Du khách đến vãn cảnh chùa, ngoài việc mua vé vào cổng (10 ngàn đồng/người), mua vé đi thuyền (10 ngàn đồng/người/lượt), mua vé đi cáp treo (120 ngàn đồng/người lớn cả đi và về hay 70 ngàn đồng/lượt đi), còn đóng góp vào hòm công đức, góp phần tu bổ chùa cũng khá nhiều. Người ít nhất là 20 ngàn đồng, nhưng có người đóng góp hơn 500 ngàn đồng. Đây là một điều đáng mừng đối với Ban quản lý di tích Chùa Hương tích nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Tuy nhiên, để Chùa Hương tích ngày càng thu hút du khách và chốn chùa tôn nghiêm, văn minh, lịch sự, người viết bài xin ngỏ mấy ý sau:
- Một là, những nơi du khách thắp hương cần có lối vào và lối ra riêng. Bố trí khách thắp hương theo thứ tự, để người nào cũng được thắp hương nơi cần thắp; tránh tình trạng đi chung lối, dẫn tới chen chúc, kẻ cắp lợi dụng để móc túi như hiện tại.
Chen nhau làm lễ |
Chúng tôi đi du lịch một số nước trong khu vực thấy rằng, trước khi vào những nơi như thế này, du khách phải bỏ dày dép vào một nơi quy định, đi thành hàng rất trật tự, sau đó trở ra lấy. Tuy không phải gửi nhưng không hề có mất cắp (có những đôi dày trị giá hàng triệu bạc). Nhưng, tới đây, rất buồn khi nghe Ban quản lý thỉnh thoảng nhắc nhở du khách trên loa phóng thanh: "quý khách cẩn thận, đề phòng mất cắp" nơi cửa chùa linh thiêng. Việc bố trí du khách vào thắp hương theo thứ tự một chiều (đi và ra luôn) còn tránh được tình trạng một số người tranh giành vị trí chính để cầu nguyện như hiện nay.
Việc cầu nguyện của du khách là chính đáng, tuy nhiên không ít người lợi dụng nhu cầu muốn được thắp hương sớm của du khách để kiếm tiền (như đặt chỗ trước) hay hành nghề mê tín, đồng bóng. Có nơi thành lập đoàn gồm hàng chục gia đình, đóng góp tiền mua sắm lễ vật, thuê thầy cúng đi theo để làm lễ. Đối với những trường hợp này, chiếm vị trí chính diện để thắp hương có khi hơn nửa ngày mới làm xong lễ cho cả đoàn, làm cho nhiều du khách muốn vào thắp hương rất khó khăn.
- Hai là, khâu vệ sinh rất yếu, nhất là nhà vệ sinh còn ít và quá bẩn. Mặc dù đã thu phí đi vệ sinh khá cao (3000 đồng/lượt) nhưng ai vào nhà vệ sinh cũng phát khiếp vì sợ ô uế, hôi thối. Ban quản lý chùa không thể đổ lỗi do đầu năm du khách quá đông, nhà vệ sinh quá tải, mà phải nhận thấy sự yếu kém về việc bố trí xây dựng và quản lý khu vệ sinh công cộng. Suốt dọc đường đi bộ (du khách đi bộ nhiều hơn đi cáp treo rất nhiều) không hề thấy thùng đựng rác, nhà vệ sinh nào, chỉ khi lên gần chùa mới có nhà vệ sinh công cộng. Vì vậy các bao bì, hộp đựng đồ, túi ni lon... của du khách vứt bừa bãi dọc đường lên chùa, thậm chí ngay trước cửa chùa; đi vệ sinh tuỳ tiện.
Lỗi này một phần thuộc về ý thức của du khách, tuy nhiên phần lớn thuộc về cách bố trí các thùng đựng rác, khu vệ sinh cồng cộng và sự nhắc nhở du khách của Ban quản lý chùa.
- Ba là, mặc dù đã có tuyến cáp treo và đường đi bộ phải leo nhiều dốc rất cao, rất mệt nhưng dòng người đi bộ lên chùa vẫn chen chúc nhau rất đông, có lúc bị tắc đường. Lượng khách đi cáp treo rất ít so với đi bằng đường bộ. Có một số du ít du khách đi bộ để vãn cảnh chùa, còn lại phần đông du khách đi bộ là do vé đi cáp treo khá cao (120 ngàn đồng/người lớn, 80 ngàn đồng đối với trẻ em cả đi và về, hay 70 ngàn đồng/lượt đi đối với người lớn, 50 ngàn đồng đối với trẻ em) và quãng đường đi cáp treo ngắn (du khách phải đi bộ hơn một cây số mới tới nơi có cáp treo).
Giá vé cao nên đa số du khách chọn giải pháp đi bộ |
Đi chùa thường đi theo gia đình, mỗi gia đình từ 2 đến 4 người, nên để đi cáp treo phải tốn một khoản tiền khá lớn so với thu nhập của người nông dân. Nên chăng Công ty đầu tư xây dựng cáp treo tại chùa cân đối giữa lượng khách đi chùa (qua số lượng vé vào cổng bán ra) và lượng khách đi cáp treo, từ đó đưa ra giá vé hợp lý, phù hợp với số đông, để thu hút lượng khách đi cáp treo đông hơn, vừa tăng nguồn thu, vừa hài lòng du khách.
Mong rằng, những ý kiến trên được Ban quản lý Chùa Hương tích tiếp thu, khắc phục. Về phần du khách đến chùa, cần có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi chốn linh thiêng, để chùa ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, vãn cảnh.