm.
Khi được hỏi “Liệu trang trại của ông Hưng có xả thải ra khe Táy không?”, một người dân sinh sống gần đó không ngần ngại khẳng định: Chắc chắn có. Vào những thời điểm trời mưa, nước khe dâng cao là trang trại này lại “tranh thủ” xả nước thải. Dòng nước bẩn đó sẽ chảy ra sông Rào Nại, về xuôi.
Bọt nước trong dòng khe Táy được cho là do mạch nước ngầm thải ra từ trang trại lợn
Điều này cũng được ông Đàm Thọ - chủ trang trại lợn gần đó gián tiếp xác nhận khi đặt câu hỏi: “Quy mô hàng ngàn con, thả nuôi mấy năm trời thì ao hồ nào chứa hết nước thải?”.
Đập Bà Mận ô nhiễm nghiêm trọng
Đập Bà Mận cũng là nơi tích, điều tiết nước sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân trong vùng. Tại khu vực này, trang trại nuôi lợn của gia đình ông Đàm Thọ được xây dựng vào năm 2013, có quy mô 2 chuồng, thả nuôi 900 con lợn thịt.
Mặc dù có hàng chục chiếc hồ điều hòa nước thải trước khi đổ vào đập Bà Mận, nhưng ông Thọ vẫn thẳng thắn thừa nhận: Trang trại đã có hệ thống bioga, hồ chứa; nhưng chưa có hồ lắng sinh học nên nước thải chưa thể xử lý đảm bảo hoàn toàn. Vì thế, nguồn nước thải ra đập tích tụ mấy năm trời có thể gây ô nhiễm.
Trang trại của ông Đàm Thọ chưa có hồ lắng sinh học để xử lý nước thải
Tuy nhiên, hiện tượng nước ở đập Bà Mận bị ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt như vừa diễn ra, theo ông Thọ thì "nguyên nhân chính là do các hộ nuôi lợn gần đó xả chất thải trực tiếp ra đập. Nắng nóng thế này, cộng với phân chuồng “sống” (chưa qua xử lý) thải ra, cá chết là điều đương nhiên."
Dẫn chúng tôi ra đập Bà Mận, Trưởng thôn Trung Sơn Nguyễn Hồng Tâm cho biết: Trước khi có đập Khe Táy ngăn nước cung cấp cho toàn thôn, người dân tự ngăn con khe nhỏ này thành đập nước sinh hoạt. Trên nguồn nước của đập Bà Mận, ngoài trang trại lợn của ông Đàm Thọ còn có gia trại của ông Đinh Văn Hậu, nuôi gần 50 con lợn và ông Nguyễn Văn Tuyên, nuôi gần 100 con.
Thôn trưởng Trung Sơn Nguyễn Hồng Tâm: Có 2 hộ nuôi lợn ở sát đập Bà Mận xả phân chuồng trực tiếp ra đây.
“Mấy năm nay, người dân thôn tôi sống trong ô nhiễm, mùa nắng thì hôi thối nồng nặc, ngày mưa thì nước chảy đen sì. Nguyên nhân là do nguồn nước thải của các hộ chăn nuôi lợn phía trên. Ngày 18/5, cá ở đập chết hàng loạt, chúng tôi báo lên, xã đã về kiểm tra, lập biên bản nhưng chưa thấy xử lý gì” - ông Tâm bày tỏ.
Đập Bà Mận cung cấp nước sinh hoạt cho thôn Trung Sơn bây giờ chỉ có ngan, vịt mới sống nổi
Trao đổi với chúng tôi sáng 22/5, ông Phan Quốc Lập – Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết: “Sự việc ô nhiễm môi trường ở thôn Trung Sơn, đến nay, xã Lộc Yên vẫn chưa báo cáo. Tuy nhiên, theo kế hoạch chung của toàn huyện, các trang trại nuôi lợn trên địa bàn xã sẽ được Phòng TN&MT kiểm tra trong tháng này. Nếu kiểm tra, phát hiện những vi phạm, chúng tôi sẽ nghiêm túc xử lý”.
Được biết, năm 2017, Phòng TN&MT đã về trực tiếp kiểm tra trang trại lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng và đã lập biên bản, yêu cầu xử lý, khắc phục một số thiếu sót về hồ sơ, thủ tục và quy trình xử lý môi trường.