Săn cu kỳ

(Baohatinh.vn) - “Soạp”! Một con chim cu vừa sập bẫy giãy đành đạch trong tấm lưới. Con vật tội nghiệp vùng vẫy trong tuyệt vọng, song chẳng thể khiến người thợ săn động lòng. Chẳng biết, rồi đây, số phận của những chú cu kỳ sẽ đi về đâu trước "thiên la địa võng" và nòng súng của người săn chim?...

Đi săn chim trời

Cứ độ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, chim cu kỳ lại di trú về vùng giáp ranh giữa hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Đây cũng là dịp vào mùa "làm ăn" của cánh đi săn.

Để không lỡ hẹn, trời còn chưa sáng rõ mặt người, xe tôi đã lăn bánh về miền biển Kỳ Xuân. “Đánh vật” với quãng đường sỏi đất gập ghềnh trong ánh đèn leo lét phát ra từ chiếc đèn pha xe máy, khó khăn lắm tôi mới lần được địa chỉ của gia đình ông Trần Văn Đức (xóm Xuân Thắng) - một thợ săn cu kỳ sống.

Ông Trần Văn Đức bên hai chú chim mồi.
Ông Trần Văn Đức bên hai chú chim mồi.

Tính đến đời ông Đức đã là thế hệ thứ 4 trong gia đình theo nghề đi săn. Thâm niên 15 năm bẫy chim đã đủ để ông thuộc hết mọi “ngón” nghề. Vừa nói chuyện, người thợ săn lão luyện thoăn thoắt tay chuẩn bị đồ. Dụng cụ đi săn khá đơn giản, một cuộn kim chỉ để khâu mắt và một chiếc lồng với 5 con chim mồi đang “yên vị”. Sau khi chắc chắn mọi thứ đầy đủ, ông ra hiệu cho tôi lên đường.

Mặt trời ửng hồng phía đằng đông, tôi theo chân người thợ gia nhập vào đội quân đi săn. Chúng tôi men theo con đường bê tông trên lối dẫn vào Đồn Biên phòng Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), xung quanh những cánh đồng lúa đang gặt dở. Đến địa điểm “tập kết”, 7 người đàn ông nhanh chóng vào vị trí. “Nếu may mắn chọn được nơi có hướng gió thuận lợi, chim dạt về nhiều, công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn”, ông Đức chia sẻ.

Đúng 6h sáng, mọi người bắt đầu làm việc. Theo kinh nghiệm của những lão làng trong nghề, từ 6-8h sáng được coi là “khung giờ vàng”, bởi đó là thời điểm chim cu kỳ kéo đến đông nhất. Vị trí săn của từng người đã được cố định sẵn hai tấm lưới có diện tích xấp xỉ 13 m2. Tấm lưới căng ra như chiếc vó, các góc nối với nhau bởi sợi dây dù bằng ngón tay cái. Khi người thợ săn giật mạnh sợi dây, hai tấm lưới nhanh chóng sập lại trùm kín con mồi. Năm chú chim mang theo được ông Đức đưa từ trong lồng ra, khéo léo cột đuôi vào cọc tre thả xuống mặt đất.

Hoàn tất mọi thứ, ông luồn tay vào một cái rổ được cố định sẵn và bắt đầu giật dây. Theo thao tác giật có nghề của người thợ, 5 chim mồi tự động “máy” cánh. Đàn chim cu kéo đến mỗi lúc một đông, ông Đức dõi mắt chờ đợi. Ông ra hiệu cho tôi ngồi im, khuôn mặt căng thẳng đẫm mồ hôi. Thấy đồng loại vỗ cánh gọi đàn, một chú chim cu vui mừng sà xuống mà không hề biết chiếc bẫy “sinh tử” đang đợi sẵn phía dưới.

“Soạp”! Một con chim sa lưới. Ông Đức bật ra khỏi vị trí, nhanh tay tóm lấy con vật tội nghiệp. Tuy cùng họ với chim cu gáy, cu xanh nhưng cu kỳ lại lớn hơn nhiều. Trung bình mỗi con nặng khoảng 1 kg, lông màu nâu, có chấm xanh viền quanh cổ. Mỏ và chân chim cu chắc khỏe, khoe sắc tím hồng sặc sỡ...

Người đi săn thường sử dụng nhạ (một loại chất nhựa dễ kết dính) để bẫy nhưng do lông cu kỳ rất bở nên chim dễ dàng vỗ cánh thoát thân. Hai hình thức săn cu kỳ phổ biến là dùng lưới bắt sống hoặc sử dụng súng tozet 8 để bắn. Anh Trần Văn Mính (xóm Xuân Thắng) là thợ săn cu kỳ bằng súng có tiếng trong vùng. Ngoài đồ nghề đã được trang bị, anh Mính còn làm thêm một chiếc chòi nấp, canh lúc chim sà xuống ngắm bắn.

Tận diệt nguồn chim

Chim cu kỳ được coi là đặc sản của vùng đất Kỳ Xuân. Theo lời “quảng cáo” của cánh thợ, “cu kỳ là loài chim to hơn bồ câu, thịt ngon và bổ gấp nhiều lần chim cu gáy”. Tháng 4 đến tháng 9 âm lịch được coi là mùa săn chim của những người dân trong vùng. Trong khoảng thời gian này, giá cu kỳ sống dao động từ 400-450 ngàn đồng/con. Nếu là chim cu đã chết (thường do bị bắn), giá chỉ còn một nửa. Vào mùa mưa, lượng khách du lịch giảm, loài đặc sản này cũng dần “mất giá”. Trái ngược với cu kỳ sống được mua về làm quà biếu hoặc làm cảnh, “bãi đáp” của chim cu đã bị “trảm” là những quán nhậu ven biển.

Nếu “mát tay”, hàng tháng, thợ săn cu kỳ có thể “dắt túi” xấp xỉ 15 triệu đồng. Bởi vậy, chỉ vừa gác lưỡi liềm, những trai tráng trong vùng không bỏ lỡ cơ hội, tranh thủ thời gian đi bẫy chim.

Để có vị trí thuận lợi cho việc săn bắn cu kỳ, các thợ săn ở Kỳ Xuân phải nấp kín trong các chòi được dựng sẵn (Ảnh: Vũ Toàn/tuoitre.vn).

Để có vị trí thuận lợi cho việc săn bắn cu kỳ, các thợ săn ở Kỳ Xuân phải nấp kín trong các chòi được dựng sẵn (Ảnh: Vũ Toàn/tuoitre.vn).

“Ngày trước, cứ xách đồ nghề ra khỏi nhà, kiểu gì cũng có 5-7 con chim cu bỏ mạng, nhưng giờ, ngày bẫy được 1 con là may mắn lắm. Có khi chẳng được con nào”, ông Đức thở dài. Ở thời điểm hiện tại, những người săn chim sống như ông ở Kỳ Xuân không còn nhiều. Cánh thợ săn phần lớn sử dụng súng tozet 8 bắn chim. So với công đoạn bẫy “thủ công” như ông Đức, ngày nhiều họ có thể săn được 7-8 con. Điều đáng nói, dùng súng săn đồng nghĩa với gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và tận diệt nguồn chim. Đó cũng là lý do mà chim cu kỳ không còn nhiều như trước.

Ông Đức và cánh thợ săn vẫn tiếp tục công việc, tôi căng mắt dõi theo. Lại thêm một chú chim cu “đoản mạng”. Nó vẫy vùng, cố thoát thân nhưng vô nghĩa. Đã thành thói quen, người thợ lão luyện vội vàng lấy chỉ khâu mắt con chim. Sau bước thủ thuật dưới bàn tay khéo léo của ông Đức, chim cu kỳ bỗng trở nên ngoan ngoãn. Chẳng biết, rồi đây, số phận của những chú cu kỳ sẽ đi về đâu trước nòng súng của người săn chim?!...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast