Xăng dầu, tỷ giá sẽ tác động đến mặt bằng giá tháng cuối năm

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, xu hướng hồi phục của giá xăng, biến động tỷ giá và chuẩn bị hàng hóa Tết sẽ tác động lên mặt bằng giá cả chung của tháng 12/2016.

Xu hướng hồi phục của giá xăng dầu trong thời gian tới dự báo sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá tháng 12/2016. Ảnh minh họa (nguồn Petrolimex)

Cụ thể theo Cục Quản lý giá, dự báo một số yếu tố tác động gây sức ép tăng lên mặt bằng giá tháng 12/2016 như xu hướng hồi phục của giá xăng dầu trong thời gian tới.

Cùng với đó, nhu cầu nguyên vật liệu tăng do các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Đồng thời, xu hướng biến động tăng của tỷ giá USD/VND chủ yếu do đồng Đôla Mỹ có khả năng tiếp tục lên giá so với các ngoại tệ chủ chốt trên thị trường thế giới.

Giá hàng may mặc, mũ nón, giày dép (phục vụ mùa đông) tăng tại các tỉnh miền Bắc do thời tiết chuyển sang mùa mùa lạnh; Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng dự kiến sẽ tác động tới tình hình lạm phát.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng ổn định hoặc giảm giá nhẹ trong tháng như mặt hàng phân bón, vật liệu xây dựng do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp cũng như nguồn cung được đảm bảo.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động bất thường trong tháng.

Trước đó cơ quan quản lý giá cũng cho biết, trong tháng 11/2016, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường chủ yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm so với tháng 10/2016. Các mặt hàng có xu hướng ổn định như thóc gạo tại miền Bắc, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuối, muối và xi măng; Giá thức ăn chăn nuôi và thép giảm. Riêng giá bán buôn đường, LPG, thép, phân bón tăng.

Cụ thể, tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường ổn định so với tháng 10/2016. Giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.500 - 7.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 8.000 - 9.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.500 - 14.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá thóc gạo có xu hướng tăng/giảm so với tháng 10/2016. Giá thóc tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 4.700 - 5.200 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg). Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu hiện khoảng 6.600 - 6.700 đồng/kg (giảm 750 đồng/kg); gạo 25% tấm ở mức 6.450 - 6.550 đồng/kg (giảm 600 đồng/kg).

Thực phẩm tươi sống: Giá hầu hết tăng nhẹ hoặc ổn định (tùy loại) trong tháng 11/2016 do nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg; tại Miền Nam, giá phổ biến khoảng 42.000 - 45.000 đồng/kg. Thịt bò thăn ổn định: Giá phổ biến khoảng 260.000 - 275.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch giá phổ biến ở mức 110.000-123.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Giá một số loại rau, củ, quả ổn định tại miền Bắc và miền Nam, tăng tại khu vực miền Trung; cụ thể giá một số loại rau củ tại miền Trung như sau: Bắp cải phổ biến 20.000 - 25.000 đồng/kg (tăng 3.000-5.000 đồng/kg); khoai tây phổ biến 20.000 - 23.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg); cà chua phổ biến 20.000 - 25.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg).

Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản ổn định: Cá chép phổ biến 73.000 - 80.000 đồng/kg; tôm sú phổ biến 187.000 - 190.000 đồng/kg; cá quả phổ biến 125.000 - 127.000 đồng/kg.

Phân bón urê: Giá phân bón Urê trong nước tháng 11/2016 tăng nhẹ so với tháng 10/2016 khoảng 100 - 200 đồng/kg. Cụ thể: Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 7.200 - 7.500 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.200 - 7.300 đồng/kg.

Muối: Giá muối tháng 11/2016 tương đối ổn định so với tháng trước. Cụ thể: miền Bắc từ 1.000 - 1.500 đồng/kg; miền Trung muối thủ công từ 300-600 đồng/kg, muối công nghiệp từ 500 - 700 đồng/kg, Nam Bộ từ 300 - 600 đồng/kg.

Đường: Giá bán buôn đường trên thị trường tháng 11/2016 tăng so với tháng 10/2016 do sản lượng đường chưa nhiều; cụ thể: giá bán buôn đường RS dao động từ 16.600 - 17.300 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg); giá bán buôn đường RE ở mức 17.200 - 17.800 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg). Giá bán lẻ đường trên thị trường ổn định 18.000 - 21.000 đồng/kg.

Thức ăn chăn nuôi: Giá thức ăn hỗn hợp giảm nhẹ so với tháng trước, cụ thể: giá thức ăn cho gà thịt ở mức 9.400 - 9.450 đồng/kg (giảm 100 - 250 đồng/kg); giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt ở mức 8.200 - 8.300 đồng/kg (giảm 400 - 500 đồng/kg).

Xi măng: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 11/2016 cơ bản ổn định so với tháng 10/2016; tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1,05 -1,55 triệu đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1,46 – 1,85 triệu đồng/tấn.

Thép xây dựng: Tháng 11/2016, giá thép xây dựng biến động tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg so với tháng 10/2016; cụ thể: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 11.600 - 13.950 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động ở mức 11.700 - 14.200 đồng/kg.

LPG: Từ ngày 01/11/2016, do tác động của giá CP (contract price), các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán lẻ khoảng 19.000 đồng/bình 12kg.

Xăng dầu: Trong tháng 11/2016, Bộ Công thương đã ban hành 2 văn bản điều hành giá xăng dầu. Cụ thể: ngày 4/11/2016, các mặt hàng xăng được điều chỉnh tăng 43 - 47 đồng/lít (tùy từng mặt hàng), các mặt hàng dầu ổn định; ngày 19/11/2016, các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm 355 - 578 đồng/lít,kg./.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói