
Gieo sự sống cho bệnh nhân
Trước khi có phòng chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện, cuộc sống của 130 người mắc bệnh thận tại Hương Sơn là chuỗi ngày đằng đẵng của những chuyến đi. Mỗi tuần, họ phải vượt hàng chục, thậm chí cả trăm cây số đến TP Vinh (Nghệ An), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh hay Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ để giành giật sự sống.
Ước mơ về một trung tâm chạy thận tại địa phương luôn là niềm mong mỏi của những bệnh nhân và nỗi trăn trở của Trung tâm Y tế huyện. Và rồi, một nghĩa cử cao đẹp đã biến ước mơ ấy thành hiện thực khi Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh đã hỗ trợ 11 máy chạy thận nhân tạo với tổng trị giá 5 tỷ đồng. Đây không chỉ là những cỗ máy mà là sự tiếp nối của những tấm lòng, là minh chứng sống động cho tinh thần "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, có máy móc thôi là chưa đủ. Để những thiết bị hiện đại này thực sự mang lại sự sống cho bệnh nhân, cần có đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn. Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đã ngay lập tức cử 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đào tạo chuyên sâu trong 6 tháng, cùng 1 kỹ thuật viên đi học tại Bệnh viện Bạch Mai trong 1 tháng.
Đây là sự đầu tư nghiêm túc, thể hiện quyết tâm cao độ trong việc đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Bác sĩ Kiều Viết Thủy, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, người trực tiếp phụ trách phòng chạy thận chia sẻ: "Dù khó khăn, vất vả nhưng niềm vui của bệnh nhân là động lực lớn nhất để y bác sĩ chúng tôi luôn cố gắng".




Ngày 9/4/2025 đã trở thành một cột mốc đáng nhớ khi ca chạy thận đầu tiên được thực hiện thành công tại Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu, một bác sĩ và một kỹ thuật viên từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã túc trực, "cầm tay chỉ việc", truyền đạt kinh nghiệm quý báu cho đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ tại trung tâm và đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả.
Được biết, từ khi vận hành đến nay, đã có hơn 350 lượt bệnh nhân được chạy thận. Trung tâm hiện có thể đáp ứng phục vụ chạy thận nhân tạo cho 30 bệnh nhân/ngày, mỗi bệnh nhân chạy thận 4 tiếng, xen kẽ 3 buổi/tuần vào các ngày 3-5-7 hoặc 2-4-6. Đây là một con số ấn tượng, cho thấy hiệu quả hoạt động và nhu cầu thực tế của người bệnh.

Cuộc sống của anh Nguyễn Bình Đạt (xã Sơn Tây, Hương Sơn) từng là một bản trường ca buồn của những chuyến đi. Hai năm trước, khi căn bệnh thận ập đến, anh phải đi từ Vũ Quang xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để duy trì sự sống. Thế rồi, một ngày, tin tức về việc Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn có máy chạy thận nhân tạo đã thắp tia hy vọng trong anh.
"Hai năm qua, cứ đến lịch chạy thận là tôi lại nơm nớp lo. Lo đường xa, lo sức khỏe không chịu nổi, rồi lo cả gánh nặng tiền bạc đè lên vai vợ. Những chuyến đi cứ bào mòn dần sức lực và cả niềm vui sống. Khi nghe tin Trung tâm Y tế huyện có máy chạy thận, tôi mừng đến rơi nước mắt. Về đây gần hơn, đỡ vất vả hơn, tôi thấy như được sống lại một lần nữa” - anh Đạt trải lòng.

Ông Nguyễn Quyết Danh (xã Quang Diệm, Hương Sơn) từng đều đặn vượt quãng đường dài để duy trì sự sống. Ba năm ròng, ông phải gắn bó với Bệnh viện Giao thông vận tải Nghệ An, một hành trình xa xôi và đầy tốn kém.
"Mỗi tuần ba buổi đi chạy thận ở Nghệ An là cả một quá trình vất vả. Tôi phải di chuyển xa, tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc. Sức khỏe đã yếu, lại phải chịu thêm những chuyến đi dài, nhiều lúc tôi thấy kiệt sức. May mắn giờ đây có máy chạy thận ngay tại huyện, tôi không còn phải lo chuyện đi lại xa xôi nữa. Thời gian dành cho gia đình nhiều hơn, sức khỏe cũng ổn định hơn. Điều trị ngay gần nhà thực sự là một điều may mắn lớn, giúp tôi và những bệnh nhân khác vơi đi gánh nặng rất nhiều" - ông Danh chia sẻ.

Đối với chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (xã Hàm Trường, Hương Sơn), việc được điều trị trong một môi trường thân thiện, chuyên nghiệp và đặc biệt là ngay gần nhà, không chỉ giảm bớt gánh nặng thể chất từ những chuyến đi mà còn mang lại sự thoải mái về tinh thần, giúp chị vững tâm hơn rất nhiều trên hành trình đầy thử thách này.
"Điều khiến tôi thấy an tâm và hài lòng chính là thái độ tận tình, gần gũi của đội ngũ y bác sĩ. Các anh chị điều dưỡng, bác sĩ ở đây không chỉ làm đúng nhiệm vụ mà còn rất thân thiện, thường xuyên trò chuyện, động viên chúng tôi. Có bất kỳ thắc mắc hay khó chịu nào, họ đều lắng nghe và giải thích rất cặn kẽ, khiến chúng tôi thấy được quan tâm thực sự, không còn cảm giác đơn độc chiến đấu với bệnh tật nữa” - chị Nhàn bộc bạch.

Những chia sẻ chân thành của anh Nguyễn Bình Đạt, ông Nguyễn Quyết Danh và chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn không chỉ là câu chuyện của riêng họ, mà còn là tiếng lòng của các bệnh nhân thận đang tìm thấy ánh sáng hy vọng tại Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn.
Từ gánh nặng đường xa và chi phí chồng chất, giờ đây, họ được điều trị ngay tại quê nhà, trong một không gian thân thiện, được chăm sóc tận tình bởi đội ngũ y bác sĩ tận tâm.
Họ là những "chiến binh" thầm lặng
Đằng sau những nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân là sự tận tụy không ngừng nghỉ của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng. Tại phòng chạy thận nhân tạo, công việc của họ không chỉ đơn thuần là thực hiện y lệnh, mà là một cuộc chạy đua với thời gian, với những rủi ro tiềm ẩn.


Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, một trong những điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, chia sẻ về nhịp điệu công việc: "Mỗi ngày, chúng tôi phải đón tiếp và phục vụ hàng chục lượt bệnh nhân.
Mỗi ca chạy thận kéo dài 4 tiếng đồng hồ, trong khoảng thời gian đó, chúng tôi phải liên tục túc trực bên giường bệnh. Công việc bắt đầu từ khâu chuẩn bị máy móc, lắp đặt hệ thống dây chuyền, kim lọc cho từng bệnh nhân một cách tỉ mỉ, đảm bảo vô trùng tuyệt đối”.

Trong suốt quá trình lọc máu, điều dưỡng viên phải canh trực từng phút, theo dõi sát sao mọi diễn biến trên màn hình máy chạy thận và trên cơ thể bệnh nhân. "Chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra huyết áp, mạch, nhiệt độ và theo dõi chặt chẽ quá trình lọc để bổ sung thuốc hoặc điều chỉnh máy kịp thời” - chị Huyền giải thích.
Đặc thù của bệnh nhân chạy thận là sức khỏe yếu, dễ có biến động bất ngờ như tụt huyết áp, co giật hoặc sốc phản vệ. Chính vì vậy, điều dưỡng phải luôn sẵn sàng tinh thần cảnh giác cao độ để xử lý nhanh chóng mọi tình huống bất ngờ.
"Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, dù là nhỏ nhất, chúng tôi phải phản ứng ngay lập tức để đảm bảo an toàn tính mạng. Hơn nữa, công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối trong việc ghi chép hồ sơ, theo dõi lượng dịch vào ra, và quản lý thuốc men. Điều dưỡng còn là người trực tiếp tư vấn, trấn an tâm lý cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua những lo lắng, căng thẳng trong quá trình điều trị” – chị Huyền chia sẻ thêm.



Đối với điều dưỡng viên Lê Thị Thu Hoài, phòng chạy thận nhân tạo không chỉ là nơi làm việc mà thực sự là một ngôi nhà chung, nơi mỗi cán bộ, y bác sĩ đều nỗ lực hết mình vì người bệnh.
“Để vận hành hiệu quả hệ thống máy móc và chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất, đội ngũ điều dưỡng đã trải qua quá trình đào tạo bài bản. Chúng tôi đã được học kỹ thuật 6 tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lại được bác sĩ từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực tiếp “cầm tay chỉ việc”. Đó là một cơ hội quý giá để chúng tôi vững vàng chuyên môn” - chị Hoài bộc bạch.



Hành trình học hỏi và thực hành đã giúp chị Hoài và đồng nghiệp hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, sự "làm chủ" đó đi kèm với trách nhiệm to lớn và không ít hy sinh. "Đặc thù công việc đòi hỏi chúng tôi phải túc trực liên tục, theo dõi sát sao từng phút vì sức khỏe bệnh nhân có thể diễn biến bất ngờ. Dù là lễ, chúng tôi cũng không được nghỉ ngơi trọn vẹn, nhưng ai cũng sẵn lòng. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng, mỗi ca trực, mỗi sự tận tâm của mình đều góp phần giữ lại sự sống và mang đến niềm hy vọng cho những người bệnh” - chị Hoài chia sẻ.

Là người trực tiếp “chèo lái” phòng chạy thận, bác sĩ Kiều Viết Thủy - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc thấu hiểu những thách thức và niềm hạnh phúc trong công việc. "Thực sự, những ngày đầu khi có máy móc về, chúng tôi mừng nhưng cũng rất áp lực. Số lượng bệnh nhân lớn, trong khi đội ngũ chưa đủ. Việc cử cán bộ đi học 6 tháng ở tuyến tỉnh, rồi lại 1 tháng ở tuyến Trung ương là cả một sự sắp xếp và đầu tư lớn. Chúng tôi biết, gánh nặng trên vai mình không chỉ là kỹ thuật, mà còn là niềm tin của hàng trăm gia đình" - bác sĩ Thủy bộc bạch.

Tuy nhiên, mọi khó khăn dường như tan biến khi chứng kiến những thay đổi tích cực của bệnh nhân. "Dù công việc ở khoa đã vô cùng vất vả, đòi hỏi phải canh trực từng phút, thế nhưng, khi nhìn thấy bệnh nhân được chạy thận ngay tại địa phương, gương mặt họ bớt đi sự mệt mỏi, đặc biệt là những người đã phải đi xa ròng rã nhiều năm, niềm vui đó lớn hơn tất cả. Đó chính là động lực lớn nhất để y bác sĩ chúng tôi cố gắng từng ngày" - bác sĩ Thủy tâm sự.
Chính nhờ sự học hỏi, làm chủ kỹ thuật và tinh thần tận tâm của từng cán bộ mà từ khi vận hành đến nay, trung tâm đã phục vụ hơn 350 lượt bệnh nhân. Đó là một con số ý nghĩa, cho thấy hiệu quả từ sự kết hợp giữa thiết bị hiện đại và con người chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên có thêm điều kiện trau dồi chuyên môn, hướng tới chăm sóc, phục vụ bệnh nhân ngày càng được tốt hơn.