V-League 2020: chơi hay nghỉ?

Do Covid-19, VPF quyết định đôn lịch thi đấu Cup Quốc gia, trong khi hai giải đấu cần được ưu tiên là V-League và hạng Nhất tạm dừng.

Động thái dừng V-League và hạng Nhất, nhưng vẫn đá Cup Quốc gia, được Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lý giải rằng, do không có Đà Nẵng và Quảng Nam nên các đội bóng khác không phải đến hai địa phương kể trên thi đấu. Họ tin rằng, như thế là an toàn.

Thực tế, ngày 18/7, Quảng Ninh đã đến Đà Nẵng thi đấu và lưu trú bốn ngày. Đến ngày 23/7, Đà Nẵng đấu Viettel trên sân Hàng Đẫy, và họ cũng ở Hà Nội ba ngày. Do đó, cả Quảng Ninh lẫn Viettel ít nhiều cũng có yếu tố dịch tễ liên quan đến đợt lây nhiễm trong cộng đồng vừa được xác định tuần trước tại Đà Nẵng. Các địa phương, nhiều thành phố lớn đã tiến hành kiểm tra y tế công dân có tiền sử đi lại liên quan đến Đà Nẵng khoảng hai tuần trở lại đây.

Như vậy, Quảng Ninh và Viettel chưa chắc an toàn. Hôm qua, CLB Quảng Ninh đã thông báo phải tự cách ly, chịu sự theo dõi của địa phương nên VPF phải ra liên tục hai thông báo về việc lùi thời điểm thi đấu. Những hoạt động tương tự có thể xảy đến với bất kỳ đội bóng nào từng đấu Đà Nẵng hay Quảng Nam trong ba vòng gần nhất của V-League. May mắn không có ca lây nhiễm thì không sao. Nếu có, hướng giải quyết sẽ thế nào? Không lẽ, cứ lùi, lùi mãi.

Thủ quân Văn Quyết của Hà Nội (áo tím) tranh chấp bóng với cầu thủ Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Lâm Thỏa.

Việc SLNA khởi xướng và ít nhất ba CLB khác cùng đồng tình đề xuất hủy bỏ mùa giải là có thể hiểu được. Các đội này đã, hoặc nhiều khả năng, sẽ rơi vào nhóm sáu đội tranh trụ hạng ở giai đoạn hai. Nhưng xét về điểm số, chưa đội nào chắc chắn xuống hạng hay bảo đảm trụ hạng nên động cơ của họ không hẳn tiêu cực. Số điểm của SLNA (12 điểm) hay Thanh Hóa (14) về lý thuyết vẫn có thể vào top 8 tranh vô địch ở giai đoạn hai, nếu thắng hai trận còn lại của giai đoạn một. Điểm số đó của họ, nếu chẳng may rơi vào nhóm sáu đội, cũng tương đối an toàn. Hiện nay, Đà Nẵng chưa có ý kiến chính thức, nhưng với diễn phiến phức tạp của dịch bệnh tại thành phố này, khả năng tiếp tục thi đấu của họ rất thấp. Số đội bóng muốn dừng mùa giải có thể còn tăng thêm nếu VFF hay VPF hỏi ý kiến. HAGL từng có tiền lệ bầu Đức không thiết tha thi đấu, hoặc Quảng Ninh gần đây cũng có động thái sẽ “đá cho vui” bằng việc chuyển các trụ cột cho Hải Phòng.

Đấy là những tiếng nói của người trong cuộc, cũng là các cổ đông của VPF, nên giá trị của nó cần được tham khảo. Xét về yếu tố chuyên môn, cũng có thêm lý do để hủy giải. Tính đến nay, chưa có tiền lệ nào trên thế giới một giải đấu bị tạm dừng đến hai lần với khoảng nghỉ dài. Đợt lây nhiễm cộng đồng tại Đà Nẵng hiện nay mới ở giai đoạn đầu, các kết quả xét nghiệm chưa đầy đủ và mức độ lây lan cũng chưa được xác định từ cơ quan chức năng. Hoàn toàn có khả năng phải dừng các hoạt động thể thao một thời gian không ngắn.

Nếu như vậy, chất lượng và tính chất chuyên môn của mùa bóng sẽ không đảm bảo tính công bằng. Ví dụ, Hà Nội khởi đầu không tốt sau 11 vòng do suy yếu về lực lượng. Nhưng nếu có thêm quãng nghỉ đủ dài, vô tình, họ lại có ưu thế. Ngược lại, đang “vào phom” như Sài Gòn FC mà đột nhiên nghỉ một thời gian thì sự hưng phấn chắc chắn bị mất đi. Khoảng cách giữa hai đội hiện chỉ là năm điểm, nếu không tạm dừng, có thể mọi thứ sẽ giữ nguyên sang giai đoạn hai. Ngược lại, nếu dừng rồi đá tiếp, tình thế sẽ đảo chiều.

Dù giải đã qua 11 vòng, điểm số hiện nay hoàn toàn không thể xác xác định rõ ràng ai vô địch, ai xuống hạng. Căn cứ vào các con số thống kê, dù đang đứng cuối bảng nhưng tỷ lệ trụ hạng của Quảng Nam vẫn là 100% nếu họ thắng ba trong số bảy trận còn lại. Tỷ lệ trung bình để một đội bóng đứng áp chót là thắng 23% trong tổng số các trận trong mùa, tức là các đội thắng từ năm trận trở lên, sẽ trụ hạng mùa này. Với cuộc đua vô địch, số trận thắng tối thiểu phải là 10 trận, hiện nay vẫn có đến ít nhất năm đội đủ khả năng vươn đến con số này, trong khi Sài Gòn FC đứng đầu nhưng cũng mới giành sáu trận thắng, tức là tỷ lệ vô địch vẫn là... 0%.

Trước đòi hỏi cấp thiết từ chính các thành viên cũng như yếu tố chuyên môn và sự phức tạp của tình hình dịch bệnh, có lẽ VFF và VPF nên quyết định dứt khoát.

Dừng giải đương nhiên là giải pháp cuối cùng, nhưng nếu phân tích thiệt hơn, nó không ảnh hưởng đến bất kỳ giá trị chuyên môn nào. Nhà tổ chức không phải vất vả trong việc xác định ai xuống hạng, ai vô địch do mọi thứ vẫn chỉ là 49-50. Ở khía cạnh khác, AFF Cup 2020 gần như chắc chắn dời sang 2021 nên việc dừng V-League không thể nói là ảnh hưởng đến đội tuyển, chưa kể còn hồi phục nhiều ca chấn thương quan trọng. Tuy nhiên, theo như Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, điều này sẽ ảnh hưởng đến tài chính, nhất là việc gọi tài trợ cho những mùa sau.

Vậy nếu đá tiếp thì sao? Có một giải pháp khả thi là học cách tổ chức của UEFA với các giải Champions League, Europa League : Đá tập trung một nơi, sân hạn chế khán giả. Các đội bóng di chuyển ngay từ bây giờ, xét nghiệm theo đúng quy định, sau đó thi đấu chín trận còn lại theo thể thức đã công bố. Hình thức này chẳng khác mấy so với kiểu các vòng chung kết trước đây nên không làm các đội bóng phải bỡ ngở. Thậm chí, nếu có sự cho phép của cơ quan chức năng, khán giả vẫn được vào sân, bao gồm cả CĐV của các CLB, nếu tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Đây cũng từng là một phương án mà VPF đã gợi ý trong đợt tạm dừng trước đây, nay rất khả thi để triển khai do hoàn cảnh đã khác trước.

Các nhà tổ chức có thể tham khảo từ giải Bóng đá Nhà nghề Mỹ (MLS), nơi 24 đội dồn về một Trung tâm Bóng đá ở Florida, đá liên tục không nghỉ, theo hình thức chia bảng, phân nhánh và không có khán giả. Giải MLS thường niên nay đổi tên thành giải “MLS Trở lại”.

Nhưng xem ra, VPF vẫn đang thụ động chờ ý kiến của các cơ quan chức năng dù xét ở góc độ nào đó, lẽ ra họ mới là những người cần được tham vấn. Tầm này không thể nói chuyện tạm dừng để chờ thời gian trở lại thêm một lần nữa. Trong hoàn cảnh phức tạp, tương tự như phần còn lại của thế giới, dù bằng hình thức nào V-League cũng cần kết thúc nhanh để có thời gian làm lại cho mùa sau.

Theo Song Việt/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói