Cuộc họp trực tuyến hôm 31/3 giữa Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các CLB đã không đi tới một giải pháp thống nhất cho V.League. Tuy nhiên, nhiều CLB đã bày tỏ mong muốn mùa giải 2020 không có đội xuống hạng.
Nam Định (áo vàng) và Hà Tĩnh là 2 trong số những CLB đề nghị V.League 2020 không có đội xuống hạng. Ảnh: Minh Chiến. |
Đây rõ ràng là một kiến nghị đáng lưu tâm, bởi giải đấu không có đội xuống hạng sẽ khó thu hút người hâm mộ, có nguy cơ khiến các trận đấu và cả mùa giải trở nên kém hấp dẫn. Khi chất lượng các trận đấu đi xuống, người bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là các đội bóng.
Vậy tại sao họ vẫn đề xuất V.League không đội xuống hạng?
Thứ nhất, đề xuất này giúp các đội bóng không còn chịu áp lực thành tích. Theo tìm hiểu của Zing , các CLB đưa ra đề xuất này đều nằm trong nhóm có nguy cơ xuống hạng gồm Hà Tĩnh, SLNA, Đà Nẵng và Nam Định. 3 đội trong số này đang nằm ở nhóm cuối bảng trong khi SLNA cũng chỉ xếp hạng 6, thuộc nhóm thực lực yếu và đã mất nhiều trụ cột mùa này.
V.League không có đội xuống hạng sẽ giúp các đội bóng yếu yên tâm thi đấu, củng cố lực lượng trong năm nay. Họ không phải lo lắng chuyện thành tích và sẽ cởi mở hơn với các phương án thi đấu mà VPF sắp xếp vào thời gian tới.
Thứ hai, quan trọng hơn, khi không còn áp lực thành tích, các CLB sẽ không cần duy trì hợp đồng với nhóm ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Nhóm này vốn là nguồn nhân lực quan trọng ở các đội bóng nhỏ, đảm bảo cho mục tiêu trụ hạng của CLB. Khi không cần trụ hạng, các đội bóng sẽ cắt giảm hoặc chấm dứt hợp đồng với ngoại binh.
Với mức lương trung bình 5.000 USD/tháng cho một ngoại binh, các CLB có thể tiết kiệm khoảng 20.000 USD mỗi tháng khi cắt hợp đồng với 3 ngoại binh và một cầu thủ nhập tịch. Nhân lên cả mùa giải, đó sẽ là con số rất lớn với các CLB nhỏ.
Không có đội xuống hạng, nhiều CLB V.League sẽ cắt hợp đồng hoặc giảm lương với nhóm ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Ảnh: Minh Chiến. |
Áp lực tài chính đang đè nặng lên V.League là rất lớn. Hai tháng qua, họ đã liên tục phải trả lương cầu thủ, áp dụng chế độ sinh hoạt, ăn uống trong thời gian thi đấu. Bớt được đồng hay đồng ấy là ưu tiên chung của các đội bóng thời điểm này.
Chia sẻ với Zing, HLV Nguyễn Văn Sỹ của Nam Định thừa nhận: “Đội bóng không thi đấu thì tiền thưởng chắc chắn không có. Nhưng tiền lương và sinh hoạt của cầu thủ vẫn phải duy trì bình thường. Chúng tôi có vé mùa đã được CĐV đăng ký hết nhưng cũng không phát hành được vì còn phải trừ tiền của hai vòng đầu tiên. Những điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tài chính của CLB”.
V.League không có đội xuống hạng còn mang tới một lợi ích khác. Đó sẽ là cơ hội cho các CLB sử dụng nhiều cầu thủ trẻ hơn. Những cầu thủ vốn không được thi đấu vì áp lực thành tích nay sẽ có cơ hội vào sân. Đây sẽ là dịp may hiếm có cho nhiều đội bóng có nhân sự trẻ như Hà Tĩnh, Nam Định, Viettel hay HAGL.