Trầm tích mộc bản Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Trường Lưu xưa nay vốn nổi tiếng với 8 cảnh đẹp, với dòng họ hiếu học, khoa cử Nguyễn Huy và là một trong những miền quê hát ví nổi tiếng. Những vỉa tầng văn hóa trầm tích trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lần lượt được phát hiện và đánh thức đã tô đậm thêm truyền thống văn hóa của một miền đất địa linh nhân kiệt trên quê hương Can Lộc, trong đó, mộc bản Trường Lưu là một di sản tư liệu vô cùng quý giá.

Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ bên gia tài mộc bản của dòng họ đang được lưu giữ tại gia đình.

Làng Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc - Can Lộc) là một trong những làng văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây là quê hương của dòng họ Nguyễn Huy với 3 danh nhân văn hóa Việt Nam và nhiều nhà khoa bảng khác.

Làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, song, nổi tiếng khắp nước là từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) về hưu, dày công xây dựng thành một làng có 8 cảnh đẹp. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã lập nên “Phúc Giang thư viện” rồi mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu” để đào tạo nhân tài cho vùng quê Xứ Nghệ. Nơi đây có cả một xưởng in với hàng ngàn bản sách được in khắc gỗ.

Trước đây, mộc bản Trường Lưu được xếp đầy ở ba gian nhà của đền Thư viện, là nơi thờ Nguyễn Huy Oánh, xấp xỉ 2.000 bản. Sau năm 1945, do đền Thư viện bị xuống cấp, mộc bản Trường Lưu được chuyển về nhà thờ Nguyễn Huy Tựu, lúc đó, số lượng còn gần 1.700 bản. Sau này, do nhận thức của nhân dân chưa cao nên nhiều bản bị chẻ làm củi đun, làm kè cho mương thủy lợi… đến nay, chỉ còn gần 400 bản gỗ khắc chữ Hán - Nôm ngược. Đây là những trang tư liệu với thư pháp đẹp, tinh xảo, do các danh nhân họ Nguyễn Huy Trường Lưu như: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Quýnh… sáng tạo, biên soạn và dùng làm tài liệu giảng dạy, truyền bá văn hóa cho học trò và người dân trong vùng. Hiện nay, số mộc bản cổ nói trên đang được gia đình Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ lưu giữ cẩn thận và đã được sao chụp, số hóa gần 800 trang.

Một trong những trang bìa và trang trong của Mộc bản Trường Lưu

Mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ Hán và chữ Nôm được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18-20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao.

Các mộc bản này có niên đại thời Lê (thế kỷ 18), nội dung khá phong phú, liên quan đến dòng họ Nguyễn Huy, trong đó, có những mộc bản cổ có giá trị quý hiếm, như cuốn sách: “Mai đình mộng ký” của danh nhân Nguyễn Huy Hổ. Theo các mộc bản còn giữ được và căn cứ thư tịch cổ, mộc bản Trường Lưu đã được dùng để in những bộ sách kinh điển của Trung Quốc xưa về triết học và văn chương cử tử: Tính lý toản yếu đại toàn (2 tập) khắc năm 1758; Ngũ Kinh toản yếu đại toàn (9 tập) khắc năm 1758; Tứ thư toản yếu khắc năm 1773.

Ngoài ra, còn có một số cuốn như: Thống tông chi yếu (là bộ sách do Nguyễn Huy Oánh sao chép sách cũ); Quốc sử toản yếu (tóm tắt lịch sử Việt Nam); Hoàng Hoa toàn tập (biên định Ðại Thanh nhất thống chí)… và rất nhiều sách văn học khác cùng một số bản đồ khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia...

Hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu được đánh giá là có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc. Ngoài thông tin về giáo dục, văn học, nghề in, đời sống KT-XH của một vùng quê xa kinh thành, mộc bản Trường Lưu còn cung cấp thông tin về các dòng họ nổi tiếng ở Can Lộc cũng như Hà Tĩnh và sự hình thành truyện thơ Nôm, hình thành Hồng Sơn văn phái, mối liên hệ giữa văn chương bác học và văn chương bình dân...

Với trầm tích văn hóa ẩn chứa trong từng nét chữ, mộc bản Trường Lưu đã góp phần khẳng định bề dày truyền thống văn hóa độc đáo của miền đất Can Lộc. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh và Bộ VH-TT&DL cùng dòng họ Nguyễn Huy đang làm hồ sơ mộc bản Trường Lưu đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Hy vọng, với sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, những giá trị ẩn chứa trên từng vân gỗ sẽ phát huy tác dụng trong xây dựng đời sống văn hóa và con người mới hôm nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói