Lo như con… đỗ đại học

Một năm học mới với rất nhiều niềm vui mới của các gia đình có con thi đậu vào đại học đã đến. Tuy nhiên, hàng trăm gia đình nông dân đang rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí là là túng bấn khi quyết định cho con đi học đại học.

Những ngày gần đây, chúng tôi về một số vùng quê đều gặp cảnh hoan hỷ của những bữa tiệc liên hoan, gặp mặt chúc mừng các tân sinh viên chuẩn bị lên đường nhập học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp những cảnh u buồn của các ông bố, bà mẹ nghèo có con đậu đại học; những cô cậu sắp bước vào cổng trường đại học nhưng lại lo bố mẹ không có tiền để cho con theo học. Thậm chí, có những gia đình, những ngày này đang chạy vạy vay mượn từng đồng để cho con nhập học…

Bố em Tình đang động viên em cố gắng vượt khó học tập
Bố em Tình đang động viên em cố gắng vượt khó học tập

Em Ngô Minh Phúc, ở xóm 3, xã Sơn Bằng (Hương Sơn) là một trường hợp như thế. Phúc là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em; cả bố và mẹ đều là nông dân, lại đau ốm thường xuyên. Quần quật bươn chải mãi nhưng gia đình Phúc vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Kỳ thi đại học vừa rồi Phúc đậu á khoa trường Đại học Y Hà Nội với 29 điểm và Đại học Ngoại thương Hà Nội. Lẽ thường, phải hớn hở trước tin vui đậu đại học, nhưng Phúc lại rầu rĩ: “Đậu đại học là niềm vui lớn nhất nhưng em cũng rất lo không biết rồi đây có theo đuổi được ước mơ hay không. Cầm trên tay giấy báo nhập học, nhìn các khoản đóng đậu mà em hoa cả mắt. Gia đình em khó khăn lắm; anh trai lại cũng đang học ở Hà Nội, em sợ bố mẹ không đủ sức cho em theo học nữa...”

Cùng cảnh ngộ với em Phúc, em Thái Thị Lê, ở xã Đức Lâm (Đức Thọ) cũng là một tân sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mất sớm, một mình mẹ Lê quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” làm 5 sào ruộng, chăn nuôi thêm con lợn con gà để nuôi 5 chị em ăn học. Vừa rồi, Lê nhận giấy báo nhập học của trường Đại học Hà Tĩnh nhưng niềm vui chẳng thể che lấp được nỗi âu lo trên khuôn mặt còn nguyên vẻ thơ ngây của em.

Lê lo lắng: “Một mình mẹ nuôi 2 chị học đại học đã cực lắm rồi, giờ thêm em nữa, em sợ mẹ cáng đáng không nổi. Ba chị em cùng học đại học, em sợ mẹ không đủ sức để gánh nữa… Nghĩ cảnh mẹ già còm lưng suốt bốn mùa trên cánh đồng để bòn từng hạt thóc nuôi con ăn học, nhiều đêm em không sao chợp mắt được. Tuy nhiên, vì tương lai, mẹ em vẫn động viên bọn em đi học…”.

Mẹ con em Lê lo lắng khi cùng lúc cả 3 chị em Lê học đại học
Mẹ con em Lê lo lắng khi cùng lúc cả 3 chị em Lê học đại học

Tân sinh viên Đại học sư phạm Vinh Lê Thị Tình ở xã Đức Bồng (Vũ Quang) là một trong những hoàn cảnh khó khăn đến thương cảm. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, việc ăn học của Tình phải trông chờ vào người anh làm công nhân ở tận Đồng Nai. Tình buồn buồn: “Ước mơ của em là đậu vào trường sư phạm để sau này trở thành cô giáo. Đậu Đại học sư phạm Vinh là đã bắt đầu được thực hiện ước mơ đó, nhưng giờ đây nghĩ đến việc nộp tiền học, tiền phòng, tiền ăn và những khoản chi phí khác... em lo lắm. Bố thì không còn khả năng lao động, anh trai còn có gia đình riêng của anh, không biết em vượt qua được khó khăn này không”.

Anh Ngô Văn Hoá, bố em Ngô Minh Phúc “choáng” khi biết con mình sẽ phải nộp đến 3,5 triệu các khoảng ngay khi nhập học. Anh nói: “Thu nhập của 2 vợ chồng tôi mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng mà bây giờ con nó nộp học một lần 3,5 triệu, coi như gần 4 tháng trời cả nhà nhịn ăn. Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào cũng phải vay mượn cho con nó học. Nó có học hành tới nơi tới chốn may ra mới thoát khỏi cái nghèo cái khổ được”.

Anh Hoá còn lo lắng bởi đến thời điểm hiện tại, gia đình anh đã vay mượn Ngân hàng và anh em, bạn bè gần 50 triệu đồng để nuôi anh trai Phúc là Hạnh (học trường Đại học Bách khoa Hà Nội); giờ đây, Phúc theo học trường Đại học Y Hà Nội, anh chị chưa biết vay mượn đâu để nuôi con trong quãng thời gian dài đằng đẵng. Anh Hoá nhẩm tính: “Thời buổi ni giá cả mọi thứ đều leo thang, chúng nó lại sống ở Hà Nội nữa nên tui tính rồi, trừ tiền học phí nộp từ đầu năm, ít nhất mỗi tháng vợ chồng tui cũng phải cấp cho mỗi đứa trên dưới 2 triệu. Tính thì tính thế thôi nhưng chưa khi nào tôi cho thằng Hạnh nổi 2 triệu/tháng. Thương con lắm nhưng cũng không biết làm sao”.

Chị An, mẹ em Phúc lo lắng khi cả 2 anh em Phúc cùng học đại học ở Hà Nội
Chị An, mẹ em Phúc lo lắng khi cả 2 anh em Phúc cùng học đại học ở Hà Nội

Chị Liên - mẹ em Thái Thị Lê cũng lo lắng: “Cứ đến đầu tháng tôi lại mất ăn mất ngủ nghĩ xem trong nhà có cái gì bán được nữa không để mà gửi tiền cho con ăn học. Hơn 20 triệu vay cho hai con chị đi học chưa biết đến bao giờ mới trả được; bò lợn cũng bán hết rồi, giờ đến lượt cái Lê… Dù nó chọn học trong tỉnh có đỡ được phần nào nhưng ít nhất mỗi tháng cũng phải ráng lo cho ba chị em nó được vài triệu bạc. Mà, một thân một mình làm nông nghiệp thuần tuý như tôi, một tháng kiếm được dăm trăm ngàn đã khó chứ đừng nói gì đến tiền triệu… Cực lắm các anh ơi”.

Khác với hoàn cảnh của anh Hoá, chị Liên, bố em Tình do không còn khả năng lao động nên mọi khoản chi tiêu đóng góp trong gia đình đều phải dựa vào cậu con trai đang làm công nhân ở Đồng Nai. Anh Tài (bố em Tình) cố dấu nỗi âu lo, nói: “Tôi cũng tính rồi, 4 năm nó học đại học ít nhất cũng phải hết 70-80 triệu đồng. Tôi bây giờ mất sức lao động chẳng làm được gì. Tiền ăn học của con chỉ biết vay mượn và nhờ vào sự hỗ trợ từ anh trai nó. Tuy nhiên, anh trai nó cũng chỉ làm công nhân, lại có gia đình, vợ con nữa nên cũng khó khăn lắm. Biết rồi sẽ vất vả lắm nhưng dù vất vả đêế đâu gia đình tôi cũng quyết tâm cho con đi học đại bằng được…”

Trong số các sinh viên vào đại học năm nay, hoàn cảnh gia đình nhiều em vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy, những người cha, người mẹ vẫn ráng sức cho con đi học. Cùng với nhà trường và xã hội, chính sự vượt khó của các em, của các bậc phụ huynh hôm nay sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp đào tạo những nhân tài, những người chủ tương laic cho đất nước….

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast