Nghệ Tĩnh “đỏ”
Nghệ Tĩnh “đỏ”

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam, xứ Nghệ mang dấu ấn nổi trội bởi khí chất của con người và vùng đất. Nói đến Nghệ Tĩnh là người ta nghĩ ngay đến những con người can trường, đi đầu bước trước trong mọi cuộc cách mạng. Từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Bác Hồ đã gọi xứ Nghệ là Nghệ Tĩnh “đỏ”.

Nghệ Tĩnh “đỏ”
Nghệ Tĩnh “đỏ”

Núi Quyết, non Hồng nghìn năm sừng sững và dòng sông Lam chảy bao đời giữa hai bờ Nghệ An - Hà Tĩnh từng chứng kiến biết bao làng quê đã vùng dậy chống lại ách đô hộ của thực dân, phong kiến, lập nên những làng Xô viết trong cao trào 1930-1931. Những “làng đỏ” thắp lên ngọn lửa yêu nước khắp mọi miền quê, tạo nên phong trào rộng lớn, trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên chống lại thực dân, phong kiến ngay sau khi Đảng ta mới ra đời:

Nghệ Tĩnh “đỏ”
Nghệ Tĩnh “đỏ”

Núi Quyết, non Hồng vẫn đứng sừng sững bên bờ sông Lam thơ mộng.

Như những đợt sóng dâng trào, khí thế nổi dậy bùng lên mạnh mẽ suốt dọc dải đất Nghệ Tĩnh. Những “làng đỏ” từ miền ngược đến miền xuôi mọc lên khắp nơi, tiêu biểu là: Ngọc Điền, Tiến Linh, Chi Nê (Hưng Nguyên); Thanh Hà, Võ Liệt (Thanh Chương); Phúc Thọ (Nghi Lộc); Ngọc Sơn (Đô Lương); Liên Thành (Yên Thành); Bến Thủy (TP Vinh); Phù Việt (nay đã sáp nhập thành xã Việt Tiến, Thạch Hà); Hồng Lộc, Phù Lưu, Tân Lộc (Lộc Hà); Vĩnh Lộc (nay đã sáp nhập thành xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc); Sơn Châu (Hương Sơn); Phú Phong (Hương Khê); Gia Lách (Nghi Xuân); Kim Nặc (Cẩm Xuyên)…

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tranh minh họa

Từ tháng 9/1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao. Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên và nông dân Can Lộc. Tại Hưng Nguyên, sáng 12/9, khoảng 8.000 nông dân của 3 tổng: Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn), dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, hàng ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, dây thừng, giương cờ đỏ búa liềm kéo về ga Yên Xuân. Đoàn biểu tình xếp hàng tư, dài khoảng 3-4 km. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy cả một vùng. Đoàn người tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên. Khi đoàn biểu tình vừa tiến đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm nhiều người chết và bị thương. Buổi chiều, bà con nông dân ra khâm liệm và mai táng những người đã hy sinh, máy bay Pháp lại đến tàn sát một lần nữa làm 217 người chết, 125 người bị thương và hàng chục người bị bắt giam. Khu tưởng niệm các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh tại Thái Lão, thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh: Khôi Nguyễn

Tại Ngã ba Nghèn, từ tháng 8 đến đầu tháng 9/1930, nhiều lần nông dân Can Lộc kéo về huyện đường đòi lại công điền, công thổ, đòi quyền tự do dân chủ. Đặc biệt, ngày 12/9, Huyện ủy Can Lộc đã phát động cuộc biểu tình với quy mô lớn. Khoảng 5.000 người dân vùng thượng Can và hạ Can đội ngũ chỉnh tề, cầm băng cờ khẩu hiệu chia làm 3 mũi kéo về huyện đường đòi quyền dân sinh, dân chủ. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn đế quốc và phong kiến đã cho lính xả súng bắn vào đoàn biểu tình làm 42 người chết tại chỗ và hàng trăm người bị thương.

Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cộng sản như: Nguyễn Phong Sắc, Trần Hữu Thiều, Nguyễn Đình Liễn, Võ Quế, Phạm Thị Dung, Phan Gần, Nguyễn Khiên Sức, Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Khương… trở thành biểu tượng bất tử của lòng dũng cảm và chí khí can trường.

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Truông Gió (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) là nơi diễn ra nhiều cuộc tập hợp lực lượng biểu tình lên huyện lỵ Can Lộc trong cao trào Xô viết. Ảnh: Thiên Vỹ

Bài học mà phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh để lại cho muôn đời chính là sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của Nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là 2 lực lượng chính tiên phong trong mọi cuộc cách mạng. Truyền thống đoàn kết, công tác tuyên truyền, vận động luôn phải đi trước một bước để quy tụ, tập hợp sức mạnh toàn dân. Dẫu nhiều cuộc biểu tình bị dìm trong biển máu nhưng Đảng ta đã có thêm những bài học quý giá để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Ngọn lửa Xô viết mãi soi sáng con đường giải phóng dân tộc, là điểm tựa tinh thần lớn lao để toàn Đảng, toàn dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Mùa thu này, đi giữa đất trời quê hương xứ Nghệ yên bình, xanh tươi, dạt dào sức sống, chúng tôi như nghe thấy dư âm tiếng trống Xô viết năm 30 hòa cùng tiếng trống rộn rã của ngày khai trường. Dòng sông Lam vẫn lặng thầm soi bóng núi Quyết, non Hồng, chất chứa trong lòng nó bao câu chuyện lịch sử. Dừng chân ở Ngã ba Bến Thủy, hình dung lại không khí sục sôi của phong trào công nông những năm 1930 của thế kỷ trước, chúng tôi cùng đọc lại những dòng bia lưu niệm, tưởng nhớ đến 7 người đã chết và hàng chục người hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 1/5/1930.

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Toàn cảnh Khu di tích tưởng niệm các liệt sỹ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Thái Lão, thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An (ảnh 1). Chiếc trống Xô viết 1930 trưng bày ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, thành phố Vinh, Nghệ An (ảnh 2). Cán bộ Khu di tích giới thiệu về khu mộ tập thể 217 liệt sỹ Xô viết hy sinh tại Thái Lão (ảnh 3).

Người xứ Nghệ vẫn vậy: can trường, dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh, đi đầu bước trước trong mọi cuộc cách mạng, hiền hòa, khoan dung, lãng mạn mà thấm đẫm ân tình, thủy chung sâu nặng như núi, như sông:

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Chưa bao giờ những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận lại thấm đẫm, ăm ắp trong tôi như khi đứng giữa cầu Bến Thủy, nghe gió từ dòng Lam thổi lên lồng lộng, mát rượi. Văn hóa, con người xứ Nghệ, khí chất Xô viết đã trở thành tài nguyên vô giá, sức mạnh nội sinh to lớn để Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vượt qua mưa bom bão đạn, nắng hạn bão giông, gió lào bỏng rát, vượt qua những gian khó cuộc đời để tô đẹp non sông gấm vóc, xây dựng cuộc sống mới, xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân.

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Gian trưng bày các hiện vật ảnh chân dung của các cố Tổng Bí thư quê Nghệ Tĩnh tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An).

"Nước sông Lam biết khi mô cho cạn/ Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta/ Dù cho bão nổi, can qua/ Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An"… Được trao truyền khí chất Xô viết từ các thế hệ cha ông, tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cùng các bậc anh hùng hào kiệt, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã nhân lên sức mạnh từ truyền thống, đoàn kết chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Được biết, 6 tháng đầu năm 2022, Nghệ An đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung Bộ về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP đạt 8,84%, tăng 1,01% so với cùng kỳ 2021); thu ngân sách Nhà nước đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 0,42 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021; lũy kế đã có 299 xã đạt chuẩn NTM (72,75%). Chính trị ổn định, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Ngày 6/9/2022, Nghệ An đã long trọng tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - người con ưu tú của quê hương - đúng vào dịp kỷ niệm 92 năm Xô viết Nghệ Tĩnh. Trong huyết quản của mỗi người dân Nghệ An vẫn râm ran niềm tự hào về truyền thống quê hương, đúng như 2 câu đối mà chị Nguyễn Thị Minh - phụ trách khu tưởng niệm các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh tại Thái Lão, thị trấn Hưng Nguyên đã đọc cho chúng tôi nghe: "Trống Xô viết vang trời Thái Lão/ Cờ búa liềm đỏ đất Hồng Lam".

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Một góc thành phố Vinh về đêm. Ảnh Hải Vương (Baonghean.vn)

"Chơ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh/ Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La"… Tự hào là đất Xô viết, quê hương của 2 Tổng Bí thư: Trần Phú, Hà Huy Tập và các bậc danh nhân, anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh hôm nay đang viết tiếp trang sử mới của quê hương, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân. Vượt lên khó khăn của thiên tai, dịch bệnh, Hà Tĩnh đang lấy lại đà tăng trưởng. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giành thắng lợi với hơn 10.400 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. NTM trở thành điểm sáng của cả nước, đến nay đã có 177/181 xã đạt chuẩn NTM, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM. Lấy văn hóa là mục tiêu, nền tảng, động lực cho sự phát triển, Hà Tĩnh đang bước đi vững chắc trên chặng đường đổi mới.

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Khu kinh tế Vũng Áng là “đầu kéo” dẫn dắt, thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh. Ảnh: Nam Nhất Đức

Nghệ Tĩnh “đỏ”

Đồng chí Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: “Mỗi bước đi của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh hôm nay đều có bóng dáng của lịch sử quê hương. Tự hào là thế hệ kế tiếp truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Tĩnh nguyện đoàn kết một lòng, đem hết sức mình xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh, phấn đấu để đến năm 2030, Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước”.

ảnh: đình nhất & pv-ctv

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast