Bạo lực và bất bình đẳng: “Thủ phạm” phá hoại hạnh phúc gia đình!

(Baohatinh.vn) - Bạo lực và bất bình đẳng là hai tác nhân chính “gây hại” hạnh phúc gia đình thể hiện qua 3 phần thi (chào hỏi, kiến thức, năng khiếu) của các đội tham dự hội thi CLB gia đình hạnh phúc tỉnh Hà Tĩnh lần thứ nhất vừa được tổ chức thành công. Hạnh phúc, dĩ nhiên, không đồng nhất với loại trừ bạo lực và bất bình đẳng mà còn cần nhiều hơn thế, song phản ánh 2 thực trạng này, chứng tỏ đó đang là mối nguy trong xã hội.

bao luc va bat binh dang thu pham pha hoai hanh phuc gia dinh

Bạo lực gia đình vẫn đang là nỗi nhức nhối trong xã hội.

Hội thi CLB gia đình hạnh phúc thu hút 12 đội thuộc 12 huyện, thành phố, thị xã tham gia, ngoại trừ huyện Cẩm Xuyên. Trước đó, Vũ Quang - huyện duy nhất đã tổ chức hội thi cấp huyện. Với các phần tranh tài, hội thi đã thực sự đem đến không khí vui tươi, với nhiều chi tiết nghệ thuật thú vị, đồng thời gửi gắm nhiều thông điệp hạnh phúc.

Rõ ràng, hạnh phúc là đường đi và đích đến của tất cả. Song, không phải ai cũng cảm nhận được hạnh phúc, thậm chí, với nhiều người chỉ khi hạnh phúc mất đi thì họ mới nhận ra và ăn năn kiếm tìm. Nhiều thông điệp trong cuộc thi lần này đã “gióng” lên hồi chuông như vậy.

Kịch bản “Đi tìm hạnh phúc” của huyện Đức Thọ dẫu không hấp dẫn người xem bởi cách bố trí sân khấu, tổ chức chi tiết nghệ thuật, song đã nói lên nỗi niềm của các ông bố tự cho mình là không may mắn. Nhân vật chính trong tiểu phẩm là người chồng chán cảnh “3G” (một vợ và 2 con là gái) nên thường sa vào rượu chè, chửi bới vợ con và bắt ép … vợ đẻ. Mong muốn để có con trai không thành, anh ta tuyên bố “đi tìm hạnh phúc” - tìm đến người đàn bà khác. Dĩ nhiên, cái kết của tiểu phẩm bao giờ cũng có hậu. Người chồng đã trở về trong nỗi khổ tâm ân hận và đã nhận ra hạnh phúc mà mình cần trân trọng, gìn giữ.

Trong các tiểu phẩm “trình làng” hôm ấy, bạo lực mà người chồng gây cho người vợ hầu như xuất hiện ở tất cả, bao gồm cả 2 tiểu phẩm vừa nói trên, song đậm đặc nhất là tiểu phẩm “Ly rượu ngày xuân” của huyện Hương Sơn do Nguyễn Khoa sáng tác. Tiểu phẩm chủ yếu là phần lời kịch với giọng miền núi đậm đà, mang theo những câu đối thoại thể hiện tâm lý của đàn ông thời bất chấp “hiện với chả đại”, say mê thuốc lào, rượu trắng và triết lý kiểu… ao làng.

Những trận cười tán thưởng đã được khán giả tặng cho các diễn viên không chuyên đến từ miền núi, nhưng đọng lại sau đó là những ngậm ngùi xót xa. Anh đánh vợ đến mức phải đi bệnh viện, rồi còn bảo: “may là hôm đó ban đêm chứ ban ngày thì…”, “vợ tui tui đánh chớ có đánh vợ ai mô mà sợ”… Ở tiểu phẩm này, người dàn dựng cũng đã tinh ý khi để cô cán bộ xã điều chỉnh hành vi của người vợ, theo hướng “chồng giận bớt lời”, qua đó, gửi đến thông điệp hạnh phúc gia đình là sự cộng gộp của nhiều bên cùng cố gắng.

bao luc va bat binh dang thu pham pha hoai hanh phuc gia dinh

Trọng nam khinh nữ, nguyên dân dẫn đến bi kịch gia đình

Ngoài phần tiểu phẩm, nội dung bạo lực gia đình và bất bình đẳng còn được các đội thể hiện trong phần thi trả lời câu hỏi như: cơ sở nào có thể trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình; trách nhiệm của công dân trong thực hiện bình đẳng giới; các hành vi vi phạm bình đẳng giới bị nghiêm cấm…

Xây dựng hạnh phúc, như đã nói, không chỉ có loại trừ bạo lực và bất bình đẳng mà còn cần nhiều yếu tố như: “Giữ nếp gia phong” - tiểu phẩm của huyện Lộc Hà); loại trừ nạn lô đề, cá độ bóng đá: “Cá độ - khổ vợ con” - tiểu phẩm của huyện Can Lộc; “Niềm vui hạnh phúc” - tiểu phẩm của TP Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, còn thể hiện ở nhiều thông điệp hành động mà các đội đem đến: Hãy để tình yêu sưởi ấm gia đình bạn; gia đình ổn định, đất nước phồn vinh; gia đình văn hóa, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc... Chính từ quan điểm này nên các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng các CLB gia đình hạnh phúc với nhiều hành động thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 10 CLB điểm tại các huyện, thị xã.

Cùng với các giá trị nội dung, việc chuyển tải ví, giặm Nghệ Tĩnh cùng các tiết đoạn sân khấu mang tính hài, hội thi đã được đã đánh giá: “Có chất lượng cao, tạo hiệu ứng tốt trong đời sống xã hội”.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast